Đối thủ xứng tầm
Mặc dù trước đó, thị trường đã chứng kiến sự ra mắt của một số mẫu xe máy điện của các “ông lớn” nước ngoài như Yamaha hay Piaggio, nhưng bởi thị phần của các thương hiệu này tại Việt Nam không lớn, nên không tạo ra sự biến động nào.
Tuy nhiên, sự hiện diện của Honda Việt Nam (HVN) sẽ mang ý nghĩa khác hẳn, bởi thương hiệu Honda đang chiếm tới 82% thị phần về xe máy xăng, với sản lượng tiêu thụ năm 2024 là 2,147 triệu chiếc.
Tham gia thị trường xe máy điện, Honda Việt Nam mang tới 2 sản phẩm là ICON e:, nhắm tới đối tượng tiêu dùng chính là học sinh trung học, không yêu cầu bằng lái và CUV e:, với công suất tương đương 110 cc.
Với ICON e:, Honda Việt Nam định giá bán quanh mức 27 triệu đồng, đi kèm với đó là giá thuê pin xấp xỉ 350.000 đồng/tháng. Với CUV e:, Honda Việt Nam không bán xe, mà chỉ áp dụng phương thức cho thuê xe với chi phí 1,5 triệu đồng/tháng.
Như vậy, Honda Việt Nam đã tham gia vào cả hai phân khúc là xe không cần bằng lái, dành cho học sinh cấp 2, cấp 3 và phân khúc xe có bằng.
Từng giữ vị trí quản lý kinh doanh, phát triển sản phẩm xe máy điện tại Pega và VinFast, ông Hoàng Long cho hay, thị trường xe máy điện tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, với sự tham gia của nhiều thương hiệu trong nước và quốc tế.
Đơn cử, phân khúc xe máy điện không cần bằng lái có quy mô tầm 500.000 xe/năm, giá chủ yếu dưới 20 triệu đồng/xe, tới 90% đối tượng khách hàng là học sinh cấp 2 và cấp 3.
Đã có lúc phân khúc này chứng kiến sự tham gia của 42 nhà sản xuất, lắp ráp và thương hiệu Trung Quốc tham gia thị trường, nổi bật có thể kể đến Hkbike(pega), Dkbike, Osakar, Dilbao, DTP, hay sau này là Yadea.
Việc tham gia của ICON e:, dù không có sự nổi bật vì sạc lâu, quãng đường đi ngắn, pin dung lượng nhỏ…, nhưng xem ra đây lại là chiến lược của Honda khi đưa mức giá để doanh nghiệp có lợi nhuận và không tham gia vào cuộc chiến cạnh tranh giá vô cùng nóng bỏng của ngành xe điện hai bánh.
“Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp có xu hướng sử dụng chiến lược cạnh tranh bằng giá để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, việc hạ giá để cạnh tranh là con dao hai lưỡi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận, chất lượng sản phẩm và sự phát triển bền vững”, ông Long nói và cho hay, thay vì chỉ tập trung vào giá cả, các doanh nghiệp nên tạo ra giá trị thực sự cho người tiêu dùng thông qua công nghệ, trải nghiệm vận hành và dịch vụ sau bán hàng.
Cho rằng, Honda bước chân vào lĩnh vực này hơi muộn, một chuyên gia nhìn nhận, với dải sản phẩm hiện có thì ngoài thương hiệu ra, Honda Việt Nam sẽ vất vả để cạnh tranh.
“Honda đang lấy xe máy xăng làm chuẩn về thiết kế. Hơn nữa, các mẫu xe máy điện mới thiết kế ra phục vụ cho nhiều thị trường cùng lúc như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam, vì thế, cơ bản nhìn qua vẫn chưa hợp thị hiếu của người Việt cho dòng xe này. Tuy nhiên, tương lai thì không biết thế nào, vì Honda thực sự là một đối thủ mạnh và có nhiều kinh nghiệm trong ngành xe máy”, vị này nhận xét.
Mua sự an tâm
Tham gia thị trường xe máy điện, Honda Việt Nam mang tới 2 sản phẩm là ICON e:, nhắm tới đối tượng tiêu dùng chính là học sinh trung học, không yêu cầu bằng lái và CUV e:, với công suất tương đương 110 cc.
Cho rằng, giá rẻ không phải là tiên quyết của sản phẩm xe máy điện, ông Long cũng dẫn chứng, năm 2018, VinFast ra sản phẩm Klara A1, với thông số chỉ chạy khoảng 80 km/lần sạc, vận tốc không quá 35 km/h, bán với giá 35 triệu đồng/xe, mà khách hàng vẫn đón nhận một cách nồng nhiệt.
Nhiều bình luận của cộng động cũng cho thấy, xe máy điện không chỉ đơn thuần là một phương tiện di chuyển, mà còn là sản phẩm công nghệ cao. Một chiếc xe có khả năng sạc nhanh, pin bền và quãng đường di chuyển dài sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ rệt, thu hút những khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng.
“Người dùng không đơn thuần mua một chiếc xe, họ mua sự an tâm và tiện lợi. Khi hạ tầng sạc chưa hoàn thiện, thì dung lượng pin và công nghệ sạc chính là vũ khí cạnh tranh. Ai giải được bài toán này, người đó sẽ dẫn dắt thị trường” là nhận xét của nhiều chuyên gia quan tâm tới xe máy điện.
Để làm được điều này, theo ông Long, việc doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để nâng cao hiệu suất pin, tối ưu hóa động cơ điện, cũng như tích hợp các công nghệ thông minh như kết nối IoT, GPS và AI sẽ mang lại lợi thế cho sản phẩm.
Với Honda, dù nhiều tính năng không đọ lại được với một số sản phẩm khác hiện có trên thị trường, nhưng tên tuổi của một thương hiệu lớn đến từ Nhật Bản và đang thống lĩnh thị trường xe máy xăng cũng mang lại những lợi thế nhất định.
Ông Takiguchi, Giám đốc mảng kinh doanh xe máy của Honda Việt Nam cho hay, ICON e: là sản phẩm để bước chân vào mảng kinh doanh xe máy điện, nên công ty đã khảo sát nhu cầu khách hàng là học sinh trung học phổ thông trước khi phát triển sản phẩm. Mục tiêu đặt ra là dễ sử dụng, đảm bảo cự ly di chuyển và có thế mạnh về chất lượng cao, an toàn, nên rất tự tin là khách hàng sẽ hài lòng.
“Trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam đang có sự không tin tưởng về chất lượng xe máy điện, nhiều tòa nhà chung cư bắt phải để xe điện bên ngoài, không cho xuống hầm. Khách hàng cũng có những bất an về chất lượng pin của nhiều loại xe máy điện đang bán trên thị trường”, đại diện Honda Việt Nam nhận xét.
Ngoài ra, cũng có thực tế là cha mẹ mua xe máy điện cho con đi học trong 3 năm trung học phổ thông, sau đó bỏ xó, không dùng đến khi con tốt nghiệp. Lúc đó, xe máy điện bỏ đi cũng không dễ, mà để trong nhà thì thành rác. Vì thế, Honda Việt Nam đã ra chính sách thuê pin và sẵn sàng mua lại xe máy điện cũ để giải quyết nỗi lo đó của khách hàng.
Ở góc độ này, xe ICON e: tạo ra sự khác biệt với các loại xe máy điện khác. Dĩ nhiên, tất cả sẽ được trả lời với thời gian.