Nếu như trước đây, cước chuyển vùng quốc tế riêng biệt thường được các nhà mạng Việt Nam áp dụng cho 5 vùng với giá tăng dần cho các khu vực châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Úc… thì từ đầu năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp viễn thông có xu hướng "đồng giá" cước roaming với mức giá giảm sốc.
Viettel châm ngòi cuộc đua khi ngay bước vào đầu năm 2017 đã công bố áp dụng mức cước chuyển vùng quốc tế (roaming) giữa 3 nước Đông Dương tương đương như mức cước trong nước.
Tuy nhiên, phải đến giữa năm 2017, khi quy định về việc các nhà mạng được quyền tự chủ, tự đàm phán với các đối tác về giá cước dịch vụ chuyển vùng quốc tế, cuộc đua giảm cước với mức sốc càng bước vào giai đoạn nước rút. Các nhà mạng khác liên tục có cuộc rượt đuổi đối thủ về cước roaming.
Chỉ 2 tháng sau khi quy định này có hiệu lực, VinaPhone công bố sẽ giảm tới 99,7% cước data roaming và áp dụng đồng mức tại 8 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Singapore...
Với mức cước này, thuê bao Việt Nam được hưởng mức cước data roaming ngang với nội địa ở các nước sở tại như Thái Lan, Lào, Campuchia. Mức cước mới chỉ là 400 đồng mỗi MB thay cho với 102.400 đồng trước đó.
Không lâu sau đó, đến đầu tháng 9, Viettel tiếp tục công bố tất cả thuê bao trả trước lẫn trả sau của nhà mạng này được hưởng giá cước dịch vụ dữ liệu chuyển vùng quốc tế tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia với mức giảm tới 99%.
Theo đó, mức cước phí khi sử dụng dịch vụ data roaming của thuê bao Viettel tại các quốc gia này chỉ vào khoảng 22 đồng đối với 10KB, thay cho mức trước đó là 2.363 đồng.
Cuộc đua chưa dừng lại ở đó, từ đầu tháng 12/2017, VinaPhone công bố tiếp tục giảm 95% giá cước data roaming cho khách hàng làm thủ tục chuyển vùng quốc tế và sử dụng internet ở nước ngoài.
Mức cước mới được giảm từ 1.000 đồng đối với 10KB xuống còn 49 đồng. Tuy nhiên, không chỉ giảm giá cước dịch vụ, nhà mạng này còn liên tục đàm phán với các đối tác để mở rộng phạm vi áp dụng mức giá thấp.
Mức cước trên được áp dụng đồng loạt trên tất cả 170 quốc gia và vùng lãnh thổ mà nhà mạng có ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ roaming.
Nhà mạng cũng có những chính sách tặng khách hàng data. VinaPhone tặng thêm khách hàng dịch vụ data roaming 30MB áp dụng tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ông Nguyễn Trường Giang, đại diện VNPT VinaPhone cho hay, các gói cước data roaming mới sẽ tạo điều kiện để thuê bao kết nối qua các ứng dụng OTT, mạng xã hội, email...
Và chỉ một tháng sau, Viettel tiếp tục công bố bảng giá cước mới cho dịch vụ data roaming tại 10 quốc gia bao gồm cả châu Á, châu Âu với giá cước mới giảm tới 99% so với giá cũ, chỉ còn từ 2.500 tới 3.500 đồng cho một MB.
Với mức giá mới này, nếu khách hàng sử dụng từ 25-30 MB mỗi ngày (mức dung lượng này đáp ứng đủ nhu cầu gửi, nhận tin nhắn qua các ứng dụng OTT) cước phí data roaming dao động từ 60.000-100.000 đồng.
Tuy chậm chân hơn so với các đối thủ, song cũng ngay đầu năm 2018, Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng điều chỉnh cước 3 dịch vụ thoại, gửi tin nhắn và data chuyển vùng quốc tế với mức giảm lớn nhất đến 99,9%.
Theo đó, tất cả các thuê bao trả trước, trả sau của MobiFone khi thực hiện cuộc gọi chuyển vùng quốc tế tại 19 nước và vùng lãnh thổ kể cả Mỹ, Australia, Pháp, Canada... sẽ được áp dụng mức tính cước 10.000 đồng mỗi phút, gọi về Việt Nam và gọi đi quốc tế từ các địa điểm trên đều ở mức 30.000 đồng mỗi phút, mức cước nhận cuộc gọi là 10.000 đồng một phút và 5.000 đồng một tin nhắn SMS.
Nhà mạng cũng áp dụng mức cước chuyển vùng quốc tế đồng giá 409 đồng mỗi MB tại 19 nước và vùng lãnh thổ. Theo đó, nếu như trước đây, cước data roaming tại Mỹ được tính ở mức 510.976 đồng mỗi MB thì nay chỉ còn 409 đồng.
Đại diện MobiFone cho hay, hiện nhu cầu của người dùng không chỉ là thoại và tin nhắn mà việc truy cập internet, sử dụng mạng xã hội, tham gia các dịch vụ trực tuyến...
Cũng theo ông, việc giảm sâu cước roaming không chỉ nhằm cạnh tranh với các dịch vụ OTT và mạng xã hội mà còn là xu thế chung của các nhà mạng trên thế giới.
Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo một doanh nghiệp viễn thông cho hay với các mức giảm sốc như trên thì mức lãi của các nhà mạng gần như bằng 0.
Tuy nhiên, nếu nhà mạng không giảm cước dữ liệu chuyển vùng quốc tế thì người dùng trong nước khi ra nước ngoài sẽ mua SIM và dùng dịch vụ data của các nhà mạng tại nước sở tại, thậm chí dùng dịch vụ wifi. Khi đó, bản thân các nhà mạng trong nước cũng không thu được gì.
Vì thế, theo ông, chính sách giảm cước roaming trên nhằm khuyến khích chủ thuê bao sử dụng dịch vụ. Khi nhà mạng đạt được một lượng lớn dùng data roaming, doanh nghiệp trong nước có thể đàm phán, thỏa thuận mức giá tốt với các đối tác và khi đó cũng sẽ có lợi nhuận.