Sự gián đoạn xảy ra khi các nhà sản xuất và các hãng vận chuyển đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu cho mùa mua sắm cuối năm trong bối cảnh các nguồn cung cấp bị thắt chặt do chi phí nguyên liệu tăng cao, sự chậm trễ kéo dài tại các cảng và tình trạng thiếu container vận chuyển.
Các nhà sản xuất Trung Quốc cảnh báo rằng, các biện pháp cắt giảm sử dụng điện nghiêm ngặt sẽ làm giảm sản lượng ở các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông - chiếm gần 1/3 GDP của Trung Quốc, và điều này có thể làm tăng giá hàng hoá.
Các chính quyền địa phương đang ra lệnh cắt điện nhằm cố gắng tránh bỏ sót các mục tiêu về giảm năng lượng và cường độ phát thải, trong khi một số nơi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện.
Clark Feng, chủ sở hữu Công ty thương mại Vita Leisure, công ty mua lều và đồ nội thất từ các nhà sản xuất Trung Quốc để bán ra nước ngoài cho biết, việc hạn chế điện ở tỉnh Chiết Giang mà công ty đặt trụ sở đã giáng một đòn khác vào các doanh nghiệp. Ông cho biết, các nhà sản xuất vải ở tỉnh đang bị đình trệ sản xuất đã bắt đầu tăng giá và hoãn nhận các đơn đặt hàng mới ở nước ngoài.
“Chúng tôi đã gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài và giờ đây với việc hạn chế năng lực sản xuất, đó chắc chắn sẽ là một mớ hỗn độn lớn. Chúng tôi đã phải đối phó với rất nhiều yếu tố không chắc chắn và bây giờ còn xuất hiện một yếu tố nữa. Việc giao đơn hàng sẽ khó hơn, đặc biệt là vào mùa lễ mua sắm cuối năm”, ông cho biết.
Yiwu Huading Nylon, công ty sản xuất nylon từ vải tổng hợp ở Chiết Giang đã tạm ngưng một nửa công suất sản xuất kể từ ngày 25/9 theo lệnh của chính quyền địa phương về việc cắt giảm tiêu thụ điện. Công ty dự kiến, sản lượng sẽ tiếp tục sản xuất trở lại từ ngày 1/10 và cho biết, họ sẽ tìm cách giảm thiểu tác động của việc giảm bớt công suất.
Gián đoạn tại các cảng
Các vấn đề về điện xảy ra sau sự cố các cảng ở Trung Quốc bị gián đoạn đã lan rộng khắp các chuỗi cung ứng toàn cầu. Một phần của cảng Ningbo đã không hoạt động trong nhiều tuần trong tháng 8 sau khi bùng phát dịch bệnh Covid-19, trong khi cảng Yantian ở Thâm Quyến đã đóng cửa vào tháng 5.
Cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc vào thời điểm nền kinh tế đang chậm lại vì các yếu tố như các biện pháp kiểm soát virus nghiêm ngặt và các hạn chế chặt chẽ hơn để kiềm chế thị trường bất động sản.
Nomura Holdings, China International Capital và Morgan Stanley cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc hoặc cảnh báo tăng trưởng thấp hơn do sự cố nguồn điện.
Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura Holdings Inc ở Hồng Kông cho biết: “Các thị trường toàn cầu sẽ cảm thấy sự thiếu hụt nguồn cung từ dệt may, đồ chơi đến linh kiện máy móc. Chủ đề nóng nhất về Trung Quốc sẽ sớm chuyển từ “Evergrande” sang “Khủng hoảng điện".
Pegatron Corp., một đối tác quan trọng của Apple và là một trong những nhà lắp ráp iPhone của họ cho biết, hoạt động lắp ráp iPhone ở Trung Quốc đang bắt đầu giảm mức tiêu thụ năng lượng từ ngày 27/9. Công ty cho biết, họ đang thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng để tuân thủ các chính sách của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, theo những người quen thuộc với tình hình cho biết, các công ty chịu trách nhiệm sản xuất thiết bị cầm tay của Apple cho đến nay đã tránh cắt giảm mạnh sản lượng và dường như được ưu đãi tiếp cận năng lượng để duy trì hoạt động.
Với cuộc khủng hoảng điện đang dịch chuyển từ nhà máy đến nhà dân, Tổng công ty điện lực Nhà nước của Trung Quốc hôm 27/9 cho biết rằng, họ sẽ cố gắng hết sức để tránh cắt điện để đáp ứng nhu cầu dân cư cơ bản.
Các nhà phân tích cho rằng, tình trạng thiếu điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả các ngành công nghiệp nặng như nhôm và thép đến các ngành hạ nguồn. Tại trung tâm công nghiệp Quảng Đông, cơ quan quản lý năng lượng của tỉnh đã đưa ra một thông báo hôm 26/9 cho biết việc cắt giảm quy mô lớn đối với các nhà máy đã được thực hiện.
Hao Hong, Trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược gia trưởng tại Bocom International cho biết: “Không ai biết khi nào nút thắt chuỗi cung ứng sẽ được khắc phục, nhưng nó có vẻ đáng ngại cho mùa đông này”.
Chen Yubing, Giám đốc tại Tô Châu Berya Textile Technology, một nhà xuất khẩu vải polyester và nylon có trụ sở tại Chiết Giang cho biết, Công ty của ông đã phải chịu thiệt hại lớn do việc tạm ngừng hoạt động. Các dây chuyền sản xuất của công ty chỉ được phép hoạt động 3 ngày một tuần bắt đầu từ đầu tháng 9 và đơn đặt hàng vào thứ Hai sẽ phải đến hai ngày sau mới thực hiện. Trong khi đó, một nửa doanh số của công ty đến từ các khách hàng ở nước ngoài.
“Chúng tôi gặp vấn đề trong việc giao một số đơn đặt hàng. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm bây giờ là chờ đợi và thương lượng với khách hàng”, ông cho biết.