Theo chương trình này, Bộ Tài chính thực hiện giảm thuế mạnh đối với rất nhiều mặt hàng, nổi bật là nhóm các mặt hàng tác động đến CPI mạnh nhất (nhóm lương thực, thực phẩm). Cụ thể, thịt trâu, bò và thịt lợn tươi, đông lạnh giảm từ 30 xuống 12%; sữa từ 20% xuống 10%; các loại sữa khác có mức thuế từ 10% - 15% - 30% đều giảm tương ứng xuống còn một nửa; trứng gia cầm giảm từ 20% và 40% xuống tương ứng 12% và 20%... Trong nhóm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ngô giảm từ 5% xuống 2%; thức ăn gia súc từ 5% - 10% xuống còn từ 2% - 5%...
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, các mặt hàng nhập khẩu được giảm thuế đều được đánh giá là nguyên nhân tác động đến chỉ số tăng giá tiêu dùng thời gian qua, đồng thời là những mặt hàng đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu cao. Do đó, việc giảm thuế những mặt hàng này là động thái tích cực, nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm giá sản phẩm.
Ông Trung nhận định, việc giảm thuế sẽ tác động mạnh tới thị trường. Các nhà nhập khẩu, kinh doanh, nhà sản xuất sẽ phải tính toán, cân nhắc kỹ, bởi đây không chỉ đơn thuần là việc thực hiện các chính sách thuế của nhà nước, mà còn là vấn đề cạnh tranh của từng doanh nghiệp (DN). Đồng ý với ý kiến này, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ tác động tới tâm lý người tiêu dùng, nên người bán hàng cũng khó có lý do để tùy tiện tăng giá bán như trước.
Tuy nhiên, sau gần 2 tuần thực hiện giảm thuế, nhóm hàng có tốc độ tăng giá nhanh và tác động đến CPI nhiều nhất vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến về giá cả. Theo khảo sát, các mặt hàng giảm thuế nhiều, như thịt trâu, bò, lợn tươi, đông lạnh, các loại sữa, trứng gia cầm và dầu ăn..., hầu như không có gì thay đổi về giá so với thời điểm trước 8/8. Trong khi đó, một số mặt hàng tiêu dùng khác lại tiếp tục có biểu hiện tăng giá. Tại các chợ đầu mối của Hà Nội như Long Biên, Hàng Bè, Thành Công..., giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn ở mức cao. Cụ thể, giá thịt lợn nạc thăn vẫn giữ 58.000đ - 60.000 đồng/kg; thịt bò 75.000đ - 80.000 đồng/kg.
Theo giải thích của một hộ kinh doanh thịt lợn lâu năm ở chợ Thành Công, do từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn hơi tăng lên đáng kể (từ 18.000đ đến 25.000đ/kg), nên không thể có chuyện giá giảm. Theo khảo sát, không chỉ có thịt lợn, mà giá của hầu hết các mặt hàng thực phẩm đều không hạ. Đặc biệt, giá thịt gia cầm tăng lên đáng kể (gà ta tăng khoảng 5.000đ/kg so với tuần trước). Một số hộ kinh doanh mặt hàng này nhận định, giá thịt gà sẽ còn tăng, do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế. Hơn nữa, thời gian gần đây, việc vận chuyển, buôn bán gia cầm vào nội thị ngày càng giảm, do các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát...
Theo giải thích của ông Nguyễn Đăng Vang, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sở dĩ giá thịt (gia cầm, gia súc) vẫn không giảm dù mức thuế nhập khẩu giảm khá mạnh là vì, từ trước đến nay, nguồn thịt được các doanh nghiệp khai thác phần lớn là sản phẩm trong nước, nên sự tác động của giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này không đáng kể. Hơn nữa, trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, quy mô sản xuất - chăn nuôi có nguy cơ thu hẹp lại. Hơn bao giờ hết, lúc này, người chăn nuôi đang cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Chính vì thế, việc nhập khẩu các sản phẩm thịt vào thời điểm này cần phải được cân nhắc kỹ.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện một DN xuất nhập khẩu thực phẩm cho rằng, dù được giảm thuế nhập khẩu 10%, nhưng giá thịt nhập khẩu vẫn cao hơn giá trong nước, do vậy cơ hội giảm giá đối với mặt hàng này là rất ít. Đại diện Công ty Sữa Hancofood cũng cho rằng, khó có khả năng giảm giá mặt hàng sữa, vì thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa chỉ giảm10%, trong khi giá nguyên liệu đang tăng từ 100% lên 150%. Thêm vào đó, chỉ có sữa nguyên liệu được giảm thuế, còn mặt hàng sữa thành phẩm nhập khẩu vẫn chưa có sự điều chỉnh về thuế.