Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung vẫn chưa có hồi kết

Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung vẫn chưa có hồi kết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc liên quan tới tương lai ngành bán dẫn tiếp tục leo thang khi Trung Quốc vừa tuyên bố áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với vật liệu thô gallium và germanium có vai trò quan trọng trong ngành sản xuất chip.

"Chúng tôi xem đây là biện pháp trả đũa thứ hai và mạnh tay hơn nhiều của Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ, và nhiều khả năng sẽ dẫn tới việc Mỹ thắt chặt lệnh cấm đối với chip trí tuệ nhân tạo (AI)", các chuyên gia phân tích của Jefferies nhận định.

Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu thế giới của gallium và germanium

Biện pháp trả đũa đầu tiên là việc Trung Quốc ra lệnh cấm sử dụng sản phẩm của Micron - một trong những nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ trong các hạ tầng quan trọng hồi tháng 5.

Trước đó, tháng 10 năm ngoái, chính quyền Mỹ đã tuyên bố áp đặt một loạt biện pháp hạn chế xuất khẩu, theo đó buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải xin phép trước khi mua chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến.

Chip là linh kiện tối quan trọng trong nhiều thiết bị từ điện thoại thông minh, xe tự lái cho tới điện toán đám mây. Các quan chức Mỹ cho rằng, động thái trên của Mỹ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, mọi thứ chưa dừng lại ở đó. Để các biện pháp hạn chế hiệu quả hơn, Mỹ đã kêu gọi các nhà cung cấp quan trọng khác ở Hà Lan và Nhật Bản cùng tham gia áp đặt hạn chế này.

Tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã khởi động cuộc điều tra về an ninh mạng đối với hãng Micron, sau đó ra lệnh cấm các công ty Trung Quốc sử dụng sản phẩm của công ty này trong các dự án hạ tầng quan trọng. Gần đây nhất, ngày 3/7, Trung Quốc đã tuyên bố hạn chế xuất khẩu gallium và germanium.

Gallium là kim loại mềm, có màu bạc và dễ cắt bằng dao. Vật liệu này thường được sử dụng để sản xuất các hợp chất là vật liệu chính trong chất bán dẫn và điốt phát quang. Còn germanium là một á kim (nằm giữa kim loại và phi kim) cứng, màu trắng sáng, được dùng trong sản xuất sợi quang để truyền ánh sáng và dữ liệu điện tử.

Động thái hạn chế xuất khẩu hai vật liệu trên của Trung Quốc được so sánh với nỗ lực của nước này vào đầu năm 2021 nhằm hạn chế xuất khẩu các chất hiếm - nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học mà Trung Quốc đang nắm giữ hơn 50% nguồn cung toàn cầu.

Gallium và germanium không thuộc nhóm khoáng chất trên nhưng cũng giống chất hiếm, hai vật liệu này có chi phí khai thác hoặc sản xuất đắt đỏ. Nguyên nhân là chúng được hình thành như một sản phẩm phụ của quá trình khai thác các kim loại phổ biến hơn, chủ yếu là nhôm, kẽm và đồng và được xử lý tại chính quốc gia sản xuất.

Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, Trung Quốc hiện đang là nhà sản xuất hàng đầu thế giới của cả gallium và germanium, khi chiếm lần lượt 98% và 68% sản lượng toàn cầu.

Các chuyên gia phân tích của Eurasia Group nhận xét trong một báo cáo nghiên cứu công bố ngày 4/7 rằng: Lợi ích kinh tế nhờ quy mô trong hoạt động khai thác và xử lý, cùng với trợ cấp của nhà nước tại Trung Quốc đã giúp nước này xuất khẩu khoáng sản đã qua xử lý với chi phí mà những nơi khác không thể sánh được. Từ đó, nước này đã duy trì được vị trí thống trị thị trường với nhiều khoáng chất quan trọng.

Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất gallium và germanium tại Trung Quốc tăng mạnh tới 10% trong phiên giao dịch ngày 3/7.

Ngoài Trung Quốc, giá cổ phiếu của các nhà sản xuất đất hiếm Australia cũng tăng khi giới đầu tư dự báo Trung Quốc có thể mở rộng lệnh hạn chế xuất khẩu đối với các chất hiếm.

Hiện tại, Mỹ vẫn phải phụ thuộc vào Trung Quốc để nhập khẩu nguyên liệu gallium và germanium. Khoảng 50% lượng tiêu thụ gallium và germanium của Mỹ trong năm 2021 được nhập khẩu từ Trung Quốc, theo dữ liệu từ USGS.

Các chuyên gia phân tích của Eurasia Group mô tả động thái hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc là phát súng cảnh báo.

"Đây được coi là phát súng nhằm nhắc nhở các quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật và Hà Lan, rằng Trung Quốc có các lựa chọn để trả đũa để ngăn cản các quốc gia này áp đặt thêm biện pháp nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến", theo báo cáo của Eurasia Group.

Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng, các nhà chức trách Trung Quốc có thể đưa ra biện pháp trả đũa ở thời điểm này như một “quân bài” trong các cuộc thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen - người dự kiến sẽ có chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này.

... nhưng vẫn còn các nước khác và các vật liệu khác để thay thế

Các chuyên gia phân tích của Jefferies nhận định, việc Trung Quốc thông báo hạn chế xuất khẩu hai vật liệu quan trọng ở thời điểm này khó có thể là một quyết định ngẫu nhiên.

"Thông báo này cho Mỹ ít nhất 2 ngày để tiếp nhận và đưa ra phản ứng sau khi cân nhắc kỹ lưỡng", các chuyên gia phân tích của Jefferies cho biết.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích của Eurasia Group, động thái của Trung Quốc không được xem là đòn chí mạng đối với Mỹ và các đồng minh. Bởi Trung Quốc có thể là nước thống trị nguồn cung, nhưng vẫn còn các nước khác có thể thay thế và cũng có các vật liệu thay thế cho cả nguyên liệu gallium và germanium.

Mỹ hiện nhập khẩu khoảng 20% gallium tiêu thụ trong nước từ Anh và Đức và nhập khẩu hơn 30% germanium tiêu thụ từ Bỉ và Đức.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Trung Quốc có thể gia tăng căng thẳng với việc tiếp tục đưa ra các biện pháp trả đũa nữa hay không. "Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nếu như động thái với gallium và germanium không thể khiến Mỹ lùi bước", các chuyên gia phân tích của Jefferies nói.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của Eurasia Group cảnh báo rằng, việc hạn chế xuất khẩu là một con dao hai lưỡi. Những nỗ lực trước đây của Trung Quốc nhằm tăng vị thế thống trị đối với các chất hiếm đã làm giảm nguồn cung và đẩy giá tăng lên. Giá cao đã kéo theo cạnh tranh gay gắt hơn khi khiến các liên doanh khai khoáng và xử lý các chất hiếm khác bên ngoài Trung Quốc tăng khả năng cạnh tranh về giá

Năm 2010, Trung Quốc đã giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm giữa lúc căng thẳng với Mỹ. Động thái này khiến các công ty bên ngoài Trung Quốc tăng cường sản xuất các chất hiếm và khiến thị phần toàn cầu của nước này giảm từ 97% vào năm 2010 xuống còn khoảng 60% vào năm 2019.

Tin bài liên quan