Mức lãi suất hiện được đánh giá là hợp lý để vay vốn mua nhà - Ảnh: Lê Toàn

Mức lãi suất hiện được đánh giá là hợp lý để vay vốn mua nhà - Ảnh: Lê Toàn

“Cuộc chiến” cho vay mua nhà!

(ĐTCK) Cùng với gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại đang mạnh tay “rót” mạnh vốn cho phân khúc khách hàng cá nhân có nhu cầu về nhà ở thực sự. Đặc biệt, trước dự báo phân khúc căn hộ có giá trung bình sẽ tiếp tục ấm lên, trong khi tín dụng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nên trong chiến lược hoạt động thời gian qua và cả sắp tới, các nhà băng tiếp tục tung nhiều gói tín dụng mua, sửa chữa nhà.
 

Nở rộ gói cho vay

Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36, trong đó có giảm hệ số rủi ro đối với các khoản nợ khó đòi ở lĩnh vực bất động sản từ 250% xuống mức thông thường 150% và tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 30% lên 60% là điều kiện tốt để đẩy mạnh cho vay bất động sản, nhất là với tín dụng cho vay mua nhà.

Chiến lược phát triển tín dụng của các ngân hàng thương mại trong năm 2015 là tập trung đẩy mạnh cho vay phân tán, trong đó phải kể đến nhóm cá nhân có nhu cầu vốn mua nhà. Trên thực tế, sản phẩm tín dụng tiêu dùng vẫn tập trung chủ yếu vào khách hàng cá nhân có nhu cầu vay sửa chữa và mua căn hộ.

Chẳng hạn, tại VietBank, với sản phẩm cho vay tiêu dùng, trong đó có cho cá nhân vay mua, sửa chữa nhà, Ngân hàng cho biết, hạn mức vốn cấp cho mỗi khách hàng lên đến 500 triệu đồng. Theo ông Dương Nhất Nguyên, Phó tổng giám đốc VietBank, kiên trì với định hướng bán lẻ, đa năng, sản phẩm cho vay mua nhà đã và đang được VietBank đẩy mạnh, dư nợ tín dụng mảng này cũng tăng khá cao trong thời gian qua.

Trả lời Đầu tư Bất động sản, ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, mức cho vay mua nhà thông thường tại Ngân hàng hiện là 70% giá trị căn hộ/căn nhà mua, trong thời hạn cho vay bình quân từ 10 - 15 năm. Ngoài sản phẩm tín dụng an cư và cho vay mua bất động sản theo chính sách chung, Nam A Bank đang có gói ưu đãi khi khách hàng mua căn hộ tại Dự án SaigonLand (tọa lạc trên đường D2 - Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. HCM).

Dư nợ cho khách hàng cá nhân vay mua nhà tại Nam A Bank đến cuối năm 2014 chiếm khoảng 26% tổng dư nợ cho vay cá nhân của Ngân hàng, nhưng nợ xấu trong mảng này chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nợ xấu Nam A Bank. Theo đánh giá của ông Tâm, tín dụng nhà ở tăng trưởng ổn định và có xu hướng phát triển tốt trong 2015. Một phần là do lãi suất cho vay nói chung và cho vay mua nhà nói riêng đã giảm khá mạnh, xoay quanh mức 10%/năm, cộng với giá bán nhà, căn hộ cũng dần hợp lý hơn.

“Tôi nghĩ đây là thời điểm khá thuận lợi để mua nhà, tất nhiên là mua để ở chứ không phải đầu cơ. Chúng tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, tín dụng nhà ở sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt”, ông Tâm nói và cho rằng, đa phần khách hàng vay mua nhà quan tâm lớn nhất đến lãi suất. Do trong thời gian dài vừa qua, nhất là giai đoạn nền kinh tế trải qua giai đoạn khó khăn, lãi suất tăng đột biến trong giai đoạn 2009 - 2012 lên 20 - 22%/năm, nên cá nhân có nhu cầu vốn mua nhà cũng không dám vay. Đến nay, tình hình kinh tế đã tương đối ổn định, lạm phát được kiểm soát, thanh khoản các ngân hàng tốt, thì việc giữ lãi suất cho vay ở mức hợp lý là việc các ngân hàng có thể đảm bảo, nên khách hàng có thể yên tâm vay mua nhà.

Cơ cấu khách hàng cá nhân hiện chiếm tỷ trọng 90% trong tổng cơ cấu khách hàng tại Nam A Bank. Đây là lượng lớn khách hàng để Nam A Bank phát triển tín dụng. Tuy nhiên, theo ông Tâm, để hạn chế rủi ro,, Nam A Bank chỉ cho vay mua căn hộ trong các dự án có liên kết, lãi suất từ 9,9%/năm.

HDBank cũng được xem là một trong những ngân hàng nỗ lực “rót” vốn vào bất động sản tiêu dùng trong thời gian qua khi nhà băng này đã liên kết với nhiều dự án, với kỳ vọng kích được tín dụng an cư. Thậm chí, HDBank còn đưa ra chính sách lãi suất ưu đãi bằng 0 để thu hút khách hàng vay vốn mua nhà. Cụ thể, HDBank hỗ trợ lãi vay 0%/năm sở hữu ngay nhà dành cho khách hàng mua căn hộ trong Dự án Ehome 5 - Block A tại Tân Thuận Đông, quận 7, TP. HCM cho đến thời điểm 31/12/2015. Mới đây, HDBank cũng đã đưa ra chương trình tín dụng “phát lộc” cho cá nhân vay tối thiểu đến 500 triệu đồng, tối đa 2 tỷ đồng sử dụng cho mục tiêu mua bất động sản đến 10 - 15 năm.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho hay, mục tiêu của Ngân hàng là đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an cư, nên trong 2015, HDBank tiếp tục xây dựng nhiều gói tín dụng trong phân khúc này. 

Lãi suất đã thực rẻ?

Mặc dù cuộc chiến giành thị phần tín dụng cho vay mua nhà giữa các ngân hàng ngày một quyết liệt khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm, còn phân khúc nhà ở có dấu hiệu ấm lên tạo cơ hội rót vốn, song lãi suất ưu đãi của các nhà băng đưa ra cũng chỉ trong thời gian ngắn 3 - 6 tháng và sau đó tăng lên.

Trong khi đó, khách mua nhà ở thực cần chính sách lãi suất ưu đãi ổn định ít nhất 2 - 3 năm. Vì thế, khách hàng cá nhân có nhu cầu vốn với mục đích này tỏ ra khá thận trọng trước các gói tín dụng ưu đãi lãi suất của ngân hàng. Đơn cử tại Techcombank, cho cá nhân vay mua căn hộ tại một dự án lớn mới mở bán với lãi suất chỉ từ 4,99%/năm; thời gian ân hạn lên đến 24 tháng; miễn phí phí trả nợ trước hạn; thời gian cho vay lên đến 20 năm. Tuy nhiên, mức lãi suất ưu đãi trên chỉ được nhà băng này ưu đãi trong 1 năm đầu giải ngân.

Sacombank có chương trình đưa ra thêm 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho vay khách hàng cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu mua, xây, sửa chữa bất động sản, mua ô tô hoặc nhu cầu tiêu dùng từ nay đến ngày 30/6/2015. Trong đó có 2.000 tỷ đồng dành cho vay mục đích mua, xây, sửa chữa bất động sản. Khách hàng có thể vay đến 100% nhu cầu với thời hạn vay lên đến 20 năm. Lãi suất ưu đãi từ 6,88%/năm, nhưng chỉ cố định lãi suất trong 6 tháng đầu.

Trong năm 2014, Sacombank đã triển khai hơn 5.000 tỷ đồng phục vụ cho vay mua nhà. Lãi suất gói ưu đãi vay/mua/sửa chữa bất động sản chỉ được Ngân hàng áp dụng với mức 6,88%/năm cố định trong 6 tháng hoặc 8%/năm cố định suốt 12 tháng.

Hay tại HDBank, với gói tín dụng “phát lộc” vừa đưa ra, mức lãi suất cho vay chào khá cạnh tranh, 3,8%/năm, nhưng cũng chỉ được áp dụng trong 6 tháng đầu giải ngân.

Trong khi đó, OCB, VIB cũng tung ra gói ưu đãi lãi suất cho vay mua nhà với thời gian ưu đãi kéo dài hơn lên đến 36 tháng. Tuy nhiên, mức lãi suất ưu đãi này có phần cao hơn. Cụ thể, OCB cho vay mua nhà lãi suất 9,99%/năm.

Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng cá nhân OCB cho rằng, việc đưa ra chính sách trên là để khách hàng không phải lo ngại việc tăng lãi suất sau thời gian khuyến mãi hoặc sau 1 năm sẽ áp dụng lãi suất thả nổi. Tuy nhiên, nếu vay ngắn hạn từ 12 tháng trở xuống, lãi suất OCB áp dụng là 10,5%/năm; từ trên 12 - 24 tháng, cố định năm thứ nhất 9,5%/năm; từ 24 tháng trở lên, cố định năm thứ nhất 9%/năm. Còn nếu vay từ 48 tháng trở lên, khách hàng có thêm một chọn lựa đó là lãi suất cố định 9,99% trong 3 năm (36 tháng) đầu.

Mặc dù vậy, cũng cần phải nhìn nhận, hiện lãi suất đã trở về thời kỳ năm 2006 - 2007 với mức khá hợp lý, giảm gần 2/3 so với thời kỳ cao nhất, đồng thời nếu trừ lạm phát thì lãi suất hiện không còn lớn. Nếu khách hàng có nhu cầu thực mua nhà tính toán vay ở mức hợp lý với thu nhập thì đây là thời điểm có thể gõ cửa ngân hàng.

Ông Dương Nhất Nguyên cho rằng, hiện lãi suất cho khách hàng cá nhân vay mua nhà đã giảm đáng kể so với 3 năm trước đây và chỉ còn dao động trong khoảng 9 - 10%/năm. Mức lãi suất này, theo ông Nguyên là phù hợp giữa quyền lợi của khách hàng và ngân hàng. Tại VietBank, lãi suất cho cá nhân vay mua nhà cũng chỉ còn 7,5%/năm trong 6 tháng đầu và thay đổi sau đó, nhưng biên độ dao động chỉ 3 - 4%.

“Với mức lãi suất này là đã hợp lý để các khách hàng cá nhân có thể tính đến việc vay vốn mua nhà ở. Và khả năng lãi suất sẽ còn điều chỉnh giảm thêm chút ít trong thời gian tới, khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Đây cũng là điều kiện tốt cho ngân hàng đẩy tín dụng bất động sản trong năm nay”, ông Nguyên nói. 

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan