"Thói quen xem truyền hình bây giờ là người ta xem cái gì muốn xem, xem khi có thời gian và bất cứ đâu. Chính sự thay đổi này nên chuyển dịch sang OTT là tất yếu", ông Bùi Huy Năm – Tổng giám đốc VTVcab bình luận.
Ước tính, hiện có đến 30 sản phẩm OTT truyền hình chính thống đang hoạt động tại Việt Nam. Cùng với đó là hàng trăm dịch vụ lậu, không có bản quyền.
Các doanh nghiệp OTT truyền hình hầu như không tiết lộ số tiền đầu tư. Nhưng giới trong ngành thừa nhận, chi phí làm nội dung, công nghệ, cơ sở hạ tầng là "rất lớn".
Có doanh nghiệp hoạt động 5 năm vẫn lỗ hàng triệu USD. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn chấp nhận "đốt tiền" vào cuộc chơi bởi kỳ vọng dài hạn.
Miếng bánh thị phần lớn nhất hiện thuộc về Youtube, với hơn 87% người được hỏi có dùng nền tảng này. Một vài tên tuổi khác ở top đầu có thể kể đến như FPT Play hay Zing TV, với tỷ lệ người xem lần lượt là 8,2% và 26,4%.
*Các nhà cung cấp dịch vụ video dẫn dầu lượng người dùng ở Việt Nam
Nhà cung cấp | Cả 4 thành phố | Hà Nội | Đà Nẵng | TP HCM | Cần Thơ |
Youtube | 87,3% | 86,5% | 98,4% | 86% | 97,2% |
Phimmoi.net | 28,9% | 30,7% | 37% | 29,1% | 14,8% |
Zing TV | 26,4% | 23,6% | 14,5% | 26,5% | 45,5% |
FPT Play | 8,2% | 8% | 4,2% | 7,3% | 18,1% |
Phim Bất Hủ | 7% | 10,9% | 23,5% | 3,9% | 2,8% |
HDViet | 5,1% | 4,4% | 8% | 5,5% | 4,8% |
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó chủ tịch BHD, đơn vị sở hữu một OTT là Danet cho biết, không chỉ cạnh tranh với đối thủ ngoại, các OTT nội địa và chính thống còn phải chạy đua không sòng phẳng với các nền tảng lậu. Thậm chí, theo bà, 95% nội dung OTT truyền hình hiện nay ở Việt Nam là lậu, vi phạm bản quyền.
"Cạnh tranh thị trường OTT bây giờ rất khủng khiếp. Đó là cạnh tranh các OTT với nhau, giữa OTT trong nước với nước ngoài. Đó là chuyện thuế, kiểm duyệt. Các OTT trong nước có giấy phép đều phải có kiểm duyệt. Cạnh tranh giữa nước ngoài và trong nước rất khó và không sòng phẳng", bà nói.
Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất là các trang web lậu. Nhiều cái tên trong top cung cấp nội dung nhiều người xem nhất là không có bản quyền", bà Hạnh bức xúc cho hay trong khi công ty mua bản quyền phim từ Mỹ phải mất 3 tháng sau ngày chiếu rạp mới đưa lên được ứng dụng. Với trang web lậu, vừa không tốn tiền bản quyền lại vừa có phim bản đẹp ngay sau 2 tuần chiếu rạp.
Ngay cả Netflix, đại gia cung cấp phim trực tuyến lớn nhất thế giới, cũng khổ với các nền tảng lậu của Việt Nam. Theo Kantar, thị phần năm 2017 của hãng tại Việt Nam là 1%. Đến nay, con số chỉ còn vỏn vẹn 0,2%. Duy nhất, chỉ nhà cung cấp Youtube là sống khỏe và dẫn đầu thị trường.
Xuất thân khác nhau, các nhà cung cấp OTT cũng đang toan tính khác nhau để tiếp tục cuộc đua. FPT Play là sản phẩm của công ty viễn thông. Bà Trần Thu Trang - Giám đốc dự án này cho hay đang tích cực gia tăng hợp tác với các đơn vị có thế mạnh sản xuất nội dung.
Ngược lại, với VTVCab, ông Bùi Huy Năm cho biết kế hoạch hợp tác với các nhà mạng để phát triển OTT theo hướng miễn phí nội dung, ưu đãi data và lấy tiền từ quảng cáo. Đồng thời, tham vọng của đơn vị này là tạo một nền tảng đa nội dung, cho phép người dùng chia sẻ nội dung lên hệ sinh thái.
"Bây giờ, nhảy vào thị trường này thì cần cẩn trọng và không nên đi một mình. Hãy hợp tác, vào các chợ nội dung đông người để tìm kiếm cơ hội", ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử gợi ý các đơn vị nội dung, nhà đài nhỏ muốn tham gia cuộc đua.
Cùng quan điểm, ông Lê Quang Minh - Giám đốc Trung tâm tin tức VTV24 nói, việc hợp tác là cách để các OTT không phải rơi vào cuộc đua xuống đáy.
"Chúng tôi mong muốn các nhà cung cấp dịch vụ OTT sẽ ngồi lại với nhau nhằm thiết lập một thị trường phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ video streaming hàng đầu khu vực và thế giới thay vì cạnh tranh nhau trong một cuộc đua xuống đáy", ông Minh nói.
Theo tổ chức nghiên cứu Muvi, ước tính doanh thu thị trường OTT truyền hình tại Đông Nam Á sau 3 năm nữa có thể đạt tới con số 650 triệu USD mỗi năm. Ở quy mô toàn cầu, Netflix, Hulu, Amazon, Youtube có tổng cộng gần 2 tỷ thuê bao theo dõi thường xuyên, chiếm gần 40% tổng thị phần video OTT thế giới.
Tại Việt Nam, với độ thâm nhập ngày càng cao của điện thoại thông minh, mảng ứng dụng video OTT sẽ là mảnh đất triển vọng hàng đầu để tranh đua, nhất là riêng ở thị trường Hà Nội.
"75% người dùng điện thoại ở 3 thành phố lớn (TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ) chỉ chi 200.000 đồng mỗi tháng cho hóa đơn điện thoại. Riêng người dùng Hà Nội chi bình quân đến 600.000 đồng. Vậy, tiềm năng lớn nhất cho OTT qua di động chắc là Hà Nội", bà Trần Thị Thanh Mai - Tổng giám đốc Kantar Media phân tích.