Nhiều nền kinh tế yếu kém đã vượt qua hậu quả của đại dịch Covid-19 và căng thẳng giữa Nga và Ukraine bằng các gói viện trợ tài chính từ các bên cho vay đa phương và song phương.
Theo đó, các khoản hoàn trả trái phiếu quốc tế có lợi suất cao của các thị trường mới nổi sẽ có tổng giá trị 30 tỷ USD vào năm 2024, tăng mạnh so với 8,4 tỷ USD trong thời gian còn lại của năm nay. Điều này làm tăng thêm mức độ phức tạp cho các quốc gia dễ bị tổn thương hơn nếu một số tổ chức phát hành không thể sớm tái cấp vốn cho khoản nợ của họ.
James Wilson, chiến lược gia tại ING cho biết: “Một khoảng thời gian dài hơn mà không được tiếp cận thị trường sẽ gây lo ngại nhiều hơn đối với các trái phiếu có bậc xếp hạng thấp hơn trong vũ trụ trái phiếu chính phủ của các thị trường mới nổi”.
Tổng giá trị các trái phiếu quốc tế sắp đến hạn qua các năm ở các thị trường mới nổi |
Trong khi đó, vấn đề khai thác thị trường nợ quốc tế không phải là một vấn đề đối với các nền kinh tế mới nổi. Việc phát hành trái phiếu được bảo lãnh bởi chính phủ đã đạt mức cao kỷ lục từ đầu năm đến nay, mặc dù chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ được xếp hạng cao hơn.
Trong khi đó, các quốc gia như Tunisia, Kenya và Pakistan "sẽ cần tìm các nguồn tài chính thay thế nếu thị trường không mở cửa trở lại cho họ", Thys Louw, Giám đốc danh mục đầu tư tại Ninety One cho biết.
Merveille Paja, chiến lược gia của BofA cho biết, các nhà đầu tư đang lo ngại về rủi ro tái cấp vốn đối với trái phiếu trị giá 2 tỷ USD của Kenya đáo hạn vào tháng 6/2024.
Cuộc khủng hoảng nợ của Tunisia thậm chí còn xảy ra sớm hơn của Kenya, bao gồm lô trái phiếu nước ngoài trị giá 500 triệu euro đáo hạn vào tháng 10/2022 và 850 triệu euro khác đáo hạn vào tháng 2/2023. Cơ quan xếp hạng Fitch Ratings đã xem việc vỡ nợ là "khả năng thực sự" đối với quốc gia được xếp hạng CCC.
Vào tháng 10/2022, Tunisia đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ trị giá 1,9 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mặc dù Tổng thống Tunisia Kais Saied gần đây đã đưa ra lời từ chối rõ ràng nhất về các điều khoản của chương trình này.
Ethiopia, hiện đang đàm phán một chương trình tài chính với IMF, có khoản phát hành trái phiếu châu Âu trị giá 1 tỷ USD đến hạn vào năm 2024. Các nhà đầu tư đã sẵn sàng đề nghị gia hạn thời gian đáo hạn.
Sri Lanka, Zambia và Ghana đã vỡ nợ ở nước ngoài và đang làm việc để xử lý nợ với các chủ nợ, mặc dù tiến độ đang diễn ra khá chậm.
Theo một báo cáo của ING, Bahrain có dự trữ ngoại hối hạn chế và nhu cầu tái cấp vốn lớn, nhưng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các quốc gia sẽ giảm thiểu một số rủi ro này.
Rủi ro toàn cầu
"Ở Tunisia và Pakistan, việc hoàn thiện chương trình của IMF sẽ là một bước quan trọng để tránh vỡ nợ vì điều đó sẽ mở ra nguồn tài chính song phương và đa phương”, ông Thys Louw cho biết.
Chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi (EMBI) của JPMorgan đối với trái phiếu có lãi suất cao ở mức 9% so với trái phiếu Kho bạc Mỹ và phần lớn vẫn duy trì trên 8% kể từ đầu năm ngoái.
Gregory Smith, nhà quản lý quỹ thị trường mới nổi tại M&G Investment cho biết: "Các biến động chênh lệch trong thời kỳ đại dịch là rất lớn, nhưng lại rút lui rất nhanh. Xung đột Nga-Ukraine và sau đó là chu kỳ tăng lãi suất của Fed đã dẫn đến mức chênh lệch cao hơn trong một thời gian dài hơn nhiều".
Đồng đô la Mỹ yếu hơn sẽ giúp các quốc gia khai thác thị trường nợ quốc tế trong trung hạn, nhưng dữ liệu gần đây đã làm dấy lên lo ngại rằng các chính sách hạn chế của ngân hàng trung ương có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.
“Các nhà đầu tư lo ngại về sự lây lan hơn nữa của lĩnh vực ngân hàng và rủi ro của việc Fed tạm dừng quá sớm hoặc thắt chặt quá mạnh”, chiến lược gia Merveille Paja cho biết.