Các nhà máy đường nếu không nghĩ đến đa dạng hóa sản phẩm thì khó có thể hạ giá thành đường và khó cạnh tranh được với ngành đường thế giới.

Các nhà máy đường nếu không nghĩ đến đa dạng hóa sản phẩm thì khó có thể hạ giá thành đường và khó cạnh tranh được với ngành đường thế giới.

Cuộc sát hạch gắt gao doanh nghiệp mía đường

Từ ngày 1/1/2020, doanh nghiệp mía đường thực thi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và đã có những biện pháp cụ thể như hạ chỉ tiêu niên vụ 2019 - 2020, đầu tư nhà máy, công nghệ hiện đại để cạnh tranh.

Không “bao cấp” cho ngành đường

Từ nửa cuối năm 2019, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cũng như các doanh nghiệp mía đường liên tục gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ và hàng loạt bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh để “trần tình” về những khó khăn và xin hoãn thực thi ATIGA.

Song, theo hồi đáp của các cơ quan và văn bản trả lời của Thủ tướng (Văn bản số 1405/TTg-KTTH), thì năm 2018, Chính phủ đã cho phép trì hoãn thời hạn xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường trong ASEAN đến năm 2020 để ngành mía đường Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị. Nếu tính từ năm 2005, khi các nước ASEAN bắt đầu thiết lập cộng đồng kinh tế thì ngành mía đường có tổng cộng 15 năm để chuẩn bị hội nhập.

Như vậy, nếu tiếp tục hoãn thực thi cam kết đối với mặt hàng đường, các nước có thể có biện pháp trả đũa và yêu cầu đền bù, ảnh hưởng về mặt kinh tế và uy tín của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một lần nữa, Chính phủ không đồng ý việc tiếp tục đề nghị gia hạn ATIGA cho ngành mía đường. Chính phủ đảm bảo môi trường công bằng, ngành mía đường phải tự đào thải nếu năng lực cạnh tranh yếu kém hơn các đồng nghiệp trong ASEAN.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường đầu tư hàng năm, có nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu giống mía mới, cơ giới hóa, thủy lợi hóa những vùng mía tập trung.

Các bộ liên quan nghiên cứu áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các công cụ phòng vệ để kiểm soát đường nhập khẩu theo thông lệ và quy định quốc tế. Liên kết nông dân và doanh nghiệp chế biến. Xem xét phê duyệt giá điện được sản xuất từ bã mía một cách phù hợp.

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tăng cường chống buôn lậu, chống hàng giả, gian lận thương mại một cách quyết liệt hơn, xử lý nghiêm cán bộ liên quan đến việc bảo kê nhập khẩu đường trái phép.

Về phía doanh nghiệp, công ty, nhà máy đường hiện có phải tổ chức sắp xếp lại, cương quyết dẹp bỏ những nhà máy năng suất thấp, công nghệ lạc hậu, chỉ làm mỗi sản phẩm đường mà không có sản phẩm sau đường phong phú, đa dạng, phù hợp với thị trường.

Doanh nghiệp hành động

Đại diện VSSA cho biết, đến nay, các doanh nghiệp đã nhận thức rõ và nhất trí với thời điểm xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường. Việc các doanh nghiệp, thậm chí là ngành kinh tế kém năng lực bị đào thải dưới tác động của hội nhập là thực tế khách quan.

Theo VSSA, các nhà máy đường cần đầu tư công nghệ hiện đại, xây dựng nhà máy sản xuất điện sinh khối từ bã mía, coi điện là một trong những sản phẩm chính. Cùng với đó, cần xây dựng các dự án triển khai sản xuất xăng ethanol từ mía và mật rỉ, hoặc sử dụng bùn bã mía sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.    

Nói về vấn đề này, nguyên Chủ tịch VSSA Phạm Quốc Doanh cũng thừa nhận: “Trong bối cảnh này, không còn cách nào khác chúng ta phải theo cơ chế thị trường, chứ không thể đòi hỏi tất cả đều sống được hết. ATIGA, hay bất kỳ một FTA nào, đều là cuộc sát hạch gắt gao với các doanh nghiệp”.

Vị Chủ tịch nhiều năm lăn lộn với ngành mía đường cũng cho rằng, ATIGA có hiệu lực trong bối cảnh ngành mía đường còn quá nhiều khó khăn như hiện nay sẽ là thách thức, nhưng cũng tạo cơ hội cho những đơn vị có sự chuẩn bị kỹ càng khi “sân chơi” mở rộng. Do đó, các nhà máy đường nếu không nghĩ đến đa dạng hóa sản phẩm thì khó có thể hạ giá thành đường và khó cạnh tranh được với ngành đường thế giới.

Là “ông lớn” của ngành mía đường, Công ty Mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Công ty đã chủ động mở rộng nhà máy đường ở Lào và sắp tới là Campuchia.

Theo bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch HĐQT TTC Sugar, Công ty cũng dồn lực xây dựng vùng nguyên liệu tại các nước Ðông Dương, tạo thế kiềng ba chân, phát triển bền vững.

“Việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu là một trong những ưu tiên hiện nay. Bên cạnh đó, TTC Sugar còn phải tập trung nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm; mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh; tìm kiếm mở rộng thị trường; tăng vốn; hợp tác quốc tế để tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Ngọc chia sẻ.

Tương tự, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi cũng mạnh tay đầu tư thông qua việc mở rộng Nhà máy Đường An Khê, nhà máy điện sinh khối An Khê và một nhà máy đường tinh luyện RE.

Với Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc cho biết, Công ty đã tích cực đầu tư sản xuất, nâng công suất nhà máy đường từ 2.700 tấn mía/ngày lên 3.500 tấn mía/ngày, cải thiện chất lượng sản phẩm, đồng thời đầu tư nhà máy nhiệt điện để sản xuất điện sinh khối từ bã mía, góp phần giảm giá thành sản phẩm.

Tin bài liên quan