Nóng ghế “nóng” Eximbank
Hiện có 6 ứng viên ứng cử vào thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020). Trong đó, có 2 người cũ và 4 gương mặt mới là nguyên Phó tổng giám đốc Nam A Bank - ông Trần Ngọc Tâm, với tỷ lệ cổ phần có biểu quyết đề cử 10,3938% (trong đó tổ chức chiếm 7,5389%); ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc Nam A Bank, với tỷ lệ cổ phần có biểu quyết đề cử 10,0348% (trong đó tổ chức chiếm 8,4%); ông Lê Minh Quốc, với tỷ lệ cổ phần có biểu quyết đề cử 10,229% (trong đó tổ chức chiếm hơn 9%) và ông Yasuhiro Saitoh, với tỷ lệ cổ phần có biểu quyết đề cử 10,0495% (đại diện phần vốn 6 tổ chức).
Ban quản trị nhiệm kỳ mới của Eximbank sẽ có 11 người, nên HĐQT mới được phép đề cử thêm 5 ứng viên. Nhiều khả năng các thành viên HĐQT đương nhiệm còn lại (7 người) của Eximbank sẽ đề cử chính mình để các cổ đông bầu chọn tại ĐHCĐ diễn ra vào ngày 22/4 tới. Sau đó, các thành viên HĐQT sẽ bầu Chủ tịch.
Vì thế, trước kỳ ĐHCĐ là thời gian nóng bỏng để các nhóm cổ đông chạy đua vận động cổ đông ủy quyền cho mình nhằm chiếm được nhiều số phiếu trong kỳ bầu cử vào HĐQT. Theo một lãnh đạo cấp cao của Eximbank, 6 ứng viên ứng cử thành viên HĐQT vừa được công bố, mỗi thành viên chiếm tỷ lệ trên 10% số phiếu, nhưng con số này chưa nói lên điều gì, mà phải chờ đến lá phiếu cuối cùng. Tổng cộng gần 40% lá phiếu còn lại sẽ quyết định cho phần thắng trong cuộc chạy đua vào ghế “nóng” Ngân hàng lần này.
Thương vụ sáp nhập giữa Eximbank và Nam A Bank cũng phải chờ kỳ họp ĐHCĐ tổ chức xong mới biết được 2 nhà băng này có về chung một nhà hay không. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Nam A Bank đang có chủ trương xin sáp nhập vào Eximbank.
Chủ tịch không nhất thiết là cổ đông lớn nhất
Làn sóng sáp nhập, hợp nhất ngân hàng đang ngày một sôi động và trong xu thế này, không chỉ các nhà băng lớn “thâu tóm” ngân hàng nhỏ, mà nhà băng nhỏ cũng có thể nhận sáp nhập ngân hàng lớn. Chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả, nợ xấu tăng thì chưa hẳn nhà băng đó có thể phát triển bền vững. Vì thế, việc sáp nhập, hợp nhất được xem là một giải pháp tốt để ngân hàng tăng trưởng. Trong trường hợp này, ghế “nóng” ngân hàng càng “nóng”.
Thông thường, tỷ lệ nắm giữ cổ phần lớn nhất thuộc về ai thì người đó sẽ chiếm được vị trí chủ tịch HĐQT - ghế “nóng” nhất trong ngân hàng. Tuy nhiên, hiện có không ít ông chủ thực sự của nhà băng không muốn ngồi vào chiếc ghế “nóng” nhất, mà thuê người vào vị trí này như tại HDBank, DongA Bank, OceanBank, Southern Bank, Sacombank…
Chủ tịch HĐQT đương nhiệm KienLongBank - ông Võ Quốc Thắng không sở hữu cổ phiếu KienLongBank khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng này kể từ kỳ ĐHCĐ thường niên tháng 4/2013. Tuy nhiên, con trai ông -Võ Quốc Lợi (sinh năm 1988) đang là một trong những cổ đông lớn của Ngân hàng khi sở hữu số cổ phiếu tương đương gần 5% vốn điều lệ.
Chủ tịch Sacombank - ông Kiều Hữu Dũng, người đương nhiệm điều hành cao nhất tại Ngân hàng hiện không nắm giữ cổ phiếu Sacombank nào. Cổ đông cá nhân lớn nhất tại Sacombank hiện tại là ông Trầm Trọng Ngân - con trai Phó chủ tịch Trầm Bê, nắm giữ 4,4% cổ phần của Ngân hàng. Theo báo cáo quản trị công ty năm 2014 của Sacombank, ông Trầm Bê và các con nắm giữ tổng cộng gần 6,8% cổ phần Ngân hàng. Vậy nhưng, bản thân ông Bê và các con đều không giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Với Southern Bank - gia đình Trầm Bê có tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt quy định 20%, nhưng cũng không giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đang ngồi ghế “nóng” DongA Bank không nắm giữ cổ phiếu nào của nhà băng này. TS. Kiêm cho biết, chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của ngân hàng TMCP và được ghi trong điều lệ ngân hàng. Chủ tịch HĐQT chưa hẳn đã là người sở hữu nhiều vốn nhất, vì pháp luật chỉ quy định chủ tịch HĐQT do HĐQT bầu ra, mà không quy định đó phải là người sở hữu nhiều cổ phần nhất.