Cuộc đua chốt giá điện mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù còn 3 tháng nữa mới tới đích 31/12/2020, nhưng cuộc đua của các dự án điện mặt trời nối lưới để hưởng giá cố định theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg gần như kết thúc.
Nếu không kịp được công nhận vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021, thì các dự án điện mặt trời sẽ phải đấu thầu về giá. Ảnh: Đức Thanh

Nếu không kịp được công nhận vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021, thì các dự án điện mặt trời sẽ phải đấu thầu về giá. Ảnh: Đức Thanh

Tất bật hoàn thành

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ năng lượng mới JL Việt Nam cho biết, những lô hàng tấm quang điện mặt trời cuối cùng trong năm 2020 sẽ về vào giữa tháng 11 tới để các nhà thi công còn kịp lắp và hoàn thiện các thủ tục công nhận ngày vận hành thương mại (COD) nhằm hưởng mức giá theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.

“Nếu không kịp công nhận COD trước ngày 1/1/2021 thì sẽ phải đấu thầu về giá. Tuy nhiên, việc đấu thầu giá mua điện mặt trời từ ngày 1/1/2021 trở đi vẫn chưa có quy định cụ thể”, bà Tâm nói.

Theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, giá mua điện mặt trời nối lưới là 7,09 UScent/kWh (trừ 2.000 MW tại Ninh Thuận), các dự án điện mặt trời nổi có giá 7,69 UScent/kWh được áp dụng cho các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có COD của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020.

Không chỉ các dự án điện mặt trời mặt đất nối lưới đang khẩn trương thi công, các dự án điện mặt trời trên mái nhà cũng ở trạng thái tất bật hoàn thành nốt các công việc thi công và thí nghiệm. Với các dự án này, giá mua điện được áp dụng là 8,38 UScent/kWh khi tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan. Tính tới hết tháng 8/2020, trên hệ thống điện đã có 973 MW của các dự án mặt trời mái nhà được công nhận COD, tức là đủ điều kiện được ngành điện trả tiền mua.

Như vậy, so với con số đăng ký tại nhiều địa phương ở miền Trung và miền Nam về làm điện mái nhà lên tới vài ngàn MW, thì công suất điện mặt trời về đích sẽ thấp hơn rất nhiều. Nguyên do là nhiều dự án điện mặt trời dưới 1 MW kết hợp với làm nông nghiệp đã không đủ điều kiện để được hưởng quy định mua điện dành cho điện mặt trời áp mái nhà theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg và các hướng dẫn cụ thể của Bộ Công thương sau đó.

Đáng nói là, cơn khát đầu tư điện mặt trời chưa lắng xuống khi mới đây, Bộ Công thương đưa ra danh sách 124 dự án điện mặt trời chưa có trong quy hoạch điện dù đã được Bộ thẩm định để yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán khả năng giải tỏa công suất. Trong văn bản yêu cầu này, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đã đề nghị ưu tiên tính toán, xem xét khả năng giải tỏa công suất của 21 dự án điện mặt trời đã được thống nhất chủ trương bổ sung quy hoạch tại Thông báo số 221/TB-VPCP ngày 1/7/2020.

Được biết, 21 dự án có tổng quy mô 1.163 MWp (tương đương 930 MW) nêu trên là các dự án đã hoàn thành thẩm định để chuẩn bị cho thực hiện thí điểm cơ chế xác định giá cạnh tranh các dự án điện mặt trời giai đoạn sau ngày 31/12/2020. Đây là một phần trong tổng số 124 dự án điện mặt trời với tổng công suất lên tới 10.862 MW đã được Bộ Công thương hoàn thành công tác thẩm định - bước đi cần thiết trước khi trình Chính phủ xem xét bổ sung vào quy hoạch điện hiện hành.

Ninh Thuận: Cuộc đua cam go

Cũng ở trạng thái quyết liệt về đích như nhiều địa phương khác, nhưng tại Ninh Thuận, cuộc đua của các dự án điện mặt trời nối lưới còn mang tính chất cam go hơn, khi có 2.000 MW được hưởng giá 9,35 UScent/kWh theo cách cộng dồn.

Tới hết tháng 8/2020, đã có 5.479 MW điện mặt trời được công nhận COD trên cả nước, chiếm hơn 9% tổng công suất nguồn điện.

Ngày 29/9, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đã đóng điện thành công Trạm biến áp và đường dây 220kV, 500 kV (đường dây truyền tải điện 500 kV đầu tiên do tư nhân đầu tư, xây dựng). Đây là các hạng mục thuộc Dự án Trạm biến áp và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW đã được Chính phủ cho phép tỉnh Ninh Thuận triển khai đầu tư theo hình thức đấu thầu chọn nhà đầu tư hồi đầu năm 2020.

Trạm biến áp có 2 máy biến áp 500 kV/900 MVA do SIEMENS thiết kế và sản xuất, công suất tổng 1.800 MVA. Đường dây truyền tải 500 kV, 220 kV dài hơn 17 km kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Dự án Trạm biến áp và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW có tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, được khởi công vào giữa tháng 5/2020. Đến nay, ngoài trạm biến áp và đường truyền tải đã hoàn tất, hạng mục nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW cũng đã hoàn thành lắp đặt và đang hoàn thiện các thử nghiệm kỹ thuật.

Được biết, các dự án điện mặt trời khác tại tỉnh Ninh Thuận nằm ngoài công suất tích luỹ 2.000 MW, nếu thoả mãn điều kiện được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có COD của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó được áp dụng Biểu giá mua điện tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, hiện giá mua điện cho phần công suất còn lại tại dự án điện 450 MW của Trungnam Group đang được đề nghị lên Thủ tướng quyết định.

Theo tính toán của các nhà đầu tư điện mặt trời, việc chênh lệch giá mua điện giữa 9,35 UScent/kWh với 7,09 UScent/kWh sẽ làm giảm doanh thu của dự án có quy mô công suất 50 MW khoảng 50 tỷ đồng/năm.

Tin bài liên quan