Vingroup cho biết, trước mắt có các dự án mang thương hiệu Vincity tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) với quy mô gần 300 ha và huyện Đan Phương (Hà Nội) gần 130 ha. Tại TP.HCM, các dự án đặt tại quận 7 (20 ha) và quận 9 (gần 300 ha).
Việc ông lớn số 1 thị trường địa ốc "hạ mình" làm phân khúc bình dân thoạt nghe qua có vẻ như là bước lùi của doanh nghiệp này, nhưng trên thực tế, đây lại là bước đi dài hạn của Vingroup và được thị trường chờ đợi, đánh giá cao.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội giữa tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, hoan nghênh các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhà ở giá rẻ vài trăm triệu đồng/căn.
Điều này thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ về đời sống người dân, nhưng nó cũng cho thấy những bất cập của thị trường bất động sản hiện nay.
Có thể thấy, tình trạng lệch pha cung - cầu đang khiến nhiều người lo lắng. Trong khi 70% nhu cầu thực hiện nay là thuộc về tầng lớp những người có thu nhập trung bình, thì nguồn cung cho phân khúc này lại khan hiếm, trong khi các doanh nghiệp đua nhau phát triển dự án cao cấp, hạng sang.
Theo số liệu nghiên cứu từ Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, TP.HCM hiện có khoảng 64.000 căn hộ và 2.700 căn biệt thự/nhà phố đang trong giai đoạn triển khai. Trong đó, phân khúc có giá bán từ 2.000 USD/m2 trở lên chiếm 50% tổng cung thị trường.
Tính riêng trong quý IV/2016, TP.HCM đã có ít nhất 9.000 - 12.000 căn hộ mới được chào bán, trong đó phân khúc trung và cao cấp chiếm đến 70% tổng cung. Trong khi đó, nguồn cung Hà Nội hiện có hơn 59.000 căn hộ chưa hoàn thiện và dự kiến sẽ có thêm hơn 11.000 căn hộ thuộc nhiều dự án mới tung ra thị trường trong quý này, 70% trong số đó cũng thuộc phân khúc trung, cao cấp.
Trong khi đó, tính đến tháng 11/2016, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp, tương đương 71.150 căn hộ. So với chỉ tiêu đề ra đến 2020 tại Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ), thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%.
Trước thực trạng đáng lo ngại trên, trong cuộc họp diễn ra hồi tháng 7/2016, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng đã cảnh báo: “Nếu chúng ta thực hiện hết các dự án bất động sản đang triển khai, thì có khả năng cuối năm 2016 và giữa năm 2017, chúng ta sẽ dư thừa nguồn cung cao cấp. Trong khi đó, nguồn cầu nhà ở xã hội rất nhiều nhưng cung rất ít”.
Hiện thị trường cũng có doanh nghiệp chuyên thực hiện các dự án nhà ở giá rẻ, có mức giá dưới 15 triệu đồng/m2, thậm chí chỉ hơn 10 triệu đồng/m2 như Tập đoàn Mường Thanh tại Dự án Đại Thanh, Kim Văn - Kim Lũ, Linh Đàm và mới đây nhất là Thanh Hà Cienco5 Land.
Tuy nhiên, để có thể sở hữu được những căn hộ tại các dự án của doanh nghiệp này, rất nhiều người tiêu dùng cuối cùng phải trả một khoảng chênh không nhỏ. Trong khi đó, chất lượng công trình không đảm bảo, đặc biệt nhiều dự án không đảm bảo những điều kiện tối thiểu như phòng cháy chữa cháy và nhiều vụ cháy đã xảy ra tại một số khu chung cư của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, với một tên tuổi lớn, đã khẳng định qua hàng loạt dự án từ Bắc chí Nam như Vingroup, nhiều người kỳ vọng, đại gia này sẽ “nói thật, làm thật”.
Vì vậy, ngay khi Vingroup cho biết sẽ tham gia vào phân khúc nhà giá rẻ, theo khảo sát của Đầu tư Bất động sản, đã có nhiều người dừng lại kế hoạch mua nhà để chờ đợi thông tin tiếp theo từ tập đoàn này.
Có thể nói, việc Vingroup tham gia vào thị trường bất động sản giá bình dân sẽ tạo ra bước ngoặt trên thị trường địa ốc trong thời gian sắp tới. Đồng thời, sẽ kéo theo sự tham gia đông đảo hơn của các đại gia địa ốc khác nhảy vào phân khúc đầy tiềm năng này, qua đó dần san bằng sự lệch pha cung - cầu, giúp thị trường phát triển bền vững hơn.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com