Cuộc chiến chống Covid-19: Kiên quyết đóng cửa cơ sở y tế không đạt tiêu chuẩn

0:00 / 0:00
0:00
Làm sao để nâng cao năng lực, giữ vững trận địa nơi tuyến đầu là bài toán đặt ra với các cơ sở y tế.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)

Dưới góc nhìn của PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), có nhiều nội dung quan trọng, cấp bách mà các bệnh viện cần thực hiện để không vỡ trận.

Dịch bệnh bùng phát và lây lan phức tạp tại các bệnh viện, vậy có lỗ hổng nào trong quy trình kiểm soát, phân luồng, điều trị bệnh nhân thời gian qua tại đây không, thưa ông?

Trong cuộc chiến chống Covid-19, bệnh viện là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh. Ổ dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, theo báo cáo ban đầu của Bệnh viện, có thể nguồn lây từ cộng đồng. Tại Bệnh viện K, dịch bùng phát do có mối liên quan tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Một số bệnh viện khác bị cách ly y tế là do có bệnh nhân Covid-19 tới thăm khám và điều trị.

Qua quá trình thanh, kiểm tra quy trình khám chữa bệnh thời gian qua, tôi cho rằng, các bệnh viện đã làm khá tốt quy trình phòng chống dịch bệnh theo tiêu chí bệnh viện an toàn. Tuy vậy, diễn biến dịch trong nước đang rất nhanh, phức tạp và khó kiểm soát hơn so với các đợt trước, nên nguy cơ dịch thâm nhập vào các cơ sở y tế luôn thường trực.

Đặc biệt, nguy cơ Covid-19 thâm nhập vào các bệnh viện tuyến Trung ương (tuyến cuối) cao hơn rất nhiều, vì bệnh viện tuyến trung ương là nơi tiếp nhận bệnh nhân từ các địa phương chuyển lên.

Như ông vừa nêu, nguy cơ Covid-19 thâm nhập luôn thường trực. Vậy để ngăn chặn nguy cơ này, các cơ sở y tế cần có giải pháp gì?

Các cơ sở y tế phải có các thông báo từ cổng bệnh viện, tổ chức cách ly, phân luồng bệnh nhân và đặc biệt coi bệnh nhân đến đều là F0 để có các biện pháp phòng tránh phù hợp.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạn chế chuyển tuyến, chỉ chuyển bệnh nhân tới bệnh viện tuyến cuối khi có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của mình. Bệnh viện phải thông báo và thống nhất với bệnh viện tuyến cuối về việc chuyển người bệnh đến trước khi chuyển tuyến.

Bệnh viện phải thực hiện phương châm 4 tại chỗ, trong đó có phương án mở rộng cơ sở điều trị, huy động nguồn lực để kịp thời ứng phó: nhân lực, phương tiện phòng hộ cá nhân, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu.

Bệnh viện thực hiện giãn cách trong các cơ sở khám, chữa bệnh; hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết. Rà soát bố trí khoa, phòng; quy trình khám, chữa bệnh hợp lý..., không để người bệnh phải nằm ghép. Bảo đảm thông khí tự nhiên trong buồng bệnh, khoa, phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

Để kiểm tra, giám sát các cơ sở thực hiện, Bộ Y tế có biện pháp gì nhằm tránh “trên nóng, dưới lạnh”, thưa ông?

Không phải khi dịch bùng phát chúng tôi mới tiến hành thanh, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở y tế, mà liên tiếp thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều đoàn công tác tới các bệnh viện để kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm (nếu có).

Chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ Y tế đã kiểm tra hơn 10 bệnh viện để đôn đốc các bệnh viện thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19. Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều văn bản, công điện đôn đốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương với thông điệp “Tất cả các bệnh viện ở Việt Nam nâng mức độ cảnh báo, cảnh giác lên mức cao nhất để phòng chống dịch Covid-19”.

Trong làn sóng dịch phức tạp lần này, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống Covid-19. Bộ Y tế kiên quyết đóng cửa, tạm dừng hoạt động những cơ sở không đạt tiêu chuẩn; xem xét xử lý kỷ luật các cơ sở không chấp hành quy định.

Ngoài ra, các bệnh viện có xuất hiện ca bệnh Covid-19 sẽ dừng tiếp nhận bệnh nhân để sàng lọc và phát hiện sớm các ca nhiễm trong bệnh viện.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, Bộ Y tế đã áp dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa (telehealth) để giúp y tế tuyến cơ sở điều trị những ca bệnh lâu nay thường điều trị ở tuyến Trung ương.

Virus SARS-CoV-2 với biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh, vậy công tác xét nghiệm, điều trị bệnh nhân phải thay đổi ra sao?

Trong đợt dịch này, chủng virus được tìm thấy ở một số trường hợp mắc Covid-19 là biến thể mới ở Ấn Độ và Anh, nên tốc độ lây lan rất nhanh, diễn biến sẽ phức tạp, gây nhiều khó khăn trong công tác điều trị.

Qua theo dõi các chùm ca bệnh, có thể thấy, tốc độ lây nhiễm dịch rất nhanh. Có những người mới tiếp xúc ca bệnh 1-2 ngày đã có triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, nồng độ virus trong dịch họng hầu đã nhân lên đủ để xét nghiệm dương tính.

Hơn nữa, từ một số ca bệnh cho thấy, tỷ lệ biến chứng liên quan đến phổi khá cao, một số bệnh nhân những ngày đầu bệnh diễn tiến nhẹ, nhưng mức độ nặng đã tăng vào những ngày sau đó.

Về công tác xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc để kịp thời khoanh vùng dập dịch.

Các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh tiếp tục rà soát, củng cố năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để đáp ứng với các tình huống dịch. Trường hợp cần thiết, có thể linh hoạt các hình thức xét nghiệm như xét nghiệm gộp mẫu để giảm bớt thời gian.

Việc chủ động trong công tác xét nghiệm tại các bệnh viện giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh. Đây là một trong những biện pháp nhằm phòng chống Covid-19, đảm bảo xét nghiệm chính xác, nhanh chóng phát hiện ca bệnh, từ đó tiến hành cách ly, tập trung điều trị, khoanh vùng dập dịch tại chỗ.

Tin bài liên quan