Cuộc chiến không lành mạnh trên thị trường chuyển phát

0:00 / 0:00
0:00
Việc các sàn thương mại điện tử ngoại độc quyền vận chuyển đơn hàng khiến thị phần, doanh thu, lợi nhuận của các hãng chuyển phát nội địa co hẹp mạnh.

Cuộc chơi nằm trong tay “ông lớn” nước ngoài

Ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, 5 năm qua, thị trường bưu chính tại Việt Nam phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng cao, gấp 2 lần so với tăng trưởng GDP. Số lượng doanh nghiệp bưu chính gia nhập thị trường mỗi năm tăng 10-15%, hiện cả nước có hơn 700 doanh nghiệp, ước tính doanh thu năm 2023 khoảng 59.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, doanh thu dịch vụ toàn ngành bưu chính đạt 52.300 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021.

Trong khi đó, Allied Market Research dự phóng, thị trường bưu chính chuyển phát Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép 24% trong giai đoạn 2022 - 2030 và ước đạt 115.000 tỷ đồng vào năm 2030. Động lực tăng trưởng của thị trường đến từ nhu cầu cao trong vận chuyển hàng hóa thương mại điện tử.

Những năm qua, các công ty bưu chính nội địa đối mặt với làn sóng nhượng quyền, đầu tư gián tiếp, mở rộng thị trường của các công ty chuyển phát xuyên biên giới. Các doanh nghiệp có vốn nước ngoài không ngừng mở rộng đại lý nhượng quyền, đầu tư hạ tầng, giảm giá vận chuyển dưới giá thành, tăng chiết khấu, khuyến mại để cạnh tranh giành thị phần.

Nhóm các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, nhượng quyền thương mại phát triển mạnh trong năm qua gồm BEST Express, J&T Express, Kerry Express, Shopee Express, Lazada Express, Giao hàng Tiết kiệm (GHTK), Giao hàng nhanh (GHN), Ninjavan, Ahamove…

Trong đó, SEA Group sở hữu sàn thương mại điện tử Shopee và là cổ đông lớn của Giao hàng Tiết kiệm. Alibaba sở hữu Lazada và là cổ đông lớn của Ninjavan, Flex Speed. Hai ông lớn này đã đổ hàng tỷ USD vào 2 nền tảng thương mại điện tử này và đều thành lập các đơn vị vận chuyển riêng.

Trong khi đó, Scommer sở hữu Giao hàng nhanh và Ahamove. Với sự bành trướng này, ngay cả những công ty nội địa có tiềm lực về tài chính, công nghệ như Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS), Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cũng bị giảm mạnh thị phần trong những năm qua.

Cạnh tranh không lành mạnh

Thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng doanh thu dịch vụ bưu chính. Doanh thu gói, kiện cho thương mại điện tử chiếm tỷ trọng hơn 60% trong doanh thu dịch vụ bưu chính. Tuy nhiên, quy mô thương mại điện tử ngày càng tăng cũng tỷ lệ thuận với việc các công ty chuyển phát nội địa phải đối mặt với rủi ro tiếp tục bị giảm thị phần trong lĩnh vực chuyển phát thương mại điện tử.

Bà Hà Thị Hòa, Trưởng ban Dịch vụ Bưu chính của Vietnam Post cho biết, một số sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada… không cho phép người bán, người mua lựa chọn đơn vị vận chuyển, mà tự chủ động phân phối hoạt động vận chuyển cho các đơn hàng trên sàn của mình. Đồng thời, họ thành lập các đơn vị chuyển phát riêng trực thuộc sàn, qua đó đẩy hầu hết sản lượng qua các đơn vị chuyển phát này.

Theo ông Lê Thanh Hoài, CEO SuperShip, với việc các sàn thương mại điện tử tự quyết định đơn vị vận chuyển, sẽ xảy ra tình trạng độc quyền nhóm, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. “Cạnh tranh lành mạnh ở đây là phải để người tiêu dùng hay người bán hàng lựa chọn đơn vị vận chuyển”, ông Hoài nhấn mạnh.

“Khi giao kết hợp đồng trên sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng có quyền tự do lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu. Hành vi của một số sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada… không cho phép người bán và người mua lựa chọn đơn vị vận chuyển là xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng”, ông Nguyễn Đắc Luân, Phó chủ tịch Hiệp hội Bưu chính Việt Nam khẳng định.

Ngoài việc độc quyền vận chuyển trên sàn thương mại điện tử, các hãng chuyển phát quốc tế hoạt động tại Việt Nam đang có chính sách giá bán thấp hơn giá thành của các doanh nghiệp bưu chính khác. Bên cạnh đó là xu hướng cạnh tranh về công nghệ, dịch vụ kho vận (3PL), logistics, tăng trải nghiệm của người dùng…

Trong bối cảnh trên, những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thiếu tiềm lực về tài chính sẽ đuối sức trong cuộc đua và buộc phải rút khỏi thị trường. Điển hình là mới đây, Baemin chính thức dừng hoạt động từ 0h ngày 8/12/2023. Hãng chuyển phát đồ ăn này đã không thể cạnh tranh nổi với Grab, Gojek và ShopeeFood khi đối thủ liên tục đốt tiền giành thị phần.

Theo Kế hoạch Tổng thể phát triển thương mại điện tử của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đặt ra là Việt Nam sẽ có tỷ lệ người dân mua sắm trực tuyến đạt 55%, với mức chi tiêu trung bình 600 USD/năm vào năm 2025. Qua đó, quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ đạt 23 tỷ USD vào năm 2025, tương đương tốc độ tăng trưởng kép 23% trong giai đoạn 2022 - 2025.

Tin bài liên quan