"Cơn mưa" bung dự án tại các tỉnh
Trong khi thị trường bất động sản TP.HCM, thị trường trung tâm nhất của cả nước vẫn còn “án binh bất động” vì vướng thủ tục cấp phép, thì hàng loạt dự án ở nhiều địa phương, đặc biệt là từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ và dọc các tỉnh miền Trung do các doanh nghiệp địa ốc TP.HCM đầu tư liên tục được công bố ra thị trường.
Mới đây, Tập đoàn Hưng Thịnh đã công bố ra thị trường dự án căn hộ du lịch Vũng Tàu Pearl, dự án có quy mô diện tích hơn 13.000 m2 tọa lạc ngay mặt tiền đường Thi Sách, TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), được xây dựng thành 4 block, cao 33 tầng với tổng số 1.787 căn hộ. Đây là dự án thứ 3 của Hưng Thịnh đầu tư tại Vũng Tàu trong số rất nhiều dự án mà doanh nghiệp này đang có kế hoạch phát triển tại đây.
Kế bên Dự án Vung Tau Pearl của Hưng Thịnh, Tập đoàn An Gia cũng công bố ra thị trường Dự án The Sóng, được quy hoạch trên tổng diện tích đất 8.816 m2, mật độ xây dựng 40%. Với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, The Sóng được thiết kế với 2 tầng hầm và 35 tầng nổi, bao gồm 1.500 căn hộ condotel và 10.000 m2 sàn thương mại, có diện tích trung bình khoảng 50 m2.
Ngoài những dự án trên, Bà Rịa - Vũng Tàu được biết đến là khu vực hút mạnh dòng vốn của khá nhiều doanh nghiệp địa ốc ở TP.HCM thời gian qua. Chẳng hạn mới đây, Công ty Bất động sản Việt Holdings “bắt tay” với Công ty TNHH Xây dựng Nam Hải công bố ra thị trường Dự án Khu đô thị phố biển Marine City, tọa lạc tại cầu Cửa Lấp, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án được quy hoạch xây dựng trên diện tích 28,3 ha, với hơn 900 căn biệt thự, nhà phố, căn hộ, khách sạn, khu thương mại dịch vụ, bến thuyền, cầu tàu du lịch, quảng trường phố biển…
Hay trước đó, Tập đoàn Danh Khôi thâu tóm một dự án tại TP. Bà Rịa có quy mô diện tích 8,7 ha và đã triển khai thành Dự án Baria City; Tập đoàn
Novaland cũng đã mua lại dự án của Tập đoàn Trung Thủy tại huyện Xuyên Mộc để triển khai dự án mang tên Novaworld Hồ Tràm với quy mô vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng…
Ngoài Bà Rịa - Vũng Tàu, các đại gia địa ốc tại TP.HCM cũng không ngừng bơm vốn mạnh vào các địa phương khác. Điển hình, mới đây tại Đồng Nai, Hà An - thành viên của Tập đoàn Đất Xanh đã bỏ ra gần 3.060 tỷ đồng để thâu tóm 92 ha đất vàng tại Long Thành; Thuận Lợi - thành viên của Kim Oanh Group chi gần 1.270 tỷ đồng để thâu tóm lô đất 49 ha cũng tại Đồng Nai… Hay như Tập đoàn Nam Long, Novaland cũng đã chi ra hàng ngàn tỷ đồng để mua lại các dự án nằm trong Khu đô thị Long Hưng thuộc TP. Biên Hòa, Đồng Nai.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dự kiến ngày 22/9 tới, trong khuôn khổ của Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Bình Thuận, tỉnh Bình Thuận sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án, trong đó có nhiều dự án bất động sản do các doanh nghiệp tại TP.HCM làm chủ đầu tư. Đơn cử, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Bất động sản Hưng Lộc Phát, chủ đầu tư Dự án Mũi Né Summerland Resort - dự án trước đó Hưng Lộc Phát đã chi gần 1.000 tỷ đồng mua lại từ Công ty Việt Úc.
Bên cạnh Hưng Lộc Phát, Bình Thuận là địa phương lọt vào tầm ngắm của hàng loạt doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM thời gian qua như Namgroup với dự án Thanh Long Bay quy mô 120 ha. Đáng chú ý nhất là Dự án NovaWorld Phan Thiết do Tập đoàn Novaland làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô diện tích 1.000 ha, với tổng vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng, hiện đang được triển khai thành một đại đô thị tại Bình Thuận…
Đón đầu “bệ phóng” hạ tầng
Theo phân tích của các chuyên gia bất động sản, với thị trường địa ốc phía Nam, nếu xác định TP.HCM là đầu tàu, thì các địa phương lân cận được xem là thị trường ngách. Đặc biệt, với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và miền Trung có lợi thế lớn là đón đầu chiến lược hạ tầng đang phát triển mạnh và phần lớn các địa phương miền Trung có địa thế gắn với biển, nên phù hợp để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo phân tích của giới chuyên môn, nếu yếu tố tạo động lực lớn nhất để các doanh nghiệp đổ mạnh vốn vào Đồng Nai là Sân bay Long Thành và hàng loạt hệ thống hạ tầng kết nối để hình thành nên một thành phố sân bay, thì với Bà Rịa - Vũng Tàu, ngoài các lợi thế trên, địa phương này còn có lợi thế lớn là địa phương duy nhất của miền Đông Nam Bộ có biển, một lợi thế đặc biệt để phát triển ngành công nghiệp không khói và công nghiệp dầu khí, hậu cần…, là nền tảng để hình thành một thành phố không ngủ.
Với thị trường Bình Thuận và các tỉnh miền Trung, lợi thế lớn vẫn là phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven biển. Đặc biệt, thời gian qua, hệ thống hạ tầng kết nối miền Trung đang được đầu tư phát triển khá mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, 2 dự án cao tốc Nha Trang - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây nằm trong dự án cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện đã được giải phóng mặt bằng gần 50%, trong năm nay tỉnh sẽ gấp rút đền bù để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư, dự kiến trong quý III hoặc quý IV năm 2020 sẽ khởi công dự án.
“Hiện tại, 2 tuyến cao tốc nối Phan Thiết - Dầu Dây và Phan Thiết - Cam Ranh (Khánh Hòa) đang mở thầu, 2 tuyến này là hiện thực chứ không phải là dự kiến như trước nữa”, ông Tân nói và phân tích thêm, sau khi hoàn thành, các dự án hạ tầng này sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Sân bay Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cũng theo ông Tân, 2 tuyến cao tốc này nằm trong dự án đầu tư xây dựng cao tốc trên tuyến Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận với tổng mức đầu tư là 39.660 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 160 km, gồm 3 dự án thành phần: Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 12 km, Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km, Phan Thiết - Dầu Giây dài 47,5 km. Toàn tuyến dự án đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân với tổng diện tích giải phóng mặt bằng là 1.179,45 ha
Sau khi hoàn thành, đường cao tốc có 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m, vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km. Toàn tuyến đi qua tỉnh Bình Thuận có 7 nút giao liên thông, 40 cầu vượt, 54 hầm chui bố trí tại các vị trí giao cắt với đường địa phương và đường gom với tổng chiều dài 185,1 km.
Ngoài thông tin 2 tuyến cao tốc này sẽ được khởi công vào cuối năm 2020, một loạt dự án hạ tầng đã và sắp triển khai cũng khiến cho thị trường bất động sản của Bình Thuận phát triển mạnh mẽ. Trong đó, phải kể đến Sân bay Phan Thiết đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy mô từ hơn 5.000 tỷ lên hơn 10.000 tỷ đồng, biến sân bay này thành một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.
“Một khi các dự án hạ tầng hoàn thiện, không chỉ tháo gỡ vướng mắc về giao thông đối ngoại, mà còn tạo đòn bẩy cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội và câu chuyện du lịch bứt phá chỉ là sớm muộn, không chỉ cho Bình Thuận, mà cả khu vực miền Trung”, ông Tân nhận định.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com