Cuộc chiến thầm lặng
“Hết giờ thăm bệnh rồi anh ơi!”, tiếng cô y tá trực đêm vang lên ở hành lang bệnh viện.
Kim đồng hồ lúc đó là 9 giờ tối, người vào thăm nuôi chào người bệnh ra về, còn người thân ở lại trông nom bệnh nhân thì sắp các món đồ khách vào thăm và sửa soạn chỗ nghỉ ngơi ngoài hành lang.
Khoảng 15 phút sau, đèn hành lang tắt dần để kết thúc một ngày ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Khung cảnh quen thuộc này cứ lặp đi, lặp lại, kể cả khi hai bố con ông Li Ding và Li Zichao (người Trung Quốc) nhập viện với nghi ngờ nhiễm virus Corona (dịch Covid-19) lần đầu tiên tại Việt Nam.
Ở đâu có thể loạn, nhưng ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tuyến đầu tiên đối phó với chủng virus hung hãn này thì không.
Tối 28 Tết, cả hai cha con ông chuyển viện từ Bệnh viện Bình Chánh trong tình trạng sốt cao, nhức mỏi…, thông tin có được là có thể nghi ngờ nhiễm Covid-19, do chủng virus xuất hiện cuối năm 2019 ở Vũ Hán (Trung Quốc), là loại tấn công vào đường hô hấp gây khó thở, sốt cao và có thể dẫn đến tử vong.
Sự nguy hiểm của chủng này nằm ở chỗ, phải 14 ngày sau (một số trường hợp ghi nhận hơn 20 ngày) bệnh nhân mới có các triệu chứng và khủng khiếp hơn là trong thời gian đó họ đã có thể lây cho người khác.
Nhưng các thông tin đó chỉ phổ biến kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố mức độ nguy hiểm của nó ở cấp toàn cầu, còn thời điểm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận, những thông tin về loại virus này còn… rất hiếm.
Tâm lý về một cuộc chiến không có chỗ cho sơ suất dần hiện ra trong đầu những người trực tiếp tham gia.
“Sáng 28 Tết, tôi nhận được cuộc gọi của bác sĩ Trưởng khoa, gia đình hiểu ngay rằng, kỳ nghỉ Tết năm nay không có tôi rồi”, chị Trần Thị Hải, điều dưỡng tại Bệnh viện Chợ Rấy, người tham gia điều trị cho hai cha con ông con Li nói.
Thật khó để diễn tả tâm trạng của chị Hải lúc đó, khi nhà nhà chuẩn bị đón những ngày cuối năm, thì với chị và gia đình, không khí sum vầy ngày Tết được thay bằng tâm lý chuẩn bị cho công cuộc chữa trị chưa biết hồi kết. Chị buồn, gia đình cũng chẳng vui.
Đã vậy, để chăm sóc bệnh nhân này không như bình thường, trang phục cách ly trùm kín toàn thân rất nóng, thể lực bị tiêu hao rõ rệt.
Ở bên Vũ Hán, khi thời tiết chỉ có 5 độ C, mà nhân viên điều dưỡng còn chịu không nổi, mới thấy sức chịu đựng của người nữ điều dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy thật phi thường.
Nhưng mọi chuyện nào đã kết thúc, lòng chị càng nặng trĩu khi các thông tin giả, thông tin không kiểm chứng về tác hại của dịch bện htràn lan trên mạng xã hội đã lấn át phương tiện truyền thông chính thống.
Hàng xóm xung quanh ai cũng hỏi chồng có khi nào chị bị nhiễm không, có người còn dò hỏi xem chị có về nhà không, có bị cách ly không...
Là người trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, không được nghỉ Tết với gia đình, mỗi ca phục vụ trong bộ trang phục phòng hộ như một bài tập thể lực nặng, lại còn phải chịu tác động của dư luận, áp lực đối với chị Hải lúc đó thật khủng khiếp.
Gia đình chị dù không trực tiếp tham gia, nhưng lòng cũng không sao yên được.
Cái Tết bình yên sao mà khó quá. Vậy mà người phụ nữ ấy vẫn vượt qua, không chỉ tự động viên mình, chị còn động viên cả gia đình, người thân.
“Lúc đó, mình phải đấu tranh tư tưởng, phải xem cái nào quan trọng nhất, tùy vào tính chất công việc của mình rồi sắp xếp lại”, chị cười và nói.
Đồng nghiệp của chị, anh Nguyễn Minh Tâm cũng không khá hơn khi tiếp xúc các thông tin thất thiệt trong bối cảnh tâm lý lạc quan và thể lực đang bị cuộc chiến chống chọi với dòng virus mới rút cạn mỗi ngày. Nhưng rồi, anh Tâm cũng tự mình thoát khỏi nỗi sợ đó.
Anh chia sẻ, đã bước chân vào ngành này là phải chấp nhận có những lúc mình phải làm việc trong tâm trạng và thể lực không tốt nhất, lúc đó, chỉ nên vui vẻ và dựa vào kinh nghiệm hơn 10 năm chăm sóc dịch bệnh để làm tốt nhiệm vụ của mình.
“Lúc đó, tôi nghĩ phải tận tâm để làm hết mình, làm theo những gì Bệnh viện và Bộ Y tế hướng dẫn. Lo lắng đâu có giúp được gì”, anh Tâm nhớ lại.
Thậm chí, họ còn mong tự cách ly khỏi người thân, như bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) đã tự thực hiện.
Theo bác sĩ Thơ, vì hai ca đầu tiên không có thông tin xác định về nguồn lây chính thức, vừa làm vừa cập nhật thường xuyên thông tin nên dù được phòng hộ kỹ, nhưng vẫn lo vô cùng.
Không chỉ là chữa bệnh
Nếu như áp lực tâm lý của những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân chỉ là sợ lây nhiễm cho mình, cho người thân, thì áp lực với lãnh đạo bệnh viện còn lớn hơn rất nhiều, đó là đảm bảo sự an toàn và niềm tin của cả cộng đồng.
Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ cho biết, áp lực lực đó càng lớn hơn khi những thông tin ảo trên mạng làm xói mòn niềm tin của người dân.
“Nếu bệnh nhân tử vong đầu tiên do Covid-19 xảy ra ở Việt Nam, chắc chắn sẽ đẩy dư luận vào cơn khủng hoảng niềm tin”, bác sĩ Anh Thơ nói.
Thời điểm đó, tình trạng hết hàng khẩu trang, thuốc sát khuẩn trên địa bàn TP.HCM, người dân rồng rắn xếp hàng mua khẩu trang, thuốc bổ. Một số siêu thị còn xảy ra tình trạng “cháy” ngắn hạn các mặt hàng thực phẩm khi làn sóng tích trữ của khách hàng tăng đột biến.
Thông tin học sinh được nghỉ học thêm 1 tuần để theo dõi tình hình dịch bệnh càng làm không khí thêm căng thẳng. Các tuyến đường chính ở TP.HCM như Điện Biên Phủ, Cộng Hòa, Nguyễn Thị Minh Khai… vốn dày đặc xe lưu thông sau mỗi dịp nghị Tết, thì nay vắng lặng đến lạ thường. Người dân hạn chế đi lại, nín thở chờ những diễn biến mới của dịch bệnh. Áp lực lên đội ngũ những người trực tiếp tham gia điều trị hai cha con họ Li càng nặng nề hơn bao giờ hết.
Đã vậy, ông Li Ding hội đủ các yếu tố có khả năng cao dẫn đến tử vong: trên 60 tuổi, nam giới, bị 4 bệnh nền cực kỳ nguy hiểm và mới hồi phục sau ca mổ khối u phổi cách đây không lâu.
Rào cản ngôn ngữ với bệnh nhân lớn tuổi này đã làm việc chữa trị có phần hạn chế, thì càng trở nên khó khăn hơn khi con ông, anh Li Zichao (28 tuổi) được ra khỏi phòng cách ly vì tình hình sức khỏe đã có những chuyển biến tốt.
“Tâm lý bệnh nhân khó chịu là điều dễ hiểu. Ông bị cách ly trong bệnh viện của một nước khác, môi trường khác, lúc đầu có con, rồi con mình khỏi, ông vui, nhưng lại lo lắng cho mình. Chúng tôi phải động viên tinh thần, khích lệ ông hợp tác điều trị”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, chuyên khoa 1 Khoa Nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) nói.
Nghề bác sĩ là vậy, hay làm những chuyện ngược đời. Khi dịch bệnh xảy ra, người dân tìm mọi cách tháo chạy khỏi người bệnh, thì bác sĩ lại là những người chạy lại bên họ để chữa trị.
Khi bệnh nhân chán nản về tình trạng sức khỏe, thì chính họ lại là những người động viên bệnh nhân.
Thậm chí, bệnh nhân có thể bỏ cuộc, nhưng đội ngũ y tá, bác sĩ thì không cho phép mình làm như vậy.
Áp lực không được thất bại, khó khăn về thể lực dồn lên đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng họ đã vượt qua một cách ngoạn mục.
Theo bác sĩ Anh Thơ, ngoài những nỗ lực cá nhân, thế mạnh của Bệnh viện Chợ Rẫy với nhiều chuyên khoa và đội ngũ chuyên gia đầu ngành về nhiệt đới, tim mạch, dinh dưỡng, kiểm soát lây nhiễm... đã giúp họ “vượt cạn” thành công ca đầu tiên.
Việc hội chẩn liên khoa rất có lợi cho người bệnh. Ví dụ, “bên” khoa tim đề nghị sử dụng thuốc này, nhưng “bên” nội tiết cảnh báo các tác dụng phụ có thể xảy ra với bệnh nhân… đã tạo nên một phác đồ điều trị tối ưu cho bệnh nhân.
“Tôi nghĩ, đây là một lợi thế lớn mà Bệnh viện Chợ Rẫy có được”, bác sĩ Anh Thơ nói.
Thể trạng ông Li Ding ngày càng tốt hơn. Ngày 11/2, hai cha con họ Li có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 và được xuất viện.
Đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp tham gia chữa trị vui mừng vì những hy sinh thầm lặng của mình đã được đền đáp.
Lúc đó, tôi nghĩ phải tận tâm để làm hết mình, làm theo những gì Bệnh viện và Bộ Y tế hướng dẫn. Lo lắng đâu có giúp được gì.
Bầu không khí vui mừng, xen lẫn hy vọng vỡ òa ngày hai cha con họ xuất viện. Vậy mà đội ngũ y, bác sỹ ấy không ai đứng ra nhận công lao riêng.
Họ khen nhau, họ cảm ơn nhau trên các phương tiện truyền thông chính thống.
Anh Li Zichao thì xúc động, cảm ơn đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy vì tình trạng cha anh có thể nguy kịch hơn nếu phát bệnh ở Vũ Hán, bởi khí hậu ở trở lạnh và tình trạng quá tải ở các bệnh viện nơi đó.
Anh bảo cha con anh rất may mắn khi phát bệnh ở Việt Nam. Cha anh, ông Li Ding cảm ơn Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy và không cầm được nước mắt khi bắt tay cảm ơn bác sĩ Sang.
Có lẽ cha con ông Li nên cảm ơn cả những người thân, gia đình của đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp điều trị cho họ.
Bởi cũng như đội ngũ y, bác sĩ, gia đình họ phải chịu rất nhiều áp lực trong thời gian qua khi người con, người chồng, người vợ của họ đối mặt trực tiếp với nguồn dịch.
Giờ đây, mong ước lớn nhất của họ có lẽ là một kỳ nghỉ dài với gia đình bù lại khoảng thời gian mà đáng lẽ họ được hưởng vào dịp cuối năm vừa qua.
Nhưng có lẽ, mong ước đó phải hoãn lại khi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn ra khá phức tạp.
Khu vực cách ly hai cha ông Li đã được tiệt trùng đúng quy trình và vẫn đang ở chế độ chờ. Người thân của họ, đội ngũ y bác sĩ cũng vậy.
“Có trường hợp nghi ngờ là mình chủ động xử lý luôn”, bác sĩ Sang nói.
Khi bài báo này lên khuôn, các y bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng phó hết mình với dịch.
Thậm chí, ngày 27/2 - Ngày Thầy thuốc Việt Nam, vốn là ngày những nhân viên y tế cảm thấy hạnh phúc nhất khi được đón nhận tình cảm tri ân của toàn xã hội, nhưng năm nay, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ không tổ chức ngày này.
“Ngày 27/2, mong các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoạt động thăm viếng, không gửi quà, hoa chúc mừng Bệnh viện để chúng tôi tập trung phòng dịch Covid-19”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã chia sẻ.