Cuộc chiến thương mại vào giai đoạn mới, giới đầu tư lại lo lắng

Cuộc chiến thương mại vào giai đoạn mới, giới đầu tư lại lo lắng

(ĐTCK) Dù có phản ứng tích cực với phản ứng nhẹ nhàng của Trung Quốc trước đòn đánh thuế mới của Mỹ trước đó, nhưng khi thời gian áp thuế chính thức qua lại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới có hiệu lực, giới đầu tư lại tỏ ra lo lắng.

Sau khi có các phiên tăng điểm tốt khi Trung Quốc đưa ra biện pháp trả đũa việc Mỹ áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc không mạnh như dự tính, phố Wall đã đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần mới, cũng là ngày đầu tiên chính sách thuế mới của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này dành cho nhau có hiệu lực.

Kết thúc phiên 24/9, chỉ số Dow Jones giảm 181,45 điểm (-0,68%), xuống 26.562,05 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,30 điểm (-0,35%), xuống 2.919,37 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 6,29 điểm (+0,08%), lên 7.993,25 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm điểm trong ngày đầu tiên chính sách áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc của Mỹ và mức thuế 5-10% với 60 tỷ USD nhập từ Mỹ của Trung Quốc có hiệu lực.  Trong đó, nhóm cổ phiếu ô tô, nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại giảm mạnh. Dù vậy, đà giảm cũng được hãm bớt phần nào nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, ủng hộ kỳ việc tăng lãi suất trong năm tới.

Kết thúc phiên 24/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 31,82 điểm (-0,42%), xuống 7.458,41 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 80,06 điểm (-0,64%), xuống 12.350,82 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 18,00 điểm (-0,33%), xuống 5.476,17 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Trung Quốc và Nhật Bản nghỉ lễ, thì chứng khoán Hồng Kông lại giảm mạnh trong ngày đầu tiên chính sách thuế mới giữa Mỹ và Trung Quốc có hiệu lực.

Kết thúc phiên 24/9, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 454,19 điểm (-1,62%), xuống 27.499,39 điểm.

Trong khi đó, giá vàng chỉ lình xình trong biên độ hẹp và đóng cửa gần như không đổi, trong khi giá vàng tương lai tăng nhẹ nhờ đồng USD giảm nhẹ trở lại.

Kết thúc phiên 24/9, giá vàng giao ngay tăng 0,1 USD (+0,01%), lên 1.198,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 3,1 USD/ounce (+0,26%), lên 1.204,4 USD/ounce.

Trên thị trường dầu mỏ, việc OPEC và Nga bác yêu cầu tăng sản lượng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng với việc Mỹ gia tăng trừng phạt với Iran, nước xuất khẩu dầu thô lớn trong OPEC. Trong phiên đầu tuần mới, giá dầu thô đã tăng vọt, trong đó dầu thô Brent vượt qua ngưỡng 81 USD/thùng, mức cao nhất gần 4 năm.

Kết thúc phiên 24/9, giá dầu thô Mỹ tăng 1,30 USD (+1,80%), lên 72,08 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,40 USD (+2,96%), lên 81,20 USD/thùng.

Tin bài liên quan