Jeff Bezos đã nói, "Xây dựng thương hiệu là những gì mọi người nói về bạn khi bạn không ở đó”. Bởi vậy, chuyên gia Richard Moore đã khuyến nghị với các lãnh đạo doanh nghiệp: Luôn ghi nhớ rằng thương hiệu của bạn thể hiện doanh nghiệp, sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp bạn đối với khách hàng hiện tại và tiềm năng.
Với hàng triệu doanh nghiệp đang tìm cách cạnh tranh trong tâm trí khách hàng, việc có một thương hiệu mạnh mẽ và chân thực là hoàn toàn không đơn giản, không chỉ với doanh nghiệp mới chập chững kể câu chuyện thương hiệu để định vị bản thân, mà với cả các “ông lớn” đã có tên tuổi. Đó là cuộc đua vô cùng quyết liệt, với những sự chuyển đổi liên tục diễn ra.
Quả thật, Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của thiết bị di động, đặc biệt là smartphone. Theo công bố của Google vào cuối năm 2017, thế giới có hơn 1,5 tỷ người sử dụng smartphone. 87% người trẻ cho biết họ không thể rời smartphone nửa bước, 50% người sử dụng điện thoại di động như thiết bị chính trong cuộc sống hàng ngày và trong tương lai sẽ có 5 tỷ người truy cập Internet bằng điện thoại di động.
Tại Việt Nam, theo Báo cáo hệ sinh thái di động 2017 - 2018 của Hiệp hội Mobile Marketing Việt Nam (MMA), 80% người ở khu vực thành thị sử dụng smartphone. Ở khu vực nông thôn, số lượng người sử dụng smartphone cũng không kém.
Xem video trực tuyến, mua sắm, chơi trò chơi, nhắn tin và kết nối với người thân, bạn bè là những hoạt động chủ yếu của người dùng smartphone tại Việt Nam.
Thị trường thiết bị di động ở Việt Nam sẽ còn sôi động hơn trong những năm tiếp theo khi Việt Nam đang có những bước phát triển về tốc độ đường truyền Internet, sự phủ rộng trên khắp cả nước của đường truyền di động 3G/4G, tiến tới là 5G cũng như giá cả smartphone đang ngày càng phù hợp với mọi loại túi tiền.
Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh, tiếp thị. Thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, đến 90% doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào tiếp thị trực tuyến.
Các doanh nghiệp dành trung bình 60% chi phí truyền thông cho nền tảng di động, hoặc thậm chí có thể lên đến 90% nếu khách hàng tiềm năng là những người thường xuyên sử dụng thiết bị di động.
Đã có những doanh nghiệp rất thành công trong việc ứng dụng tiếp thị trực tuyến. Đơn cử như nhãn hàng Juno đã thành công ngoài mong đợi với các chương trình tiếp thị nhắm vào giới trẻ.
Năm 2017, cảnh chàng trai tỉ mỉ gói đôi giày để tặng "một nửa" yêu thương của mình trong clip cho chương trình 8/3 đã được lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt và đã cán mốc hai triệu lượt xem chỉ sau hai ngày phát động.
Kéo được khách hàng đến cửa hàng lần 1, thương hiệu này tìm cách kéo họ đến lần sau khi thực hiện chính sách giảm giá 49% cho khách hàng vào ngày sinh nhật của họ và rất nhiều chương trình, chính sách ưu tiên khác. Được đà lấn tới, Juno đặt mục tiêu bán ra thị trường 2 triệu đôi giày trong năm 2018, gấp hai lần so với năm 2017.
Kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng hai con số đã khiến thương hiệu Vinamilk luôn dẫn đầu trong bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán rằng tại sao voi Vinamilk vẫn phi được nước đại, bà Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk nói: “Đó là một áp lực rất nặng nề, mà Ban điều hành Vinamilk phải có nhiều bài toán để giải”. Một trong những lời giải đó, theo quan sát của thị trường là đội ngũ lãnh đạo Vinamilk vừa giỏi về sản xuất, vừa rất nhạy bén về marketing.
Ông Phan Minh Tiên, Giám đốc Marketing Vinamilk cho biết, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, mọi thứ thay đổi rất nhanh, đòi hỏi đội ngũ làm marketing phải liên tục học hỏi và phát triển.
Xu hướng mới đòi hỏi doanh nghiệp phải rất sáng tạo trong sản phẩm, mô hình kinh doanh, tạo ra thông điệp đặc sắc nếu không muốn chìm nghỉm trong biển thông tin.
Tất nhiên, với kinh phí bom tấn dội cho marketing, Vinamilk có ưu thế dẫn đầu trong ngành hàng tiêu dùng Việt Nam, nhưng nếu không đủ năng lực, không chắc doanh nghiệp đã gặt hái được hiệu quả tỷ lệ thuận với kinh phí bỏ ra.
Có một sự chuyển động rõ nét khác trong chiến lược xây dựng thương hiệu và marketing bán hàng của doanh nghiệp. Đó là xu hướng sử dụng dữ liệu lớn cũng như các công nghệ mới như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo…
Đơn cử, các nhà sản xuất sử dụng dữ liệu lớn có khả năng biết được thời điểm mua hàng của người tiêu dùng và tiếp cận cá nhân đó trong giai đoạn cuối của chu kỳ mua hàng tiếp theo, để họ dễ tiếp thu nhất thông điệp của nhà tiếp thị.
Hóa mỹ phẩm như bột giặt, dầu gội đầu, các sản phẩm thiết yếu như dầu ăn, gạo… thường có chu kỳ mua hàng trong 2 tháng chẳng hạn.
Công cụ xây dựng khách hàng tận dụng dữ liệu mua hàng được xác định rõ ràng, có nguồn gốc từ hàng trăm triệu thẻ khách hàng thân thiết để tiếp cận người tiêu dùng được mong đợi mua lại sản phẩm trong một khung thời gian cụ thể.
Có dữ liệu này, các nhà tiếp thị có thể gửi phiếu giảm giá hoặc tung ra chương trình khuyến mại cho người tiêu dùng trong vòng nửa cuối tháng mua hàng cuối cùng. Họ có cơ hội tăng đáng kể doanh số.
Đây là giá trị khó đong đếm của những chiếc thẻ khách hàng thân thiết tưởng như không mấy hữu dụng, mà các thương hiệu thường xuyên phát hành.
Đã có những khách hàng cho biết, họ quen thuộc và trở thành khách hàng trung thành của các thương hiệu X, Y… và chỉ chờ có tin nhắn về các chương trình khuyến mại là ra “khuân đồ” cho cả gia đình.
Việc sử dụng dữ liệu giờ đây đã trở nên “tinh vi” đến độ thương hiệu phải phát triển những thông điệp mang tính cá nhân hóa và các chiến thuật hiệu quả để thúc đẩy bán hàng.
Ai cũng thích được kể về những câu chuyện. Họ yêu thích những câu chuyện kết nối với họ trên một mức độ tình cảm và đưa họ đến một điểm hành động.
Bản sắc thương hiệu mạnh có thể thiết lập mối liên hệ cảm xúc với người tiêu dùng, đó là nền tảng vững chắc nhất để xây dựng mối quan hệ lâu dài với thương hiệu của doanh nghiệp.
Câu chuyện cũng nhắc mọi người chia sẻ nội dung của họ và mời mọi người trực tiếp tương tác với thương hiệu và chia sẻ câu chuyện thương hiệu thay cho doanh nghiệp.
“Ngày hội gia đình” là một chương trình đã được Ngân hàng ABBank thực hiện thành công tại TP. HCM và Hà Nội là một ví dụ. Các sản phẩm của Ngân hàng được tiếp thị khéo léo tới khách hàng mục tiêu thông qua nhiều trò chơi tương tác rất dễ chịu, dễ thúc đẩy việc ra quyết định.
Nhìn lại báo cáo tài chính 6 tháng của nhiều doanh nghiệp được công bố mới đây, có thể thấy rất rõ áp lực của các bộ phận marketing trong doanh nghiệp vì hoạt động tiếp thị và bán hàng thường được các nhà đầu tư đặt lên bàn cân với quan điểm rằng, chúng có mối liên kết trực tiếp với nhau.
Có những doanh nghiệp chi phí bán hàng tăng mạnh trong khi doanh thu tụt lùi sẽ trở thành tâm điểm chất vấn của cổ đông và là cơn đau đầu của lãnh đạo doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, giá trị thương hiệu chắc chắn bị suy giảm.