Mỹ đã đánh thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 7, thêm 16 tỷ USD hàng hóa khác kể từ ngày hôm qua (23/8). Chưa kể, 200 tỷ USD hàng hóa từ Đại lục đang được xem xét các mức thuế và sẽ công bố thông tin vào đầu tháng 9.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đánh thuế lên đậu nành nhập khẩu từ Mỹ với giá trị khoảng 11,3 tỷ USD và các loại thực phẩm khác (3,77 tỷ USD thịt; 2,16 tỷ USD hoa quả).
Trong bối cảnh này, cuộc đối thoại lần thứ hai giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới về các căng thẳng thương mại được dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 8. Các thành viên thị trường đang có những ý kiến lạc quan và bi quan trái chiều.
Lý do để lạc quan
Thứ nhất, Trung Quốc đã có những động thái cải thiện điều kiện thị trường và giảm bớt các rào cản với doanh nghiệp Mỹ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Dù những “thiện chí” này còn khá khiêm tốn và chưa nhận được sự chú ý của chính quyền Mỹ.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia nhận định, động lực chính khiến cả 2 quốc gia dự kiến nối lại đối thoại vào cuối tháng 8 là việc Trung Quốc muốn thiết lập một quan điểm chung có thể làm hài lòng đối tác Mỹ, trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đo lường xem Đại lục có thể nhượng bộ tới mức nào.
Với góc độ này, nhiều khả năng cuộc đối thoại sẽ mang tới những kết quả dễ chịu hơn cho các thành viên thị trường, khi Trung Quốc có động thái thiện chí hòa hợp và Mỹ sẽ chấp nhận những đề nghị được đưa ra.
Thứ hai, đang có những tín hiệu tích cực đưa ra từ cả 2 phía. Cụ thể, Trung Quốc đang có biện pháp kiềm chế đà giảm của đồng nhân dân tệ so với USD, dù đồng tiền này đã giảm giá khá mạnh so với USD kể từ đầu năm tới nay, khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn so với các sản phẩm Mỹ.
Bên cạnh đó, dù đánh thuế “trả đũa” lên các hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, nhưng quy mô và mức độ của biện pháp này vẫn “nhẹ nhàng” hơn so với hành động từ Mỹ. Điều này cho thấy, Trung Quốc không có ý định tiếp tục leo thang chiến tranh.
Về phía Mỹ, gần đây, Tổng thống Trump đã không ít lần có những phát biểu thể hiện sự tán dương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đáng chú ý, trong vòng 10 ngày, Mỹ 2 lần liên tiếp nhượng bộ ZTE – tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc với việc nới lỏng lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm.
Với động thái này, nhiều chuyên gia nhận định, Mỹ đang cố gắng để “thu gọn” cuộc chiến và tránh mở rộng thêm các bất đồng trong cuộc đối thoại sắp tới.
Cái nhìn màu xám
Trong bối cảnh có nhiều yếu tố khó đoán định, việc đặt niềm tin trọn vẹn vào những mặt tích cực khó có thể xảy ra. Theo đó, vẫn có những lý do để một số chuyên gia, thành viên thị trường giữ cái nhìn màu xám với diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong thời gian tới.
Trong đó, đáng chú ý nhất là việc liệu cuộc đối thoái dự kiến diễn ra trong thời gian tới có mang lại kết quả tích cực hay không? Mục đích chính của chính quyền Mỹ trong việc đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là giảm thâm hụt thương mại với Đại lục.
Về mục tiêu này, chính sách thuế của Tổng thống Trump hầu như không có tác dụng.
Theo số liệu mới nhất, tính tới tháng 6, thâm hụt thương mại của Mỹ đạt 823 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 9/2008 và cao hơn 11,8% so với tháng 12/2016, theo Panjiva/S&P Global Market Intelligence.
Trong đó, gần một nửa thuộc về Trung Quốc, khi thâm hụt thương mại Mỹ - Trung đạt 390,2 tỷ USD.
Chưa kể, Mỹ có nhiều toan tính hơn với Trung Quốc bên cạnh xung đột về thương mại, trong đó có cả vấn đề sức ảnh hưởng của quốc gia này ngày càng lớn sau khi Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).