Đối mặt với giá khí đốt và giá điện tăng cao, các quốc gia châu Âu cầu mong thời tiết sẽ ôn hòa hơn, nhất là trong mùa Đông tới đây. Châu Âu hiện đang thiếu khí đốt, than đá và nếu tình huống xấu nhất xảy ra, có thể sẽ dẫn tới tình trạng mất điện trên diện rộng, buộc các doanh nghiệp, nhà máy phải đóng cửa.
Châu Âu ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn năng lượng tái tạo như gió và điện mặt trời, trong khi đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch sụt giảm. Chính sách môi trường cũng đã thúc đẩy một số quốc gia đóng cửa các nhà máy điện than và hạt nhân, giảm số lượng các nhà máy điện có thể phục vụ dự phòng trong thời gian thiếu hụt.
Marco Alvera, Giám đốc điều hành công ty cơ sở hạ tầng năng lượng Snam SpA của Ý cho biết: “Tình huống có thể trở nên rất xấu trừ khi chúng tôi hành động nhanh chóng để cố gắng lấp đầy từng centimet dung lượng lưu trữ. Người dân có thể sống sót một tuần mà không có điện, nhưng không thể sống sót nếu không có khí đốt”.
Nhu cầu năng lượng đang tăng từ Mỹ sang châu Âu và châu Á khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch toàn cầu, thúc đẩy hoạt động công nghiệp và làm dấy lên lo ngại về lạm phát. Giá năng lượng ở châu Âu cao đến mức hai nhà sản xuất phân bón lớn của khu vực đã thông báo đóng cửa các nhà máy hoặc cắt giảm sản lượng.
Không chỉ tác động mạnh tới các doanh nghiệp, các chính phủ cũng lo ngại về tác động đối với các hộ gia đình đang phải đối mặt với chi phí cao hơn từ thực phẩm đến cước phí vận chuyển. Khi giá điện và khí đốt đạt kỷ lục từ ngày này qua ngày khác, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp và Pháp đều đang vào cuộc để bảo vệ người tiêu dùng khỏi lạm phát.
“Nguồn cung cấp khí đốt đang thiếu hụt, nguồn cung cấp than đá thiếu hụt và năng lượng tái tạo không hoạt động tốt, vì vậy chúng tôi hiện đang ở trong tình trạng điên rồ này”, Dale Hazelton, Trưởng bộ phận than nhiệt tại Wood Mackenzie cho biết.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn ba lần trong năm nay do nhà cung cấp năng lượng hàng đầu là Nga hạn chế việc cung cấp thêm sản lượng mà châu Âu cần để bổ sung các kho dự trữ đã cạn kiệt sau một mùa Đông lạnh giá vào năm ngoái. Rất khó để có được nguồn cung cấp thay thế vì các mỏ ở Biển Bắc đang trong giai đoạn bảo trì lớn sau những đợt trì hoãn do đại dịch gây ra và châu Á cũng đang vận chuyển hàng hóa khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở châu Âu.
Tồn kho khí đốt của châu Âu đang ở mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ tính đến thời điểm này trong năm. Alexey Miller, Giám đốc điều hành của Gazprom PJSC cho biết, châu Âu sẽ bước vào mùa Đông mà không bổ sung đầy đủ kho dự trữ, ít nhất là trong khoảng 1 tháng đầu của mùa Đông.
Vào năm 2018, cư dân mạng ở Anh đã đặt tên cho đợt không khí lạnh đến từ Siberia khiến châu Âu chìm trong giá rét và các nhà kinh doanh năng lượng bất ngờ là “Quái vật từ phương Đông”. Năm nay cũng có khả năng hiện tượng thời tiết La Nina sẽ phát triển trở lại.
Trung tâm Dự báo Khí hậu Mỹ cho biết, có 66% khả năng hiện tượng La Nina sẽ quay trở lại trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1. Điều đó có thể làm trầm trọng thêm nhu cầu khí hoá lỏng LNG và nhu cầu LNG từ Nhật Bản đến Ấn Độ sẽ tăng mạnh.
Goldman Sachs cho biết, châu Âu sẽ cần phải cắt giảm nhu cầu nếu mùa Đông lạnh giá xuất hiện và dự đoán khu vực này sẽ phải đối mặt với tình trạng mất điện.
Tuy nhiên, vấn đề về nguồn cung khó có thể sớm cải thiện đáng kể. Nga cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và tập đoàn năng lượng Gazprom đang hướng tới bổ sung sản lượng vào hàng tồn kho trong nước. Fabian Ronningen, nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy AS cho biết, giá có thể vẫn ở mức cao ngay cả khi châu Âu kết thúc với một mùa Đông ôn hòa.
Stacey Morris, Giám đốc nghiên cứu của nhà cung cấp chỉ số Alerian ở Dallas cho biết: “Với giá khí đốt tự nhiên đã đạt mức cao kỷ lục ở châu Âu trước nhu cầu tích trữ tăng cao để chuẩn bị cho mùa Đông, giá có thể tăng cao hơn nữa trong những tháng tới. Có khả năng nó còn có thể trở nên tồi tệ hơn”.