Việc này diễn ra khoảng một tháng nay. Chị được chào mua từ dự án bất động sản, bán thẻ nghỉ dưỡng, bảo hiểm, tới làm thẻ ngân hàng, quảng cáo khoá học tiếng Anh, mỹ phẩm cho đến dịch vụ gia sư...
"Hầu hết cuộc gọi đều trong giờ làm việc. Có ngày cũng đến cả chục cuộc điện thoại quảng cáo. Một số đơn vị tôi đề nghị gạch tên khỏi danh sách nhưng ngày hôm sau vẫn tiếp tục nhận được điện thoại quảng cáo từ họ", chị Hiền nói.
Không chỉ nhận được những cuộc gọi quảng cáo, chị Duyên (Nam Từ Liêm) còn thường xuyên bị quấy rối bởi nhân viên chào mời đến tham dự các cuộc hội thảo hoặc lừa đảo trúng thưởng chương trình khuyến mại. Những cuộc gọi chị nhận được xuất hiện thường xuyên vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, kể cả ngày nghỉ.
Anh Bình (Cầu Giấy) cũng chịu cảnh tương tự nhưng thậm chí trong đó có không ít cuộc gọi từ tổng đài tự động (auto call). Chỉ cần nhấc máy là anh được nghe một đoạn thoại được ghi âm sẵn, giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ mà không cần biết người như anh có quan tâm hay muốn nghe đoạn quảng cáo hay không.
Thực tế, hiện có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ cài autocall cho phép tự động gọi ra theo danh sách nhập sẵn trên hệ thống với nội dung có trước. Đơn giá theo số lượng cuộc gọi, dao động 200.000-300.000 đồng cho 1.000 cuộc gọi trong vòng 7 ngày. Nếu sử dụng nhiều và thường xuyên, giá còn giảm thêm.
Trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội diễn ra đầu tháng 11, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông nói cuộc gọi rác quấy rối chủ thuê bao là hiện tượng mới. Theo ông, các nhà mạng mỗi tháng ghi nhận 10.000 số máy thực hiện các cuộc gọi rác, ảnh hưởng tới hàng triệu người.
Tháng trước Bộ đã thí nghiệm công cụ kỹ thuật chặn, lọc cuộc gọi rác và sẽ cơ bản thí điểm các công cụ này trong năm nay. Tuy nhiên, 80% trong 10.000 cuộc này từ sim rác. Vì thế, ông Hùng cho rằng việc ngăn chặn từ gốc vẫn phải là chặn sim rác và cơ quan này đang thanh tra diện rộng các nhà mạng, cá nhân, cửa hàng, đại lý phân phối, bán sim điện thoại.
Tuy nhiên, ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, ngoài sim rác, các cuộc gọi rác gần đây đa số được thực hiện bằng số điện thoại thông thường. Do đó, trước khi có thể ngăn chặn các cuộc gọi này nhà mạng phải phân tích, xem xét từ hành vi của số thuê bao đó như chỉ gọi đi, không có số gọi đến, ít khi dùng tin nhắn SMS cũng như dữ liệu và đa số gọi đến các số lạ, không có trong lịch sử...
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, cơ quan quản lý đang nghiên cứu xây dựng, bổ sung quy định về các phương án ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác. Quan điểm là cần xây dựng cơ chế để các đơn vị quảng cáo lành mạnh, có thể là cho phép các đầu số gọi tiếp thị phải gắn nhãn sản phẩm, dịch vụ hoặc tên tổ chức. Một phương án nữa là người dùng có thể đăng ký không nhận các cuộc gọi quảng cáo.
Trong dự thảo Nghị định về chống tin nhắn, email, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo qua các hình thức này, Bộ Thông tin & Truyền thông bổ sung quy định nhà cung cấp dịch vụ chỉ được phép gửi tin nhắn, thư điện tử, gọi quảng cáo khi người dùng đồng ý một cách rõ ràng, cụ thể qua một trong các cách như: gửi tin nhắn, thư điện tử, tổng đài, phần mềm hỗ trợ đăng ký.
Dự thảo cũng đề xuất nhà cung cấp dịch vụ phải nêu giải pháp cho phép người nhận từ chối nhận các thông tin. Bên cạnh đó, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền đăng ký không nhận mọi tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo với số điện thoại thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình.