Cuộc chiến kiểm soát lạm phát trên toàn cầu đang bước vào giai đoạn mới. Sau khi áp lực giá giảm mạnh vào năm ngoái, các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế tiên tiến đã bắt đầu cắt giảm lãi suất từ mùa hè này. Nhưng, việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% một cách bền vững đã tỏ ra khó khăn. Trong giai đoạn cuối năm, các mối đe dọa lạm phát mới đang xuất hiện và con đường tương lai của lãi suất đang trở nên không chắc chắn hơn.
Trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản và đưa ra quan điểm diều hâu hơn về mức độ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Trong khi các nhà đầu tư đã kỳ vọng lãi suất và lạm phát sẽ tiếp tục bình thường hóa vào năm tới, "biểu đồ chấm" của các quan chức về dự báo lãi suất cho năm 2025 cho thấy ít lần cắt giảm hơn so với dự báo được đưa ra trước cuộc bầu cử của Mỹ, và ước tính về lạm phát cũng được đẩy lên cao hơn.
Sameer Samana, chiến lược gia thị trường toàn cầu cấp cao tại Viện đầu tư Wells Fargo cho biết: "Các nhà đầu tư nghĩ rằng Fed sẽ hạ lãi suất, bất kể thế nào…Điều đáng thất vọng là cuối cùng Fed đã nhận ra rằng lạm phát đã ngừng giảm".
Theo RBC Capital Markets, nếu Fed bỏ qua một đợt cắt giảm lãi suất khác vào tháng 1, ngân hàng trung ương có khả năng sẽ tạm dừng giảm lãi suất trong thời gian dài.
"Nếu Fed bỏ qua tháng 1, chúng tôi không chắc khi nào họ thực sự sẽ bắt đầu lại", các chiến lược gia của RBC Capital Markets cho biết.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã thay đổi dự đoán của Fed. Các yếu tố quan trọng trong chương trình nghị sự của ông Trump bao gồm thuế quan đối với các đối tác thương mại của Mỹ, cắt giảm thuế và tình trạng nhập cư bất hợp pháp sẽ gây ra áp lực lạm phát. Việc ông Trump sử dụng thuế quan làm công cụ có thể khiến người ta khó biết ông sẽ thực hiện các kế hoạch của mình như thế nào và ở mức độ nào. Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận rằng các thành viên ủy ban đã bắt đầu cân nhắc tác động của chính quyền Trump trong các dự báo.
Lãi suất chính sách tại Mỹ, Anh và EU |
Chương trình nghị sự của chính quyền Trump cũng có hậu quả đối với triển vọng của ngân hàng trung ương khác. Tại Anh, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết, bất ổn thương mại đã tăng đáng kể khi ngân hàng trung ương quyết định giữ nguyên lãi suất cũng trong cuộc họp chính sách tuần này. Nhưng quỹ đạo lạm phát trong ngắn hạn của Anh phức tạp hơn do các yếu tố trong nước.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang đi ngược lại xu hướng. Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã tuyên bố trong tuần này rằng "những ngày đen tối nhất" của lạm phát cao đã qua đi ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu. ECB đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng này và báo hiệu sẽ tiếp tục cắt giảm trong năm mới. Trên thực tế, lạm phát của khu vực đã được kiểm soát và dao động quanh mức 2%.
Thách thức của khu vực đồng euro là sự suy yếu chung trong nền kinh tế, điều này sẽ còn giảm hơn nữa nếu chính quyền Trump thực hiện hoá những tuyên bố về việc tăng thuế quan. Vào thứ Sáu (20/12), thông qua phương tiện truyền thông xã hội, ông Trump cho biết sẽ đánh thuế EU nếu khối không mua dầu và khí đốt của Mỹ với số lượng lớn. Trong khi đó, quỹ đạo của chính sách tài khóa của EU cũng không rõ ràng, với tình hình bất ổn chính trị ở Pháp và Đức ảnh hưởng đến các kế hoạch thuế và chi tiêu.
Trong khi việc tăng lãi suất phần lớn diễn ra suôn sẻ và có sự phối hợp, thì chu kỳ cắt giảm lãi suất đang định hình sẽ bị ngắt quãng bởi các giai đoạn ổn định và đặc trưng bởi sự phân kỳ. Sau khi lèo lái thành công nền kinh tế vượt qua được cú sốc lạm phát toàn cầu tồi tệ nhất năm 2021-2022, những vấn đề tại thị trường trong nước và những tác động kinh tế không chắc chắn và đa dạng của chính quyền Trump 2.0 đang gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách.