Lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng năng lượng được thúc đẩy bởi xung đột Nga-Ukraine, châu Âu có nguy cơ không đạt được mục tiêu lưu trữ cho mùa đông tới, tạo tiền đề cho một cuộc chiến giành nguồn cung khí đốt nữa trước khi công suất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới bắt đầu làm dịu thị trường trong năm 2026.
Mặc dù châu Âu có đủ dự trữ khí đốt để vượt qua mùa đông này và giá khí đốt đã giảm kể từ đầu năm, nhưng lượng tồn kho đang giảm nhanh chóng do thời tiết lạnh giá. Các nguồn cung cấp khí đốt cho Nga cũng bị siết chặt kể từ đầu năm nay, khi việc vận chuyển khí đốt từ Nga qua đường ống của Ukraine đã dừng lại sau khi thỏa thuận vận chuyển kết thúc.
“Chắc chắn sẽ có sự thiếu hụt năng lượng ở châu Âu trong năm nay…Điều đó có nghĩa là tất cả LNG gia tăng được đưa vào hoạt động trong năm nay trên toàn thế giới sẽ được dùng để bù đắp cho sự thiếu hụt khí đốt của Nga”, Francisco Blanch, chiến lược gia hàng hóa tại Bank of America cho biết.
Giá khí đốt ở châu Âu vẫn đang duy trì ở mức cao |
Theo Saul Kavonic, nhà phân tích năng lượng tại MST Marquee, để đáp ứng nhu cầu dự kiến, châu Âu sẽ cần nhập khẩu thêm tới 10 triệu tấn LNG mỗi năm, nhiều hơn khoảng 10% so với năm 2024. Các dự án xuất khẩu mới ở Bắc Mỹ có thể giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm thị trường, nhưng điều đó phụ thuộc vào tốc độ các cơ sở có thể tăng sản lượng.
Với ít lựa chọn hơn để bổ sung khí đốt cho mùa đông tới, châu Âu sẽ cần các lô hàng LNG mới và trong đó sẽ lấy một số từ châu Á. Tùy thuộc nhu cầu, sự cạnh tranh sẽ đẩy giá lên cao hơn mức các quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh và Ai Cập có thể chi trả và gây áp lực lên sự phục hồi kinh tế của Đức.
Giá khí đốt tương lai tại châu Âu (thường tác động đến giá LNG giao ngay tại châu Á) vẫn cao hơn khoảng 45% so với cùng kỳ năm ngoái và các hợp đồng đang giao dịch ở mức gấp ba lần trước khủng hoảng từ đầu năm tới nay.
“Giá khí đốt tăng vọt sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu lượng hàng tồn kho tại châu Á - Thái Bình Dương cũng cạn kiệt, điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh về hàng hóa", Jason Feer, Giám đốc tình báo kinh doanh toàn cầu tại công ty môi giới năng lượng Poten & Partners cho biết.
Trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển của châu Á sẽ chịu thiệt thòi vì châu Âu có thể chấp nhận chi trả mức giá cao hơn. Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Nam Mỹ. Brazil đã phải chật vật để thay thế sản lượng thủy điện đang suy yếu sau giai đoạn hạn hán, và Argentina có thể bị kéo vào cuộc cạnh tranh giành LNG cho mùa đông sắp tới.
Ai Cập cũng chịu ảnh hưởng. Năm ngoái, quốc gia này đã khiến thị trường bất ngờ khi chuyển từ nước xuất khẩu LNG sang nước nhập khẩu LNG khi phải đối mặt với tình trạng mất điện vào mùa hè, điều này đã thúc đẩy lượng nhập khẩu lên mức cao nhất kể từ năm 2017. Năm nay, quốc gia này vẫn có thể cần hàng chục chuyến hàng để vượt qua cái nóng mùa hè.
Người bán hưởng lợi
Nhưng điều này lại tạo ra cơ hội cho các bên bán. Trong một số trường hợp, các nhà sản xuất LNG có thể tăng công suất tương tự như đợt tăng xuất khẩu trong cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm 2022.
Triển vọng phụ thuộc phần lớn vào tốc độ khởi động các cơ sở sản xuất mới. Năm ngoái, tăng trưởng không đáng kể vì Ai Cập đã ngừng xuất khẩu và nhà máy LNG Bắc Cực 2 mới nhất của Nga đã bị kìm hãm bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.
Điều này khiến sự chú ý đổ dồn vào Mỹ. Nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới trong nhiều năm đã đưa ra lời kêu gọi cứu châu Âu khỏi tình trạng thiếu khí đốt và thông điệp này có thể sẽ trở nên mạnh mẽ hơn sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức. Ông đã tuyên bố sẽ áp thuế nếu châu Âu không mua thêm năng lượng từ Mỹ.
Theo Kpler, xuất khẩu LNG của Mỹ dự kiến sẽ tăng khoảng 15% trong năm nay. Trong khi đó tại Nga (hiện vẫn là nguồn cung cấp LNG lớn thứ hai của châu Âu), trọng tâm sẽ là liệu quốc gia này có thể duy trì xuất khẩu hay không sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt.
Hiện tại, châu Á có đủ khả năng nhượng lại nguồn cung cấp LNG cho châu Âu. Các nhà nhập khẩu LNG của Trung Quốc đã bán lại các lô hàng giao đến hết tháng 3 và phần lớn đã dừng mua từ thị trường giao ngay do giá tăng cao. Các nhà nhập khẩu khí đốt của Ấn Độ đã chuyển sang các giải pháp thay thế với giá rẻ hơn, trong khi Bangladesh buộc phải điều chỉnh giá mua sau khi mức giá chào quá cao. Ai Cập đang chuyển sang dầu diesel.
Mặc dù thời tiết ôn hòa của châu Á đã cho phép nhu cầu điều chỉnh, nhưng thị trường thắt chặt làm tăng nguy cơ biến động do thời tiết khắc nghiệt hoặc các vấn đề về nguồn cung. Sự gián đoạn sản lượng tại các nhà máy xuất khẩu từ Úc đến Malaysia trong năm qua đã cho thấy mức độ dễ bị tổn thương của hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, từ năm 2026 trở đi, các dự án khí đốt bị trì hoãn dự kiến sẽ bắt đầu vận chuyển nhiên liệu. Theo Jefferies Financial Group, tại thời điểm đó, thị trường có thể trở nên nới lỏng hơn.
Theo đó, dự kiến sẽ có thêm 175 triệu tấn nguồn cung mới cho tới năm 2030, chủ yếu từ Mỹ và Qatar. Điều này có thể gây áp lực giảm giá khí đốt và thu hút khách hàng trở lại ở các quốc gia đang nguồn cung thắt chặt trong năm nay.
Florence Schmit, chiến lược gia năng lượng châu Âu tại Rabobank cho biết: "Nếu các kế hoạch mở rộng công suất LNG hiện tại được duy trì, năm 2026 sẽ là ánh sáng cuối đường hầm".