Ngày 11/3, TTCK tạm thời điều chỉnh giảm sau 3 phiên tăng liên tục. Điều này đã khiến nhiều NĐT bức xúc và đặt nhiều nghi vấn về thông điệp “sẽ hỗ trợ thị trường” mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tuyên bố trước đó. Theo họ, SCIC mua vào không đáng kể. “SCIC không biết rằng, hiện nay thị trường rất nhạy cảm, nếu thị trường tiếp tục tăng, dù tăng nhẹ cũng củng cố được niềm tin của công chúng đầu tư, giúp thị trường có động lực để phát triển”, một NĐT chia sẻ và cho rằng, SCIC không nhận ra “chân lý” này.
Đứng trước nguy cơ nguồn vốn “teo” dần theo thị trường, đã có không ít NĐT thay vì gửi “nỗi niềm” đến các cơ quan thông tin đại chúng, đã bày tỏ thái độ của mình với SCIC. Một NĐT cho rằng, hoặc là SCIC muốn thị trường xuống để mua vào nhằm trục lợi, hoặc là SCIC chưa hề triển khai mua cổ phiếu như tuyên bố. “Tôi thực sự mất hết niềm tin vào những gì SCIC đã nói. Uổng công hàng chục ngàn NĐT đã nghe theo lời các vị (SCIC) hô hào, bỏ tất cả vốn liếng, kể cả tiền tiết kiệm để đầu tư dài hạn. Nếu SCIC đã mua mà bây giờ “đứt gánh giữa đường” thì công “cứu giá” đã đổ xuống sông, xuống biển”, NĐT này bày tỏ thái độ.
“Trên thực tế, SCIC tham gia mua cổ phiếu trên thị trường kể từ ngày 7/3 và vẫn tiếp tục mua vào tại các phiên giao dịch tiếp theo. SCIC đang nỗ lực hỗ trợ thị trường bằng khả năng có thể. Những động thái của SCIC đã góp phần đáng kể để khôi phục lòng tin NĐT, mà cụ thể là thị trường đã phục hồi. Nhưng chỉ một phiên thị trường tạm điều chỉnh, NĐT đã có phản ứng thiếu tích cực. Đến lúc này, tôi cũng chưa hiểu NĐT muốn gì ở SCIC”, Phó tổng giám đốc SCIC Lê Song Lai cảm thấy tiếc khi những nỗ lực của SCIC không được NĐT đánh giá đúng.
Việc TTCK bất ngờ đảo chiều (11/3/2008), theo ông Lai, một lần nữa cho thấy tình trạng đầu tư theo phong trào, tâm lý đầu tư không ổn định và đặc biệt tâm lý “ăn non” vẫn còn rất lớn trong phần lớn NĐT cá nhân. Cụ thể, mua được cổ phiếu với giá thấp, sau 3 phiên lên giá, nhiều người đã ồ ạt bán ra để thu lợi nhuận. Trong tình cảnh này, không một tổ chức tài chính nào có đủ khả năng bình ổn thị trường trong thời gian dài.
Nhiều người nghĩ rằng, do áp lực của NĐT nên Chính phủ phải ép SCIC can thiệp để “cứu giá”, cũng tương tự như việc NĐT “dọa” sẽ đồng loạt rời bỏ thị trường nếu Nhà nước vẫn đánh thuế thu nhập cá nhân đối với đầu tư chứng khoán. Kết quả của áp lực này là Bộ Tài chính đã phải “nhượng bộ” bằng đề xuất tạm thời chưa thu thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động đầu tư chứng khoán và Chính phủ đã yêu cầu SCIC tham gia mua cổ phiếu. Tuy nhiên, theo ông Lai, việc Chính phủ quyết định đưa ra các giải pháp hỗ trợ thị trường, trong đó có việc yêu cầu SCIC tham gia đầu tư mua cổ phiếu không nên được coi là tiền lệ, dù là tiền lệ tốt hay xấu. Có nghĩa là, hiện tại SCIC mua cổ phiếu không có nghĩa là cứ khi thị trường xuống SCIC phải có nghĩa vụ mua. “SCIC tham gia mua cổ phiếu không phải do sức ép của NĐT hoặc do bất cứ một tổ chức đầu tư nào”, ông Lai khẳng định và cho rằng, NĐT cần phải “sòng phẳng” trong cuộc chơi.
Sòng phẳng trong cuộc chơi, theo ông Lai, thị trường có lúc tăng, lúc giảm, NĐT có lúc lãi, lúc lỗ. Trong giai đoạn thị trường tăng trưởng, nhiều NĐT thu lợi nhuận hàng tỷ đồng, không ngại vung tiền “mua nhà lầu, xe hơi”, nhưng không NĐT nào nghĩ rằng, mình cần phải nộp thuế cho Nhà nước. Đến khi thị trường đảo chiều, đầu tư thua lỗ lại gây áp lực kêu gọi Chính phủ can thiệp để hỗ trợ thị trường. Chính phủ đã thực hiện trách nhiệm của mình với thị trường như yêu cầu SCIC tham gia mua cổ phiếu với tư cách là một tổ chức tài chính lớn; một số tổ chức đã yêu cầu các CTCK tạm thời ngừng bán cổ phiếu tự doanh, yêu cầu các ngân hàng thương mại tạm thời chưa giải chấp cổ phiếu cầm cố… NĐT nước ngoài đã tận dụng sự hỗ trợ này để tích cực mua vào, thậm chí tổ chức đầu tư tài chính lớn như JP Morgan đã sẵn sàng dành 1 tỷ USD để đầu tư vào TTCK Việt Nam. Trong khi đó, NĐT trong nước lại hành động ngược lại bằng việc ồ ạt bán ra cổ phiếu sau khi thị trường mới chỉ phục hồi được vài phiên.
“Chính phủ đã thực hiện trách nhiệm của mình thì NĐT cũng phải thực hiện nghĩa vụ bằng việc tạm ngừng bán cổ phiếu, tích cực mua vào, đầu tư dài hạn thay vì đầu tư ngắn hạn để “hớt váng”, khiến tình hình đã xấu lại càng xấu thêm và đòi hỏi SCIC phải mua cổ phiếu để hỗ trợ thị trường”, ông Lai bày tỏ quan điểm.
Lãnh đạo SCIC khẳng định, SCIC vẫn tiếp tục tham gia mua cổ phiếu với tư cách là NĐT chiến lược của Chính phủ, đầu tư dài hạn chứ không tham gia vào TTCK như các NĐT có tổ chức khác là mua vào lúc giá xuống và bán ra lúc giá lên. SCIC tham gia mua cổ phiếu nhưng không tham gia thường xuyên, liên tục và NĐT khác cũng không nên kỳ vọng, phiên giao dịch nào SCIC cũng “xuất” vài trăm tỷ đồng để mua cổ phiếu. “Việc quyết định mua bao nhiêu cổ phiếu, mua loại cổ phiếu nào, mua tại phiên nào… sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố, chứ không chỉ căn cứ vào giá cổ phiếu”, ông Lai nói.