Cuộc phiêu lưu “hao tiền tốn của” của nhựa Ngọc Nghĩa

Cuộc phiêu lưu “hao tiền tốn của” của nhựa Ngọc Nghĩa

Mục tiêu đưa nước chấm thành một trong ba nhãn hàng lớn nhất năm 2013 khó thành hiện thực, phải lùi lại 2014-2015.

Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG) là một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành nhựa PET, chiếm hơn 30% thị phần thị tiêu thụ nội địa. Nhựa PET là nhựa được dùng chủ yếu trong lĩnh vực thực phẩm-đồ uống như chai nước giải khát, chai dầu ăn.

Cuộc phiêu lưu “hao tiền tốn của” của nhựa Ngọc Nghĩa ảnh 1

 

Năm 2009, công ty bất ngờ tiến vào lĩnh vực thực phẩm với việc thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm Đông Á (DAF) hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo và Công ty cổ phần Thực phẩm Hồng Phú (HPF) sản xuất nước chấm.

 

Đây là một cuộc phiêu lưu rất mạo hiểm và tốn kém tiền bạc vì Ngọc Nghĩa sẽ phải đối đầu để giành thị phần với rất nhiều ông lớn đang thống trị trong các lĩnh vực này.

 

Nhằm phù hợp với việc mở rộng ngành nghề kinh doanh, năm 2011, công ty đã đổi tên từ Công ty cổ phần Nhựa Ngọc Nghĩa thành thành Công ty cổ phần công nghiệp-dịch vụ-thương mại Ngọc Nghĩa.

 

Trong thị trường nước chấm, Ngọc Nghĩa phải đối đầu với một đối thủ rất lớn là Masan Consumer. Năm 2011, Masan chiến hơn 75% thị phần nước mắm và nước tương, với doanh thu từ 2 sản phẩm này lên tới 4.500 tỷ đồng, gấp 60 lần doanh thu mảng này của Ngọc Nghĩa.

 

Ngoài ra, thị trường nước mắm còn có rất nhiều thương hiệu khác như Long Đình, Knorr Phú Quốc, Miwon Hải Ngư…

 

Còn trong lĩnh vực bánh kẹo những ông lớn như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị… đang thống trị với doanh thu mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng.

 

Sản phẩm nước mắm của Ngọc Nghĩa gồm 2 nhãn hiệu Kabin và Thái Long. Các đối thủ chính trong thị trường nước mắm hiện có Chin-su và Nam Ngư của Masan, Knorr Phú Quốc của Unilever, Long Đình của Micoem...

 

Đến nay, sản phẩm bánh của Ngọc Nghĩa đã xuất hiện trên thị trường hơn 2 năm và nước mắm hơn 1 năm. Sản phẩm KABIN ra mắt vào tháng 10/2010, đóng góp 33 tỷ đồng doanh thu vào kết quả kinh doanh năm 2011.

 

Năm 2010 là năm đầu tiên các công ty ngành thực phẩm tung sản phẩm của mình ra thị trường thì năm 2011 là năm xây dựng và củng cố hệ thống phân phối bán hàng. Trong suốt năm 2011,DAF và HPF đã đầu tư tương đối lớn vào hệ thống phân phối.

 

Tuy nhiên, kết quả đạt được không như mong đợi đã làm công ty thay đổi phương án kinh doanh cho năm.

Cuộc phiêu lưu “hao tiền tốn của” của nhựa Ngọc Nghĩa ảnh 2Thua lỗ từ ngành thực phẩm đã kéo lùi lợi nhuận mà ngành nhựa mang lại

 

Thua lỗ từ ngành thực phẩm đã kéo lùi lợi nhuận mà ngành nhựa mang lại. Kết quả hợp nhất năm 2011 của Ngọc Nghĩa lỗ ròng 110 tỷ đồng dù cho lĩnh vực nhựa PET có lãi 139 tỷ đồng.

 

Năm 2011, ngành thực phẩm mang về 137 tỷ đồng doanh thu, chỉ bằng 34% kế hoạch. Trong đó doanh thu mảng nước chấm chỉ đạt 70 tỷ đồng, bằng 28% kế hoạch đặt ra là 250 tỷ đồng. Do là sản phẩm mới nên công ty đã bán hàng thấp hơn giá vốn 20 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, còn có 119 tỷ đồng chi phí bán hàng-marketing. Đặc thù của ngành hàng tiêu dùng là phải quảng cáo liên tục để người tiêu dùng luôn có ấn tượng với sản phẩm của mình, thời gian đầu khi sản phẩm mới ra mắt.

 

Ngoài ra, do vay nợ lớn nên chi phí tài chính cũng lên đến 102 tỷ đồng. Trừ đi các loại chi phí, ngành thực phẩm đã lỗ tới 259 tỷ đồng.

 

Tính chung 2 năm 2010-2011, tổng mức lỗ của ngành thực phẩm là 326 tỷ đồng.

 

Cuộc phiêu lưu “hao tiền tốn của” của nhựa Ngọc Nghĩa ảnh 3Kế hoạch và thực hiện năm 2011 của ngành nước chấm và bánh kẹo

 

Ban đầu, Ngọc Nghĩa đặt mục tiêu đưa sản phẩm nước chấm trở thành 1 trong 3 nhãn hàng lớn nhất vào năm 2013; hiện tại, kế hoạch này được điều chỉnh vào thời điểm 2014-2015.

 

Ngành thực phẩm đặt mục tiêu đạt 358 tỷ đồng doanh thu, gần gấp 3 lần năm 2010. Nếu như doanh thu đạt kế hoạch thì ngành này vẫn dự kiến lỗ 120 tỷ đồng. Nếu không được tăng vốn thì đến cuối năm, vốn chủ sở hữu của 2 công ty thực phẩm sẽ âm hơn 300 tỷ đồng.

 

Trong kế hoạch kinh doanh năm, chi phí bán hàng và marketing dự kiến giảm 30 tỷ đồng so với năm 2011, dự kiến là 91 tỷ đồng. Việc giảm chi phí bán hàng là điều khá lạ khi mà công ty đang cần mở rộng thị phần.

 

Chi phí lãi vay năm nay dự kiến vẫn trên 100 tỷ đồng, việc vốn chủ sở hữu đã âm nặng, các hoạt động tài trợ bằng vay nợ lớn sẽ khiến cho tình hình tài chính của Ngọc Nghĩa gặp rất nhiều rủi ro.