Xuất hiện gương mặt mới
Những tưởng thị trường OTT sẽ chỉ có cuộc đua song mã giữa Zalo và Viber, thì gần đây đã bất ngờ xuất hiện nhiều cái tên mới, như BeeTalk, Btalk… Và nhiều động thái mới cho thấy, sau một thời gian dài âm thầm chuẩn bị, các nhà mạng của Việt Nam cũng đã sẵn sàng nhập cuộc chơi.
Mới đây, Zalo thông báo đã chạm mốc 15 triệu người dùng cùng 185 triệu tin nhắn chia sẻ qua hệ thống mỗi ngày, tăng thêm 5 triệu người dùng so với tháng 3/2014. Viber cũng đã công bố chạm mốc 12 triệu người dùng tại Việt Nam trong tháng 3/2014 và có những hoạt động marketing khá mạnh tại thị trường Việt Nam từ cuối năm 2013.
Vào giữa tháng 2/2014, Công ty Garena (đăng ký tại Singapore, nhưng đặt trụ sở tại Bangkok, Thái Lan) đã ra có những bước đi đầu tiên trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam với ứng dụng BeeTalk.
Giữa tháng 4/2014, “tân binh” Btalk của Bkav cũng tuyên bố gia nhập thị trường và sau hơn 3 tháng chào đời, đến nay, lượng người dùng của ứng dụng này là chưa nhiều (chỉ hơn 100.000 khách hàng).
Cũng vào đầu năm nay, trước sự chuyển biến mạnh mẽ của thị trường OTT, đặc biệt là việc các ứng dụng OTT nhắn tin, gọi miễn phí đe dọa đến doanh thu, các nhà mạng như Viettel, MobiFone, VinaPhone cũng tuyên bố sẽ nhảy vào lĩnh vực này.
Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản, 3 nhà mạng trên đều đã sẵn sàng và có thể cung cấp dịch vụ OTT ra thị trường. Tuy nhiên, theo tiết lộ của các nhà mạng, hiện tại chưa phải là thời điểm để họ tung dịch vụ này ra thị trường.
“Các dịch vụ OTT cho dù có tác động đến việc giảm doanh thu của nhà mạng, nhưng chưa có gì là ghê gớm. Đó là một trong những lý do chính khiến các nhà mạng đến thời điểm này vẫn chưa cung cấp dịch vụ OTT”, đại diện một nhà mạng nói.
Tuy nhiên, nếu đến lúc các nhà mạng phải cung cấp dịch vụ OTT thì rất có thể các nhà mạng sẽ đồng loạt cung cấp cùng lúc. Lúc đó, cuộc ganh đua sẽ thực sự bùng nổ và phần thắng chưa biết sẽ thuộc về ai.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Cho dù các “ông lớn” viễn thông chưa nhảy vào mảng dịch vụ OTT, nhưng cuộc cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ OTT đã khá gay gắt. Họ đã tung nhiều “độc chiêu”, nhằm quảng bá, giành thuê bao về ứng dụng của mình.
Các chuyên gia dự đoán, nhà cung cấp dịch vụ OTT nào tạo được khác biệt trong chất lượng sản phẩm sẽ chiếm nhiều ưu thế hơn trong việc thống lĩnh thị trường.
Cụ thể, Viber tung ra gói Viber Out cho phép người dùng có thể gọi điện tới cả số điện thoại cố định, với chi phí chỉ khoảng 400 đồng/phút, rẻ hơn gọi bằng dịch vụ Skype. Còn Zalo ra mắt phiên bản Zalo 2.0 với những thay đổi đáng kể về giao diện và tính năng, liên kết quảng bá cùng một số nhãn hàng như Coca Cola, McDonald’s… cũng như tiếp tục miệt mài cải tiến sản phẩm trước sức ép của việc chạy đua công nghệ. Còn “tân binh” . BeeTalk cũng đã đổ khá nhiều công sức và chi phí cho các hoạt động marketing tổng hợp, như mua các bảng quảng cáo ngoài trời, ở trạm xe bus, thuê đại sứ thương hiệu để quảng bá, thuê người nổi tiếng tạo hình ảnh trên Facebook…
Ông Nguyễn Thế Tân, Phó tổng giám đốc cổ phần Truyền thông Việt Nam (VC Corp.), chủ đầu tư của ứng dụng Zalo nhận định: “Cuộc cạnh tranh giữa các OTT không căn cứ vào việc họ có nhiều tính năng mới hay ho, hoành tráng hay không mà ở việc có nhắn tin nhanh, ổn định hay không. Phần lớn người dùng chỉ quan tâm đến tính năng cơ bản, chứ ít sử dụng các tính năng đặc sắc, nó chỉ tô màu cho ứng dụng mà thôi. Và ứng dụng nào làm cái cơ bản tốt ở một thị trường mới, sơ khai thì sẽ vượt lên”.
Theo ông Nguyễn Tử Hoàng, Phó chủ tịch phụ trách phần mềm Bkav, chủ đầu tư của ứng dụng Btalk cũng nhận xét, hiện các phần mềm ứng dụng OTT đều khá tương đương về tính năng, nên doanh nghiệp nào quảng bá mạnh, hút người dùng, bám sát thị trường hơn sẽ thành công. Ở thời điểm thị trường đang phát triển mạnh, đặc biệt với tính cộng đồng cao của OTT, nếu các nhà cung cấp “sinh sau đẻ muộn” không có sự đột phá, không đưa ra được ứng dụng, tính năng mới khác biệt thì rất khó có cơ hội chen chân vào thị trường.
“Vấn đề cốt lõi để người dùng gắn bó với OTT vẫn là chất lượng ổn định với trải nghiệm mới”, ông Hoàng nhận xét.
Tuy nhiên, xét cho cùng, đích cuối cùng của các ứng dụng OTT không chỉ là cạnh tranh với đối thủ, mà vẫn là lợi nhuận. Zalo đã tốn rất nhiều tiền của chủ đầu tư để đạt con số 15 triệu người dùng, nhưng đến nay vẫn chưa mang tiền về cho chủ đầu tư. Btalk, BeeTalk cũng đang chi hàng trăm tỷ đồng cho hoạt động quảng bá sản phẩm, nhưng chưa có doanh thu…
Đại diện Bkav cho biết, Btalk đang phấn đấu trong 3-4 năm tới, sẽ trở thành ứng dụng số 1, sau đó cung cấp các dịch vụ gia tăng có nguồn thu.
Còn ông Vương Quang Khải, lãnh đạo Zalo cho hay, có 3 nguồn thu kinh doanh trên OTT, chính là quảng cáo hướng tới đối tượng, dịch vụ giá trị gia tăng (game, nhạc nền, hình động...) và thương mại điện tử. Bên cạnh đó, thương mại điện tử trên di động sẽ bùng nổ cùng với OTT, nhưng cần mất khá nhiều thời gian để cụ thể hóa và thành công với mô hình này.