Nhập nhèm như… thông tin bất động sản
Sự nhập nhèm thông tin, thiếu công khai quy hoạch đất đai và thiếu minh bạch thông tin dự án ngay từ khâu doanh nghiệp tiếp cận dự án đến khi được cấp phép triển khai dự án là khuyết tật của thị trường bất động sản trong nhiều năm qua.
Tại “Diễn đàn Kinh tế 2020: Tích lũy động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới”, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Constrexim phải thốt lên: “Chúng ta cứ nói công khai, dân chủ, nhưng rất nhiều khu đất vàng không ai biết chủ sở hữu, hôm qua vẫn là đám đất trống, hôm sau đã mọc nhà cao tầng”.
Doanh nhân này cho rằng, công tác quy hoạch và lập quy hoạch đất đai, dự án bất động sản tại Việt Nam hiện khá lộn xộn. “Trong khi có quy định là, quy hoạch 10 năm điều chỉnh một lần, thì nhiều địa phương cứ 2-3 năm đổi quy hoạch một lần, doanh nghiệp không biết đâu mà lần”, ông Cây nêu.
Thị trường bất động sản từng rúng động vì vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do anh em Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba “đạo diễn”. Bằng thủ đoạn lập khống quy hoạch hàng chục dự án tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, chúng đã khiến hơn 3.300 người bị “sập bẫy”, với số tiền được trình báo lên đến hơn 1.800 tỷ đồng. Vụ việc này được phanh phui có sự đóng góp rất lớn từ báo chí.
Theo sát thông tin báo chí về thị trường bất động sản nhiều năm qua, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhìn nhận: “Chúng ta đang trong giai đoạn hoàn thiện thể chế, vừa phát triển, vừa học hỏi, nên không thể thiếu đóng góp của báo chí với vai trò “tai mắt” phản ánh, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật của phía cơ quan chức năng và việc tuân thủ của doanh nghiệp và người dân”.
Trên thực tế, tồn tại bất cập lớn về thể chế khi người dân cải tạo nhà, xây thêm một viên gạch so với cấp phép thì chính quyền địa phương phát hiện và tổ chức phá dỡ khá nhanh, nhưng với các công trình lớn xây dựng sai phép (như công trình tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội) thì vài năm chưa xử lý xong. Chắc hẳn, nếu báo chí không vào cuộc phản ánh rầm rộ và dư luận bức xúc, thì các công trình sai phạm đó vẫn sẽ “bình yên vô sự”.
“Với các công trình xây dựng sai phạm, chưa có chế tài xử phạt đến từng cá nhân cán bộ địa chính hay người phụ trách đơn vị quản lý vấn đề xây dựng, đô thị. Dân sai thì chính quyền đè ra xử phạt, vậy cán bộ sai phạm thì xử phạt thế nào, chế tài xử phạt đến từng cá nhân ra sao?”, ông Điệp đặt vấn đề.
Vẫn chuyện phối hợp…
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, yêu cầu đầu tiên và bắt buộc trong quản lý nền kinh tế mở cửa hiện nay là phải đảm bảo công khai, minh bạch thông tin. Với thị trường đầy tính pháp lý như bất động sản, thông tin càng công khai, minh bạch bao nhiêu, càng giúp thị trường phát triển một cách rõ ràng, tránh sự nhập nhèm lợi ích, tạo niềm tin cho người dân và nhà đầu tư.
Có thực tế là, việc phối hợp, cung cấp thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước cho báo chí còn rất hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
Trong rất nhiều phương thức để công khai, minh bạch thông tin, báo chí là kênh hiệu quả, chính thống, có kiểm chứng. Song có thực tế là, việc phối hợp, cung cấp thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước cho báo chí còn rất hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. “Dường như có hiện tượng cố tình giấu kín thông tin về quy hoạch đất đai, dự án bất động sản vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”, ông Long băn khoăn.
Báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mới có hơn một nửa số địa phương trên cả nước (36/63) ban hành Quy chế phối hợp trong việc xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. 52/63 địa phương thu thập, tổng hợp và cập nhật một số thông tin cơ bản vào hệ thống cơ sở dữ liệu để hình thành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm dùng chung kết nối đến các địa phương phục vụ quản lý, vận hành khai thác hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên website bds.xaydung.gov.vn và công bố thông tin trên website batdongsan.xaydung.gov.vn.
Tuy nhiên, thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Việt Nam được Bộ Xây dựng công bố theo quý còn chung chung, mang tính kiểm đếm, chưa đáp ứng nhu cầu thông tin chính thức về từng địa phương, dự án cụ thể. Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên website bds.xaydung.gov.vn mang tính nội bộ cho các sở xây dựng, nên người dân và doanh nghiệp càng khó tiếp cận.
Trong bối cảnh đó, chí ít từ nay đến khi “cánh cửa” thông tin bất động sản được mở toang, báo chí có sứ mạng song hành và phát huy vai trò tiên phong giám sát và phản biện xã hội; điều tra, bóc trần và lên án những hành vi lừa đảo, chiếm dụng tài sản, đất đai; từ đó giúp minh bạch thông tin bất động sản.