Cơ sở để trông đợi vào sự thay đổi tư duy trong quản lý nhà nước đã bắt đầu xuất hiện.

Cơ sở để trông đợi vào sự thay đổi tư duy trong quản lý nhà nước đã bắt đầu xuất hiện.

Cuộc chiến của "Đông ki sốt"!?

(ĐTCK-online) Lo ngại về tính khả thi của quy định về bãi bỏ giấy phép không hội tụ đủ các điều kiện để tồn tại đang là lý do của khá nhiều quan điểm trung dung trong việc thực hiện quy định này. Cũng đã có chuyên gia cho rằng, có lẽ nên lựa chọn một số ngành, lĩnh vực có sự ủng hộ đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp (DN) để thực hiện trước khi mở rộng ra tất cả các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.

Cần phải nhắc lại rằng, theo quy định của Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, kể từ ngày 1/9/2008, các loại giấy phép, điều kiện kinh doanh không đủ tiêu chí về tính hợp pháp, có nghĩa là không được quy định tại các văn bản từ nghị định của Chính phủ trở lên, sẽ đương nhiên hết hiệu lực. Không có một khoảng loại trừ nào về lĩnh vực cũng như thời hạn trong quy định này.

Thực ra, những đề xuất liên quan đến bãi bỏ giấy phép, điều kiện kinh doanh thời gian qua luôn vướng phải những áp lực không dễ tháo gỡ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Chính tác động không mấy tích cực này đã khiến khá nhiều kế hoạch về rà soát và kiến nghị bãi bỏ giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không phù hợp với tình hình kinh doanh của nhiều hiệp hội DN buộc phải lùi vô thời hạn. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sau đề nghị bất thành về bãi bỏ 37 giấy phép, điều kiện kinh doanh vào năm ngoái cũng cho biết chưa có kế hoạch mới trong hoạt động này.

Còn nhớ, cách đây khoảng một năm, khi Nghị định 139 được ban hành với cơ sở pháp lý vững chắc có việc hạn chế những giấy phép không hợp pháp, thiếu căn cứ pháp lý, các chuyên gia, các DN đã hồ hởi về một môi trường kinh doanh thực sự an toàn và thuận lợi hơn. Không những thế, cơ sở để giám sát việc ban hành thêm những giấy phép, điều kiện kinh doanh không phù hợp cũng được cộng đồng DN cũng như các chuyên gia kinh tế đặt nhiều hy vọng.

Song, trên thực tế, có vẻ như việc chủ động rà soát để bãi bỏ hoặc thay thế các điều kiện kinh doanh, giấy phép không đủ điều kiện tồn tại theo quy định của Nghị định 139 của các cơ quan quản lý nhà nước rất "âm thầm" nếu có triển khai. Bởi, cho tới thời điểm này, ngoài Bộ Xây dựng có những hội thảo và đề xuất được nhìn nhận là đột phá, không có mấy thông tin về kết quả việc rà soát cũng như kế hoạch công bố các giấy phép hết hiệu lực theo quy định được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Như vậy, nếu trong khoảng thời gian hơn một tháng trước thời điểm ngày 1/9/2008, không có thêm những động thái nào tích cực trong việc thực hiện quy định này của Nghị định 139, khả năng các DN được thụ hưởng sự cởi mở của pháp luật sẽ rất hạn chế. Bởi, sẽ rất khó cho DN khi xác định được giấy phép kinh doanh hay điều kiện nào không còn hiệu lực, hay đang trong tình trạng sẽ phải thay đổi. Có lẽ đây cũng không phải là bài toán đơn giản cho chính các cơ quan quản lý nhà nước, nếu không có sự đầu tư nghiêm túc trong việc rà soát lại cơ sở pháp lý của tất cả các quy định về điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh thuộc ngành mình quản lý. Sự không rõ ràng này chắc chắn sẽ gây nên những tác động không thuận tới môi trường kinh doanh hiện cũng đang ẩn chứa không ít các yếu tố mới phức tạp và khó khăn.

Trong bối cảnh hiện nay, cần phải nhắc tới động thái của Bộ Xây dựng trong việc chủ động rà soát và đề xuất bãi bỏ hàng loạt trình tự, thủ tục trong lĩnh vực cấp phép xây dựng như một điển hình tích cực. Cho dù còn khá nhiều nhà đầu tư được hỏi vẫn còn lo ngại về tính khả thi của đề xuất này trên thực tế thực hiện ở các địa phương, song nếu như so sánh với khoảng thời gian 5 năm về trước, khi các chuyên gia phải làm việc với từng bộ, ngành để thuyết phục việc xem xét lại tính hợp lý, cần thiết của các điều kiện kinh doanh, thì cơ sở để trông đợi vào sự thay đổi tư duy trong quản lý nhà nước đã bắt đầu xuất hiện. Nếu như cộng thêm với những quyết tâm thực thi đúng các quy định của pháp luật, cơ hội để cải thiện một cách căn bản hệ thống quy định có liên quan đến điều kiện kinh doanh vẫn rất lớn…