Cuộc khủng hoảng nợ khó có “hồi kết” tại Hy Lạp

Cuộc khủng hoảng nợ khó có “hồi kết” tại Hy Lạp

(ĐTCK) Châu Âu có thể lại đang tiến tới một thời điểm rất quan trọng trong mối quan hệ giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế. 

Một mặt, các chủ nợ châu Âu yêu cầu Hy Lạp tiếp tục phải thực thi các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” hơn nữa để đổi lấy các gói cứu trợ mới. Mặt khác, chính phủ Hy Lạp đang phải vật lộn để tìm kiếm sự cân bằng giữa làm hài lòng cử tri trong nước và các chủ nợ.

Nếu không tiếp tục được giải ngân, Hy Lạp sẽ khó có thể trả nợ đúng hạn vào mùa Hè này và nỗi lo sợ Athen vỡ nợ, đe dọa trực tiếp tới tương lai đồng euro sẽ lại một lần nữa trở thành câu chuyện tốn không ít giấy mực.

Trả lời phỏng vấn CNBC, một quan chức giấu tên giữ vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán cứu trợ Hy Lạp thời gian qua cho biết: “Thế bế tắc hiện nay là rất đáng quan ngại khi Hy Lạp không thực sự triển khai tất cả các động thái ưu tiên mà nước này đã cam kết để nhận được chương trình giải cứu”.

Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm của Hy Lạp đã tăng lên gần 10% trong phiên giao dịch ngày 7/2 vừa qua, mức cao nhất kể từ tháng Sáu năm ngoái, thời điểm diễn ra những căng thẳng tương tự giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hy Lạp. Trong vòng 8 năm qua, Athens đã phải thực thi hàng loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu và cải cách kinh tế trong nước để có thể tiếp tục nhận các khoản vay cứu trợ.

Bản thân các chủ nợ của Hy Lạp cũng đang chia rẽ trong việc xác định các mục tiêu phù hợp cho vấn đề tài chính của Hy Lạp. Vướng mắc chủ yếu hiện nay là giữa các chủ nợ châu Âu và Hy Lạp. Giới chủ nợ châu Âu muốn chứng kiến những cải cách thực sự trên thị trường lao động, trong lĩnh vực năng lượng và thặng dư ngân sách cao hơn, trong khi phần còn lại, chủ yếu là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lại sẵn sàng nới lỏng một số quy định khắt khe, trong đó có khả năng miễn giảm nợ cho Hy Lạp.

Trước đó, bất đồng đã xuất hiện giữa châu Âu và IMF do châu Âu yêu cầu Hy Lạp phải đạt thặng dư ngân sách trước khi trả nợ tương đương 3,5% GDP, vượt xa mức 1,5% GDP mà IMF cho là khả thi. Đây cũng chính là nguyên nhân gây trì hoãn chương trình cứu trợ tài chính dành cho Hy Lạp trị giá 86 tỷ euro (92,4 tỷ USD).

Về phần mình, Đức (nền kinh tế lớn nhất EU) cũng lên tiếng phản đối việc miễn giảm nợ quy mô lớn cho Hy Lạp, trừ khi nước này hoàn thành những cải cách sâu rộng và duy trì thặng dư ngân sách 3,5% GDP trong trung hạn sau khi kết thúc chương trình cứu trợ nói trên vào năm 2018. 

Tình trạng chia rẽ giữa IMF và Eurozone khiến dư luận trên thị trường tài chính không khỏi lo ngại rằng gói cứu trợ 86 tỷ euro dành cho Hy Lạp sẽ bị đóng băng.

Trong bối cảnh cả Pháp, Đức và Hà Lan đang chuẩn bị bước vào bầu cử, giới chính trị gia dường như khó có thể đạt được một thỏa thuận về vấn đề Hy Lạp.

Theo kế hoạch, tháng 7/2017, Hy Lạp sẽ phải thanh toán gần 7 tỷ euro tiền nợ cho các chủ nợ. Nếu Hy Lạp không thực thi các cải cách như phía châu Âu yêu cầu, các gói giải ngân tiếp theo sẽ bị dừng lại. IMF cũng chẳng thể can thiệp giải cứu thêm, nếu một thỏa thuận cứu trợ rõ ràng không xảy ra. Trong kịch bản đó, Athens sẽ không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ của mình nếu không được "bơm" thêm tín dụng.

“Sự kiên nhẫn, đặc biệt tại Đức, đang ngày càng phai nhạt. Hy Lạp khó có thể bị đá ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song chắc chắn EU sẽ gây sức ép mạnh mẽ lên chính phủ Thủ tướng Alexis Tsipras và Đảng cánh tả Syriza tại Hy Lạp”, Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics nhận định.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan này có thể là rào cản khác đối với kinh tế Hy Lạp, trong bối cảnh Athen đã rất nỗ lực để thoát khỏi suy thoái kinh tế trong nửa cuối năm 2016. Nếu Hy Lạp và châu Âu không thể thống nhất được quan điểm trong những tuần tới, cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp dường như sẽ không có hồi kết.

Tin bài liên quan