Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương và chỉ đạo Bộ GTVT tạo điều kiện cho ngân hàng này tham gia cổ đông tài chính/chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV.
Cụ thể, BIDV muốn trở thành cổ đông tài chính/chiến lược độc lập với tỷ lệ 5% vốn điều lệ của ACV; hoặc hợp tác cùng Aeroport de Paris - ADP (Pháp) hoặc 1 tổ chức có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, khai thác cảng hàng không do Chính phủ/Bộ GTVT lựa chọn cùng tham gia đầu tư chiến lược vào ACV; tỷ lệ tham gia của BIDV là 5% vốn điều lệ ACV.
Được biết, đúng 48 giờ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa ACV, Tập đoàn Aeroport de Paris (Pháp) rất nhanh chóng gửi thư tới Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng xác nhận quyết tâm trở thành cổ đông chiến.
Là tập đoàn toàn cầu trong ngành công nghiệp hàng không, Aeroport de Paris đang trực tiếp vận hành 37 cảng hàng không trên toàn thế giới thông qua công ty con là Công ty Quản lý Airports de Paris (ADPM), trong đó có những cảng hàng không lớn nhất châu Âu như: Paris – Charles de Gaulle và Paris - Orly. Năm 2014, các cảng hàng không tại châu Âu, châu Á, Nam Mỹ do ADPM vận hành đã phục vụ hơn 220 triệu hành khách, đạt doanh thu 3 tỷ EUR.
Đây là lần thứ 2 trong tháng 12/2015, BIDV gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ xác nhận mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của ACV – đơn vị sẽ bán 20% cổ phần để bán chiến lược, sau khi IPO thành công 77.804.122 cổ phần, chiếm 3,47% vốn điều lệ, thu về 1.100 tỷ đồng.
Trong văn bản trả lời BIDV hồi giữa tháng 12/2015, Bộ GTVT cho biết, Chính phủ không có quy định về việc ưu tiên tổ chức tài chính trong nước tham gia làm nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện CPH doanh nghiệp kết cấu hạ tầng hàng không và đề nghị BIDV lựa chọn đối tác để tham gia tổ hợp các nhà đầu tư để tham gia sâu vào hoạt động quản trị của ACV theo quy định.
Theo tiêu chí, trình tự để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện phương án CPH cho siêu doanh nghiệp nhà nước được định gia tới 38.000 tỷ đồng này, nhà đầu tư là một tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý khai thác cảng hàng không phải quản lý, khai thác tối thiểu là 10 cảng hàng không, sân bay; doanh thu của doanh nghiệp tối thiểu là 1,5 tỷ USD; báo cáo tài chính năm 2014 không có lỗ lũy kế, lợi nhuận năm 2014 tối thiểu 10% doanh thu; vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp không thấp hơn 2 tỷ USD hoặc tương đương.
Những chỉ tiêu trên đều được chốt ở thời điểm đến 31/12/2014.
Đối với các nhà đầu tư là tổ chức tài chính, điều kiện để có thể nắm 1 ghế trong hội đồng quản trị của ACV cũng khắc nghiệt không kém: Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2014 không thấp hơn 5 tỷ USD hoặc tương đương; áo cáo tài chính năm 2014 không có lỗ lũy kế, lợi nhuận năm 2014 tối thiểu 5% doanh thu.
Trong trường hợp nhà đầu tư là tổ hợp (tối đa là 3 tổ chức), điều kiện để lọt qua vòng sơ tuyển của ACV là phải có ít nhất một tổ chức là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý khai thác cảng hàng không.
Đáng lưu ý là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý khai thác cảng hàng không trong tổ hợp ngoài việc có tình hình tài chính “sạch sẽ”, phải quản lý tối thiểu là 5 cảng hàng không, sân bay; doanh thu của doanh nghiệp năm 2014 tối thiểu là 1 tỷ USD, Các tổ chức còn lại trong tổ hợp phải có tổng mức vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2014 không thấp hơn 2 tỷ USD hoặc tương đương, báo cáo tài chính năm 2014 không có lỗ lũy kế.