Dự án ngăn triều với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng của TP.HCM ngưng trệ đến thời điểm này là điển hình của sự lãng phí.
Đừng vô cảm với cơ hội đầu tư của doanh nghiệp
CEO Đặng Đức Thành, Chủ tịch Tập đoàn Green từng phân tích chính xác về giá trị của cơ hội đầu tư của giới kinh doanh. Tất cả nằm trong chữ “thời”.
“Thời” là “đúng thời điểm”, “đúng lúc”. Trong kinh doanh, chữ “thời” được hiểu là nhân tố khách quan, giúp doanh nghiệp, quốc gia khởi nghiệp, kinh doanh thành công khi nó được phát hiện, phân tích trên cơ sở khoa học với sự nhạy bén, mẫn cảm và bản lĩnh của doanh nhân. Nắm bắt chữ “thời” mang tính quyết định sống còn, thành công hay thất bại.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lâm Trúc Nhỏ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thuận Hưng (Công ty Thuận Hưng, TP.HCM) chua chát nói rằng, từ những năm 1990, ông nhận thấy, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa nông sản lớn nhất Việt Nam, nhưng điểm yếu nhất của nền nông nghiệp Việt Nam chính là khâu chế biến và bảo quản. Nếu giải quyết được vấn đề này, sẽ giúp dự trữ một lượng lớn lương thực, đảm bảo nguồn cung ổn định, phân phối đến các khu vực tiêu thụ nhanh chóng, hiệu quả, điều tiết cung cầu, nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm.
Nhìn rõ vấn đề, năm 1990, Tổng công ty Lương thực Trung ương II (hiện là Vinafood 2) được thành lập.
Đó chính là “thời”!
Vì vậy, cùng lúc Vinafood 2 ra đời, ông Nhỏ đổ tiền mua 10 ha đất tại quận 8 (TP.HCM). Năm 1992, Công ty Thuận Hưng của ông được UBND TP.HCM cho phép đầu tư Dự án Khu chế biến nông, hải sản và kho bảo quản lương thực trên khu đất đã mua. Doanh nghiệp còn vay ngân hàng hơn 10 triệu USD nhập khẩu 15 bộ khung kho tiền chế Zamil Steel để chuẩn bị thi công Dự án.
Nhưng yếu tố “thiên thời, địa lợi” đã sớm “tan tành”, bắt đầu từ việc TP.HCM cho phép liên doanh Phú Mỹ Hưng xây dựng dự án khu đô thị (Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện nay) với quy hoạch chồng lấn khu đất làm dự án của Công ty Thuận Hưng.
Tin tưởng vào cam kết của TP.HCM là sẽ “hoán đổi khu đất khác có diện tích tương đương, mọi thủ tục hoàn tất trong 1 tháng kể từ ngày 12/9/1994”, ông Nhỏ đã giao lại 10 ha cho liên doanh Phú Mỹ Hưng.
Hai năm sau, Công ty Thuận Hưng mới nhận được quyết định giao đất hoán đổi. Nhưng đáng nói là, hơn 10 ha đất đó lại bị Thành phố “xẻo” hơn 2 ha để giao Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) phục vụ Dự án Trung tâm thương mại Bình Điền. Công ty Thuận Hưng được nhận hơn 8,3 ha và được “bù” 2 ha ở nơi khác.
Tuy nhiên, diện tích hơn 8,3 ha này lại phát sinh hàng loạt biến cố, từ “tranh cãi” giữa cơ quan chức năng về việc Công ty Thuận Hưng bán hơn 8,3 ha cho Satra, nhưng bên ký hợp đồng lại là Công ty Bình Điền; đến quyết định thu hồi bất thường của UBND TP.HCM, sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải kiến nghị hủy bỏ quyết định thu hồi đất.
Kết quả là, tới giờ này, đã 30 năm kể từ ngày nhường đất, Công ty Thuận Hưng vẫn chưa nhận được phương án xử lý cụ thể của TP.HCM.
Còn với hơn 2 ha đất được “bù”, Công ty Thuận Hưng được duyệt làm Dự án Khu dân cư Thuận Hưng, nhưng vẫn chưa được TP.HCM giao “sổ đỏ” để đủ điều kiện khởi công. Kêu cứu “khản cổ”, đến khi Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ, thì tiến độ Dự án bị hết hạn, doanh nghiệp lại phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư và bắt đầu lại từ đầu.
Oái oăm là, trong suốt “hành trình” trên, TP.HCM chưa xem xét giá trị tiền sử dụng đất mà Công ty Thuận Hưng đã tạm nộp vào ngân sách năm 1992 và doanh nghiệp lại tiếp tục kêu cứu...
“Thành bại trong cơ hội đầu tư còn bởi cơ quan chức năng. Kể từ ngày nhận hoán đổi đất, đến nay, sau 30 năm vẫn dở dang, Công ty Thuận Hưng không chỉ tan tành ‘thời’, mà còn đang đứng trước nguy cơ phá sản”, ông Lâm Trúc Nhỏ cay đắng.
Đừng “đứng chờ nhau”
Đây là căn bệnh “kinh niên”, gây lãng phí thời gian, công sức, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp và tài sản của Nhà nước. Ví dụ điển hình là Dự án Ngăn triều với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM.
Chỉ đến khi Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc tên dự án này để ví dụ về lãng phí (tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV), thì mới có sự quyết liệt “định danh, định rõ trách nhiệm, định thời hạn” của nhiều cơ quan liên quan: UBND TP.HCM ra văn bản yêu cầu đích danh các sở, ngành phải hoàn thành công việc theo đúng hạn; phân công đích danh Chủ tịch UBND TP.HCM theo dõi Dự án…
Nhưng trước khi Tổng Bí thư “dẫn chứng điển hình”, nhà đầu tư - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam BT 1547) đã “kêu” nhiều năm trời.
Dự án được khởi công giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành sau 2 năm, nhưng tới tháng 4/2018, chủ đầu tư phải tạm dừng thi công và “kêu cứu” về việc UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán về giá trị giải ngân của Dự án để ngân hàng thực hiện tái cấp vốn.
Năm 2020, Dự án tạm dừng lần thứ 2. Nhà đầu tư làm văn bản xin trả lại Dự án, do không gánh nổi chi phí phát sinh lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Đến cuối năm 2020, khi Dự án thi công đạt 90% khối lượng, Trung Nam BT 1547 công bố dừng lần thứ 3, bởi hết thời gian thực hiện hợp đồng, hết thời hạn giải ngân tái cấp vốn. UBND TP.HCM cho gia hạn hoàn thành Dự án đến năm 2023. Công trình tái khởi động, nhưng lại tiếp tục vướng thủ tục giải ngân.
Tháng 11/2023, Dự án được khởi động trở lại, rồi lại dừng cho tới nay, cũng do vướng mắc cũ chưa gỡ được.
Suốt hành trình trên, UBND TP.HCM nhiều lần “cầu cứu” và chờ Chính phủ gỡ vướng (lần gần nhất vào tháng 10/2024), bởi vướng mắc vượt khả năng giải quyết, như: chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi dẫn đến thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia; không có nguồn vốn để hoàn thành công trình, do ngân hàng không đủ cơ sở ký phụ lục hợp đồng tín dụng; chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), do tổng mức đầu tư Dự án có sự thay đổi, thời gian thực hiện đã hết …
Với các vướng mắc liên quan quy định pháp luật nói trên, các bộ, ngành cũng không thể giải quyết trong một sớm, một chiều.
“Đứng chờ nhau” như vậy, sau 7 năm triển khai Dự án, 4 lần dừng thi công, không chỉ một mình doanh nghiệp gánh hậu quả, mà với khoản lãi vay phát sinh mỗi ngày 1,73 tỷ đồng, tất nhiên, ngân sách sẽ phải chịu.
Câu chuyện “đứng chờ nhau” xảy ra ở rất nhiều nơi, nhiều dự án. Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Hằng trăm, hàng ngàn dự án ở địa phương được cấp cho doanh nghiệp, nhưng triển khai lại vướng, lại đứng chờ nhau. Tất cả do mình cả. Vậy ai làm được? Phải phối hợp, không đổ cho nhau hay chờ đợi nhau!”.
Đó cũng là mong mỏi của các doanh nghiệp.
Cần quyết liệt chống tham nhũng chính sách
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), tham nhũng chính sách là việc lạm dụng quyền lực để đưa ra, thay đổi hoặc duy trì các chính sách nhằm trục lợi cá nhân hoặc vì lợi ích nhóm. Cũng vì được “cài cắm” tinh vi, nên tham nhũng chính sách đặc biệt nguy hiểm, không chỉ làm suy giảm niềm tin của công chúng vào hệ thống chính trị và các cơ quan nhà nước, mà còn gây ra lãng phí và thất thoát.
Hình thái tham nhũng này không chỉ xuất hiện ở những vụ đại án như “Chuyến bay giải cứu”, “Việt Á”, “Sài Gòn Đại Ninh”, mà thậm chí trong cả các quy trình hành chính.
Minh chứng là kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ vừa công bố cuối năm 2024 về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế.
Giai đoạn từ ngày 15/6/2021 đến 30/11/2023, cơ quan liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu bổ sung thông tin, tài liệu ngoài danh mục thành phần hồ sơ; bổ sung hồ sơ về chủ trương cấp đất, địa điểm khu đất trong khi doanh nghiệp đã nộp; yêu cầu doanh nghiệp bổ sung, giải trình, hoàn thiện hồ sơ 3 lần, nhưng với nội dung yêu cầu các lần khác nhau.
“Việc yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ giấy tờ ngoài danh mục thành phần hồ sơ quy định (34 hồ sơ), gây bức xúc, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp phải đi lại, giải trình, bổ sung nhiều lần, tiềm ẩn nguy cơ sách nhiễu”, Thanh tra Chính phủ kết luận.
Còn tại Bộ Y tế, giai đoạn từ ngày 15/6/2021 đến ngày 30/11/2023, qua kiểm tra 20 thủ tục hành chính và 5 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Cục Quản lý dược, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý y dược cổ truyền, Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế, Thanh tra Chính phủ phát hiện đều có tình trạng yêu cầu doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngoài quy định, quá số lần quy định; yêu cầu bổ sung khi các quy định đã được bãi bỏ; yêu cầu bổ sung hồ sơ chứng minh các yếu tố cấu thành giá thuốc sai quy định pháp luật..., dẫn đến doanh nghiệp phải bổ sung, giải trình nhiều lần, nguy cơ tạo ra cơ chế xin cho.
Nhiều doanh nhân từng tâm sự rất thật lòng với phóng viên Báo Đầu tư rằng, họ rất sợ những quy định “cài cắm”. Doanh nghiệp kỳ vọng vấn nạn này được quyết liệt dẹp bỏ, để mang đến sự công bằng, để môi trường kinh doanh được minh bạch và để doanh nghiệp không bị biến thành “tội phạm cổ cồn trắng” nếu buộc phải tồn tại.
Chống tham nhũng mà không chống lãng phí, thì cũng chỉ mới giải quyết một nửa vấn đề
- TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
Lãng phí, không nhất thiết xuất phát từ động cơ vụ lợi, mà thường là do thiếu trình độ, thiếu trách nhiệm, hoặc cách làm việc hời hợt. Lãng phí thì diễn ra ở khắp mọi nơi. Sự “phá hoại” của lãng phí rất lớn. Lãng phí cản trở quá trình đổi mới đất nước, làm mất tiền bạc, phá hoại tài nguyên thiên nhiên và làm suy giảm lòng tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Chống tham nhũng mà không chống lãng phí, thì cũng chỉ mới giải quyết một nửa vấn đề.
Doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế
- Ông Lâm Trúc Nhỏ, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Hưng
Kể từ ngày nhận hoán đổi đất, đến nay, sau 30 năm vẫn dở dang, Công ty Thuận Hưng không chỉ tan tành ‘thời’, mà còn đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Trong thời khắc mới, chúng tôi chỉ mong mỏi, cơ quan chức năng cần phải thấy, doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế và cơ hội đầu tư của họ tạo nên xương sống đó.