Cơn khát chip toàn cầu khiến nhiều hãng ô tô phải loại bỏ một số tính năng cao cấp trên xe. Ảnh: AFP
Chi 146 tỷ USD để mở rộng sản xuất
TSMC (Đài Loan), hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, tuyên bố sẽ đầu tư 100 tỷ USD trong 3 năm để tăng cường sản xuất các tấm wafer (tấm silicon mỏng đã được cấy các vật liệu) cao cấp được sử dụng để sản xuất nhiều loại chip khác nhau. Tháng trước, hãng chip Đài Loan cho biết thêm rằng mức chi tiêu vốn của họ sẽ tăng lên 47% trong năm 2022 và tập đoàn này dự kiến đầu tư khoảng 40 - 44 tỷ USD trong năm nay, cao gấp 1,5 lần so với năm ngoái.
"Gã khổng lồ" chip Đài Loan với vốn hóa thị trường gần 600 tỷ USD, đang xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở thành phố Phoenix, bang Arizona (Mỹ) và một nhà máy khác ở Nhật Bản để nâng tổng công suất. Bên cạnh đó, TSMC cũng đang phát triển một số dự án nhà máy chế tạo chip khác.
TSMC không phải là hãng sản xuất chip duy nhất đầu tư hàng tỷ USD vào các nhà máy công nghệ cao, một quá trình thường mất từ 3 - 4 năm để đưa các dự án đi vào hoạt động.
Trước đó, Intel đã công bố trong năm ngoái rằng họ có kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD vào 2 nhà máy sản xuất chip mới ở bang Arizona. Tập đoàn này đã có mặt ở Arizona hơn 40 năm qua và đây cũng là bang có hệ sinh thái chất bán dẫn lâu đời tại Mỹ. Các công ty chip lớn khác trên thế giới như On Semiconductor, NXP và Microchip đều cũng có mặt ở Arizona từ nhiều năm trước.
Samsung chưa đưa ra kế hoạch đầu tư sản xuất chip trong năm 2022 nhưng vào tháng trước, tập đoàn tư nhân lớn nhất Hàn Quốc hé lộ rằng họ đã chi 90% tổng chi tiêu vốn năm 2021, tức 48.200 tỷ won (tương đương 40,1 tỷ USD) vào lĩnh vực kinh doanh chip.
Theo tổng hợp của Công ty nghiên cứu công nghệ Gartner, các công ty bán dẫn trên thế giới đã chi tổng cộng 146 tỷ USD để phát triển năng lực sản xuất và nghiên cứu bán dẫn trong năm 2021. TSMC, Samsung, và Intel - 3 trong số các hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới - đã chi tới 60% trong tổng mức đầu tư trên.
"Chúng tôi dự đoán chi tiêu vốn (đầu tư chất bán dẫn - BTV) sẽ tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2021 - 2025 so với 5 năm trước đó", ông Peter Hanbury, chuyên gia phân tích thị trường bán dẫn tại Công ty nghiên cứu thị trường Bain cho biết.
Chuyên gia này lý giải, mức tăng đầu tư sản xuất chất bán dẫn nói trên là do các công nghệ mới ngày càng có độ phức tạp cao hơn và đòi hỏi nhiều bước hơn và các công cụ đắt tiền hơn để chế tạo ra các tấm wafer.
Trong khi đó, phát biểu trên đài CNBC, ông Glenn O’Donnell, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty nghiên cứu thị trường Forrester cho rằng, nhiều tên tuổi lớn khác trong lĩnh vực bán dẫn như Nvidia, AMD, và Qualcomm sẽ không cần đầu tư số tiền lớn đến vậy. "Họ chuyên tâm thiết kế chip và sau đó ký hợp đồng với một bên như TSMC để sản xuất chip trên thực tế".
Tình trạng thiếu chip sẽ tiếp diễn
Dù nhận được những khoản đầu tư khổng lồ trong năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu vẫn đang phải vật lộn để sản xuất đủ cho thị trường.
Ông Glenn O’Donnell, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty nghiên cứu thị trường Forrester cho biết: "Chúng ta đã không thể tạo ra đủ chip để đáp ứng nhu cầu lớn với bất cứ thứ gì chạy bằng chất bán dẫn".
Ngày nay, chip được sử dụng trong mọi thứ, từ ấm đun nước, máy giặt đến tai nghe và hệ thống tên lửa máy bay chiến đấu. Những mặt hàng phức tạp như ô tô tiêu tốn hàng chục con chip.
Một số chuyên gia dự đoán sẽ xảy ra "tình trạng thừa chip" khi các nhà máy mới đi vào hoạt động, nhưng ông Glenn O’Donnell bác bỏ quan điểm này. "Loài người nghiện công nghệ", ông Glenn O’Donnell nhận định, đồng thời dự đoán: "Nhu cầu chip bán dẫn sẽ tiếp tục tăng mà không hề suy giảm. Trên thực tế, tôi cá rằng tất cả khoản đầu tư này mới thực sự là đủ".
Trong ngắn hạn, chuyên gia Peter Hanbury từ Công ty nghiên cứu thị trường Bain nhận định, việc khắc phục tình trạng thiếu chip sẽ rất "khó khăn". Còn về dài hạn, ông Peter Hanbury cho rằng thị trường chip bán dẫn gặp rất ít nguy cơ cung vượt cầu trong 2-3 năm tới bởi việc xây dựng và đưa các nhà máy sản xuất chip mới đi vào hoạt động cần đến một vài năm. "Tuy nhiên, chúng tôi sẽ theo dõi tình trạng dư cung chip bán dẫn trong tương lai", ông Peter Hanbury nói.
Một số công ty sản xuất chip ít tiếng tăm hơn cũng đang có kế hoạch tăng đầu tư trong năm nay. Đơn cử, Infineon (Đức), nhà sản xuất chip lớn nhất châu Âu, mới công bố kế hoạch chi thêm 2,4 tỷ euro (tương đương 2,7 tỷ USD) vào việc mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Còn Công ty sản xuất chip đa quốc gia Pháp-Italia ST Micro tuần trước cho biết họ có kế hoạch tăng gấp đôi khoản đầu tư trong năm nay lên tới 3,6 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. ST Micro hiện là nhà cung ứng cho hãng xe điện Tesla và hãng công nghệ Apple. Năm ngoái, công ty này đã chi 1,8 tỷ USD vào mở rộng sản xuất chip.