Bà Lương Thị Cẩm Tú (hàng đầu) vừa đắc cử Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII .

Bà Lương Thị Cẩm Tú (hàng đầu) vừa đắc cử Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII .

Cuộc chiến “vương quyền” tại Eximbank (EIB) chấm dứt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhân sự cấp “thượng tầng” Eximbank dần ổn định khi cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 thành công, tuy nhiên câu chuyện cổ đông của ngân hàng này vẫn chưa hết “nóng”.

Ổn định nhân sự cấp cao

Eximbank tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ hai thành công vào ngày 15/2/2022. Đại hội có hơn 146 cổ đông tham dự, đại diện cho 1,16 tỷ cổ phần, tương đương 94,6% cổ phần có quyền biểu quyết. Hơn 60,25% cổ đông tham dự đã thông qua quy chế tiến hành cuộc họp.

Như vậy, sau gần 1 thập kỷ tranh chấp và ròng rã 4 năm Eximbank mới có thể họp ĐHĐCĐ thành công và bầu được HĐQT. Điều này kỳ vọng cục diện tại Ngân hàng sẽ thay đổi trong thời gian tới, chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài giữa các cổ đông.

Tại Đại hội, Eximbank đã chốt xong danh sách 7 ứng viên trúng cử vào HĐQT nhiệm kỳ VII (2022-2025) theo tỷ lệ phiếu từ cao xuống thấp, gồm có ông Võ Quang Hiển, ông Nguyễn Hiếu, ông Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại, ông Nguyễn Thanh Hùng, ông Đỗ Hà Phương và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Chiều ngày 17/2, HĐQT Eximbank đã họp bầu Chủ tịch HĐQT. Theo đó, bà Lương Thị Cẩm Tú, Thành viên HĐQT được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2 diễn ra ngày 15/2/2022, bà Tú được bầu làm thành viên HĐQT Eximbank, với tỷ lệ phiếu bầu 62,2%. Đáng chú ý, bà Tú cũng là Thành viên HĐQT duy nhất của nhiệm kỳ cũ có tên trong danh sách ứng cử và đề cử vào HĐQT mới tại Ngân hàng.

Trong 5 năm làm việc Eximbank, từ 2018 tới nay, bà Tú nhận được sự ủng hộ của đa số các cổ đông và cán bộ nhân viên Ngân hàng. Vào tháng 3/2019, bà còn được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay thế cho ông Lê Minh Quốc.

Với vai trò là thành viên HĐQT, lại là thành viên nữ duy nhất, bà Tú được đánh giá là người có thể trung hòa trong các mối quan hệ giữa các nhóm cổ đông ở Eximbank. Để đi đến quyết định bổ nhiệm nhân sự quan trọng này, HĐQT Eximbank đã tổ chức họp theo đúng quy định. Bà Lương Thị Cẩm Tú nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của toàn thể thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) với 7/7 phiếu bầu.

Qua đó, HĐQT Eximbank đã thể hiện sự thống nhất, đồng lòng và đoàn kết cao trong việc hoàn chỉnh bộ máy lãnh đạo vì sự phát triển của Ngân hàng, lợi ích của khách hàng và cổ đông cùng toàn thể cán bộ nhân viên.

Bà Lương Thị Cẩm Tú sinh năm 1980, có trình độ cử nhân quản trị kinh doanh - Trường Đại học Văn Lang, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Griggs.

Bà từng là một trong những lãnh đạo trẻ tuổi nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam khi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Nam A Bank vào năm 2015 - lúc đó bà 35 tuổi. Trước khi làm CEO Nam A Bank, bà từng được biết đến là một trong những lãnh đạo tiềm năng của Sacombank.

Ngoài tên tuổi gắn với ngân hàng, bà Tú từng là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa, được nhận giải thưởng Doanh nhân ASEAN tiêu biểu năm 2015; từng là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đường Ninh Hòa...

Đẩy mạnh hoạt động

Bên cạnh ổn định HĐQT, Eximbank đã bầu ông Ngô Tony giữ chức danh Trưởng ban Kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) từ ngày 15/2. Ông Ngô Tony là người được đề cử bởi CTCP Đầu tư và dịch vụ Helios, CTCP Thắng Phương, bà Lê Thị Mai Loan và ông Nguyễn Hồ Nam.

Về cơ cấu cổ đông của Eximbank (được công bố công khai), hiện SMBC sở hữu 15%, Vietcombank sở hữu 4,5%, VOF Investment Limited nắm giữ 4,97%. Tuy nhiên, mới đây, Eximbank đã đồng ý “chia tay” đối tác ngoại.

Theo đó, Ngân hàng sẽ chấm dứt trước hạn thỏa thuận liên minh chiến lược với SMBC, kết thúc 14 năm hợp tác đầu tư. Trên thị trường đã xuất hiện thông tin khả năng đối tác ngoại sớm thoái vốn khỏi Eximbank để chuyển sang hợp tác với một ngân hàng khác là VPBank.

Trong những năm gần đây, cơ cấu cổ đông Eximbank có nhiều thay đổi đáng kể với việc xuất hiện bóng dáng của một số nhóm cổ đông mới - cũng là doanh nghiệp lớn trên thị trường.

Một số nguồn tin cho rằng, tân Chủ tịch Eximbank đã nhận được sự tín nhiệm của các nhóm cổ đông và phía sau có một ngân hàng từng là cổ đông nắm gần 20% cổ phiếu Eximbank. Ngân hàng này là nơi tân Chủ tịch Eximbank từng công tác tại vị trí điều hành cao nhất và trước đó cũng đã tiết lộ thoái vốn tại Eximbank để tập trung phát triển bằng nội lực.

Tuy câu chuyện cơ cấu cổ đông vẫn còn nóng, nhưng việc ổn định nhân sự cấp cao sẽ giúp Eximbank có thể bước sang trang mới. HĐQT Ngân hàng đã đề ra mục tiêu năm 2022 với tổng tài sản đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Huy động vốn dự kiến đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2021; dư nợ cấp tín dụng tăng 13,5%, đạt 115.700 tỷ đồng.

Câu chuyện riêng của Eximbank, nhất là với thông tin SMBC đang thương thảo chuyển nhượng hơn 15% cổ phần tại Eximbank dự báo sẽ là chất xúc tác lên cổ phiếu EIB trong thời gian tới.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Ngân hàng dự kiến là 2.500 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2021; thu nhập ngoài lãi tăng 216 tỷ đồng, lên 1.159 tỷ đồng.

Năm 2021, với những bất ổn cấp thượng tầng, Eximbank chỉ đứng thứ 19 trong hệ thống, thấp hơn nhiều ngân hàng nhỏ, ngân hàng tầm trung. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Eximbank chỉ đạt 1.100 tỷ đồng, giảm gần 18% so năm 2020 là 1.340 tỷ đồng.

Một tin vui khác cho cổ đông của Eximbank là kế hoạch chia cổ tức. Tính đến ngày 30/3/2021, Eximbank đã tất toán xong trái phiếu VAMC, do đó, Ngân hàng đã có văn bản trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận được chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu.

Theo Eximbank, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Ngân hàng sẽ trình cổ đông phương án phân phối cụ thể. Dự kiến, với số lợi nhuận được chia sau khi trừ các quỹ năm 2018, 2019, 2020 là gần 2.214 tỷ đồng, Eximbank sẽ trả cổ tức 1.800 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Câu chuyện riêng của Eximbank hiện nay, nhất là với thông tin SMBC đang thương thảo chuyển nhượng hơn 15% cổ phần tại Eximbank là chất xúc tác lên cổ phiếu EIB trong thời gian gần đây.

Tin bài liên quan