Đầu tháng 9, Honda Việt Nam vừa ra mắt City thế hệ 4
Dẫn đầu trong các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như tất cả các nhãn hiệu ô tô nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam (TMV) tiếp tục có sự bứt phá trong việc bán hàng với cả nhãn hiệu Toyota lẫn Lexus.
Trong 8 tháng đầu năm nay, TMV đã bán được tổng cộng 24.027 xe, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mẫu xe như Vios, Altis, Fortuner, Camry, Innova của Toyota luôn nằm trong Top 10 mẫu xe bán chạy nhất hàng tháng. Kết quả kinh doanh tốt và ấn tượng tại Việt Nam của TMV là nhờ tên tuổi của hãng xe Nhật đã ăn sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng Việt Nam, với tiêu chí ăn chắc, mặc bền, độ tin cậy rất cao…
Trên thực tế, xe Toyota đã qua sử dụng thường có giá trị bán lại cao nhất trong số các loại xe tương đương. Chi phí sử dụng xe Toyota cũng được xem là hợp lý nhất, hơn nữa, chủ xe có thể dễ dàng tìm kiếm các phụ tùng thay thế, cơ sở sửa chữa với chi phí hợp lý.
Bên cạnh đó, TMV hiện là doanh nghiệp bán xe có danh mục sản phẩm đa dạng nhất (11 mẫu xe Toyota, với 30 phiên bản) cho các mục tiêu sử dụng của người tiêu dùng. Với danh mục này, khách hàng có nhu cầu sử dụng từ xe taxi, xe công ty, cá nhân đến xe đi đường bằng, xe đi địa hình rừng núi, đường khó khăn hay nhu cầu vừa chở người, vừa chở hàng đều dễ dàng tìm được cho mình loại xe phù hợp nhất mang thương hiệu Toyota.
Ngoài dòng xe Toyota thông dụng, TMV cũng đã đưa vào kinh doanh tại Việt Nam thương hiệu xe sang Lexus nhằm đáp ứng nhu cầu cao hơn của khách hàng. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, kể từ khi bắt đầu kinh doanh thương hiệu Lexus chính hãng, đã có 203 chiếc xe nhãn hiệu này được bán ra. Đây cũng là nhãn hiệu xe sang bán hàng tốt nhất trong số các nhãn hiệu xe sang đến từ Nhật Bản.
Sau Toyota, 2 hãng xe Nhật Bản khác là Mazda và Honda cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng, cho dù đường hướng kinh doanh của hai hãng này tại Việt Nam có những sự khác biệt nhất định.
Không trực tiếp hoạt động tại Việt Nam, Mazda hiện do Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) đảm nhiệm việc kinh doanh. Thaco đang kinh doanh 6 mẫu xe Mazda, gồm tổng cộng 11 phiên bản và nhắm tới các nhu cầu sử dụng xe cá nhân là chính, chứ không phải hướng tới các dòng xe đa dụng, xe taxi.
Trong 8 tháng đầu năm nay, đã có 5.050 xe Mazda được tiêu thụ tại Việt Nam, tăng tới 155% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt qua doanh số cả năm 2013 là 4.089 xe. Đáng chú ý là, Thaco đã đặt ra mục tiêu khá tham vọng cho năm nay là bán được 9.000 xe Mazda, cao gấp hơn 2 lần so với mức bán hàng của năm 2013. Điều này cũng hứa hẹn nhiều điểm bứt phá mới trong chiến lược bán hàng của Mazda, đặc biệt là giá cả.
Với những chiến lược giảm giá “gây sốc” mỗi lần cả 100 triệu đồng với nhãn hiệu CX-5, Mazda 6, Mazda đã nhanh chóng tăng được doanh số, thị phần tốt ở Việt Nam. Dĩ nhiên, phương thức này chắc chắn sẽ còn được Thaco tiếp tục áp dụng nhuần nhuyễn trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh doanh số bán hàng của Mazda lên, cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ cùng đến từ Nhật Bản.
Honda cũng đang có xu hướng tăng tốc gần đây. Hiện tại, Công ty Honda Việt Nam có danh mục (gồm 4 sản phẩm, với 8 phiên bản) đang chào bán và đạt doanh số 4.004 xe trong 8 tháng qua. Mục tiêu được Honda Việt Nam đặt ra cho năm 2014 cũng khá khiêm tốn, với mức tăng khoảng 9% so với năm ngoái và doanh số cụ thể khoảng 6.400 xe. Như vậy, nếu so với Mazda đang có mức tăng trưởng rất ấn tượng, thì việc kinh doanh ô tô chính hãng của Honda còn cần phải đẩy mạnh hơn nữa.
Một số nhãn hiệu ô tô Nhật Bản khác như Suzuki, Mitsubishi thì chưa tạo ra bất cứ đột phá nào trên thị trường Việt Nam. Suzuki và Mitsubishi có mặt tại Việt Nam gần như vào cùng thời điểm với Toyota, nhưng tình hình bán hàng khá chậm. Trong 8 tháng đầu năm nay, Suzuki chỉ bán được 2.588 xe, Mitsubishi thậm chí còn bán được ít hơn, chỉ 1.390 xe.
Không có nhiều hoạt động đẩy mạnh bán hàng bởi danh mục xe ít, đối tượng khách hàng hẹp cũng là những cản trở lớn để hai thương hiệu này phát triển trước đòi hỏi đa dạng và luôn mong muốn có sản phẩm mới của người tiêu dùng Việt Nam.