Chính phủ đặt ra mục tiêu các ngân hàng cổ phần đến cuối năm 2020 cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực quy định của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên. Cuối năm 2025, tất cả NHTM áp dụng Basel II tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại NHTM nhà nước, ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.
Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020, NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ phải thường xuyên duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 8%. So với quy định về an toàn vốn hiện đang áp dụng ở Việt Nam, Thông tư 41 tính toán CAR dựa trên phiên bản mới và rất gần với tiêu chuẩn Basel II.
Đến nay, trong số 10 ngân hàng thí điểm Basel II, một số ngân hàng chính thức áp dụng là Vietcombank, VIB, ACB, VPBank, MB... Tuy nhiên, các ngân hàng này vẫn tiếp tục đứng trước áp lực tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR. Trong khi đó, với các nhà băng còn lại như Techcombank, Sacombank, Vietinbank, BIDV, MSB…, yêu cầu tăng vốn để nâng tỷ lệ CAR nhằm đáp ứng Basel II càng cấp thiết hơn.
Hiện tại, hầu hết các ngân hàng còn lại trong danh sách nói trên đã có báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với nội dung sẽ đáp ứng được yêu cầu của Thông tư 41 trong năm 2019. Xem xét hệ số an toàn vốn hiện nay, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, Techcombank, MSB và một số nhà băng khác có thể đáp ứng yêu cầu này năm nay. Tuy nhiên, để có khoảng cách an toàn vốn đủ cho tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo, các nhà băng phải nỗ lực rất nhiều để huy động thêm vốn.
Trong khi đó, BIDV và VietinBank buộc phải tăng vốn chủ sở hữu thì mới đáp ứng được tiêu chuẩn vốn mới do hệ số CAR tính theo quy định hiện hành đã rất gần mức 9%, còn CAR tính theo Thông tư 41 nhiều khả năng thấp hơn 8%.
Sau nhiều năm có kế hoạch phát hành cho KEB Hana Bank nhưng chưa hoàn thành, vào tháng 11/2018, BIDV đã xin được phê duyệt của cổ đông để thực hiện kế hoạch này. VDSC kỳ vọng, BIDV có thể đáp ứng tiêu chuẩn vốn Basel II nếu thương vụ phát hành chiến lược diễn ra thành công.
Tuy nhiên, với VietinBank, việc tuân thủ sẽ khó khăn hơn nhiều do nhiều khả năng sẽ không thể hoàn thành tăng vốn trong năm tới. Sở hữu Nhà nước tại VietinBank đã ở mức 65%, trong khi Chính phủ chủ trương không đầu tư thêm ngân sách vào các ngân hàng thương mại. Theo chiến lược phát triển ngành ngân hàng mới đây, Chính phủ có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu tối thiểu ở các ngân hàng nhà nước xuống mức 51%, tuy vậy, VDSC cho rằng, VietinBank sẽ phải chờ ít nhất đến năm 2020 hoặc muộn hơn mới có thể tăng vốn.
Mặt khác, theo VDSC, trong khi chờ đợi việc tăng vốn, BIDV và VietinBank vẫn sẽ tiếp tục tìm cách cải thiện hệ số CAR bằng việc tái cơ cấu danh mục tài sản theo hướng tập trung vào các tài sản có mức độ rủi ro thấp hơn, đồng thời tăng cường xóa nợ và trích lập dự phòng chung.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 vừa kết thúc, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank khẳng định, năm nay, kế hoạch tăng vốn tự có của VietinBank là nội dung rất cấp bách và việc này đang được trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là khi kể từ năm 2013 tới nay, vốn điều lệ của Ngân hàng dừng ở mức hơn 37.000 tỷ đồng.
Những năm gần đây, VietinBank đã tìm nhiều cách để cải thiện vốn tự có, chẳng hạn phát hành trái phiếu dài hạn, cơ cấu các khoản đầu tư, cơ cấu các khoản góp vốn vào các công ty con. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu năm 2019 tổng tài sản tăng 2% - 5%; dư nợ tín dụng tăng 6% - 7%; nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 10% - 12% so với con số cuối năm 2018.
Nói về việc tăng vốn của 4 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, đây là vấn đề mà NHNN rất quan tâm vì 4 nhà băng này là kênh chủ lực, đóng vai trò chính cung ứng vốn cho Nhà nước, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Hiện tại, hệ số CAR ở các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước đang ở mức xấp xỉ 9%.
Ông Tú cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tới các bộ ngành, NHNN để thảo luận về vấn đề này và đang chờ ý kiến tham gia của các bộ ngành để có giải pháp sớm. Trong đó, NHNN đề nghị sử dụng ngay cổ tức của các ngân hàng trong năm 2018 để tăng vốn điều lệ, vốn càng cao thì hạn mức tín dụng của các ngân hàng sẽ càng cao.
Thực tế, nhu cầu tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, tiệm cận tiêu chuẩn Basel II đối với các nhà băng là rất lớn, không chỉ với các ngân hàng có vốn nhà nước nói trên. Trong mùa đại hội đồng cổ đông vừa qua, hầu hết các nhà băng đều có kế hoạch tăng vốn, nhất là các ngân hàng nhỏ.