Những thách thức trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ các nhà máy đến tay người tiêu dùng cùng với nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đã khiến giá cả trên các mặt hàng như quần áo, lương thực và thiết bị tăng lên.
Những yếu tố đó đã góp phần đẩy lạm phát tháng 12 của Mỹ tăng lên với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982. Áp lực giá cả tăng cao cộng với với sự lan rộng của biến thể Omicron làm chậm hoạt động càng làm gia tăng sức ảnh hưởng lên nền kinh tế nói chung.
Trong khi đó, tắc nghẽn tại cảng là một trong những yếu tố mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang theo dõi chặt chẽ để xác định các bước tiếp theo về chính sách tiền tệ.
Theo Jack Janasiewicz, chiến lược gia danh mục đầu tư quản lý tài sản toàn cầu của Natixis cho biết, các nhà hoạch định chính sách của Fed có thể đang xem xét liệu việc nới lỏng các vấn đề tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng có thể "câu giờ" cho việc tăng lãi suất một cách mạnh mẽ và thu hẹp bảng cân đối kế toán của họ hay không, đặc biệt nếu tình trạng thiếu hụt và giá tăng vọt có thể bình thường hóa trong ngắn hạn.
Tại buổi điều trần hôm 11/1, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phản bác tuyên bố của chính quyền Tổng thống Biden rằng, các vấn đề về chuỗi cung ứng đã được xoa dịu. Ông Powell đã nói với Quốc hội rằng, những tắc nghẽn dai dẳng là nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao kỷ lục, có thể khiến ngân hàng trung ương tăng lãi suất sớm hơn kế hoạch.
“Những ràng buộc từ phía nguồn cung đã rất dai dẳng và rất lâu dài. Chúng tôi không thực sự thấy nhiều tiến triển”, ông Jerome Powell nói trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện.
“Họ kỳ vọng rằng nếu Covid-19 bắt đầu được kiểm soát, khi mọi thứ bắt đầu bình thường hóa thì mặt cung và cầu cân bằng có thể bắt đầu nới lỏng và chúng ta sẽ bắt đầu thấy một số dấu hiệu lạm phát giảm bớt một chút”, chiến lược gia Janasiewicz cho biết.
Hàng chục con tàu chở hàng đã neo đậu ngoài khơi các cảng LA và Long Beach trong nhiều tháng qua dẫn đến khủng hoảng chuỗi cung ứng trên toàn nước Mỹ. Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg đã đến thăm hai cảng trong tuần này để thảo luận về những nỗ lực nhằm giải quyết những tắc nghẽn xuất hiện tại các cảng trong hơn một năm qua.
Trong khi đó, các con tàu vẫn bị tồn đọng ở Thái Bình Dương. Marine Exchange báo cáo trong tuần này rằng có tới 103 tàu cần được hỗ trợ tại các trung tâm Bờ Tây. Con số này bao gồm 89 tàu đang lảng vảng xa hơn trên biển hoặc đang chạy tốc độ chậm.
Mặc dù một số dự đoán rằng những rắc rối trong chuỗi cung ứng sẽ biến mất, ông Powell cho biết, việc vận chuyển bị đình trệ và những hạn chế đối với hàng hóa đang ảnh hưởng đến nền kinh tế, góp phần làm tăng chỉ số giá tiêu dùng.
“Đây là một tình huống thực sự có những ràng buộc khó khăn. Mọi người muốn mua ô tô, nhưng các nhà sản xuất ô tô không thể chế tạo thêm ô tô vì không có chất bán dẫn, điều chưa bao giờ xảy ra”, ông Powell nói.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện các biện pháp phong toả để kiểm soát sự lây lan của biến thể mới, điều này cho thấy có thể xảy ra nhiều gián đoạn chuỗi cung ứng hơn trong vài tuần tới.