Cuộc bình chọn BCTN năm 2015 chính thức khởi động

Cuộc bình chọn BCTN năm 2015 chính thức khởi động

(ĐTCK) Cuối tuần qua, tại TP. HCM đã diễn ra cuộc họp báo chính thức khởi động Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (BCTN) năm 2015. Đối tượng được bình chọn là BCTN hợp lệ của các doanh nghiệp niêm yết trên cả sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) và Hà Nội (HNX), để chọn ra Top 10, Top 30 và Top 50 doanh nghiệp có BCTN tốt nhất.

Sẽ chỉ có một giải xuất sắc nhất cho BCTN có nội dung vượt trội cả về nội dung và hình thức trình bày. Cuộc bình chọn không có phần thưởng bằng hiện kim, mà nhằm tôn vinh các doanh nghiệp làm tốt BCTN, một kênh quan trọng để cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch trên TTCK. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Cuộc bình chọn được HOSE và Báo ĐTCK phối hợp tổ chức với sự tài trợ độc quyền của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, sự tham gia của HNX, IFC cùng một số tổ chức uy tín khác.

Cuộc bình chọn BCTN năm 2015 tiếp tục duy trì những tiêu chí đánh giá cơ bản là chuẩn mực, minh bạch, chuyên nghiệp và sáng tạo dựa trên cách thức doanh nghiệp công khai thông tin chứ không căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cuộc Bình chọn BCTN năm 2015 vẫn dành 75 điểm cho nội dung và 25 điểm cho hình thức trình bày báo cáo. Tiêu chí chấm điểm bám sát Thông tư 52/2012/TT-BTC hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK và có điểm cộng cho các BTCN thực hiện theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Điểm mới nổi bật của cuộc bình chọn năm nay là tiêu chí chấm vòng sơ khảo khắt khe hơn. Ban tổ chức quyết định loại BCTN của những doanh nghiệp niêm yết rơi vào một trong các trường hợp sau: doanh nghiệp vi phạm quy định về công bố thông tin từ hình thức nhắc nhở trên toàn thị trường trở lên tính từ 1/1/2014 đến thời điểm xét trao giải; các doanh nghiệp có BCTC kiểm toán năm 2014 có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán. Những lỗi này chỉ bị trừ điểm nặng trong bình chọn các năm trước.

Đặc biệt năm nay, Hội đồng bình chọn có sự tham gia của đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và đại diện Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam bên cạnh các thành viên thường niên đến từ HOSE, HNX, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Đại học Kinh tế TP. HCM và Báo ĐTCK.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường cho biết: “Qua việc bình chọn hàng năm, giúp cơ quan quản lý nhận thức và có thông tin để hoàn thiện khung pháp lý trên TTCK. Đây là điều chúng tôi cám ơn từ cuộc thi. Chúng tôi cũng đánh giá rất cao tiêu chí bình chọn, đó là tính minh bạch, chuyên nghiệp và tập trung vào quản trị rủi ro”.

Cuộc bình chọn BCTN năm 2015 cũng sẽ tiếp tục bình chọn và trao giải cho BCTN có nội dung quản trị công ty tốt.

Tiếp nối hai mùa giải trước, giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững (Sustainability Reporting Awards - SRA) sẽ tiếp tục được duy trì với sự hỗ trợ của nhóm chấm đến từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA), nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin về vấn đề liên quan đến môi trường và xã hội, cũng như nâng cao nhận thức về phát triển bền vững gắn với trách nhiệm môi trường và xã hội. Năm 2015, Giải thưởng SRA hứa hẹn sẽ tiếp tục có thay đổi về chất do các doanh nghiệp, tập đoàn lớn ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững và muốn ghi điểm với nhà đầu tư, cổ đông đối tác ở chiến lược phát triển bền vững.

Hạn chót doanh nghiệp nộp BCTN năm nay là ngày 21/4/2015. Hơn 700 BCTN của doanh nghiệp niêm yết trên cả hai Sở được chấm sơ khảo để chọn ra khoảng 100 báo cáo tốt nhất vào vòng chấm chung khảo. Vòng sơ khảo cuộc bình chọn sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5/2015. Vòng chung khảo sẽ được chấm trực tiếp bởi các thành viên trong Hội đồng.

“BCTN chấm về chất lượng báo cáo, chứ không căn cứ vào kết quả kinh doanh”

Cuộc bình chọn BCTN năm 2015 chính thức khởi động ảnh 1

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Cuộc bình chọn BCTN 2015

Cuộc bình chọn BCTN qua từng năm đã đạt những bước tiến và kết quả rất cụ thể. Năm nay, Ban tổ chức rất cám ơn UBCK đã cử đại diện tham gia vào Hội đồng bình chọn. Sau các cuộc bình chọn, từ chỗ làm chưa đúng với quy định, DN đã làm đúng với quy định của Nhà nước về công bố thông tin trong BCTN. Từ chỗ làm đúng quy định, một số công ty đã vươn tới một tầm cao hơn đó là làm các BCTN có chất lượng đạt chuẩn mực quốc tế. Từ chỗ chỉ xây dựng một BCTN thuần tuý, nay đã có những DN đi tiên phong xây dựng báo cáo phát triển bền vững.

Cuộc bình chọn này chấm chất lượng BCTN chứ không căn cứ vào kết quả kinh doanh để bình chọn, nhưng có một mối tương quan lớn khi phần lớn những DN đạt giải cao nhiều năm đều là những DN tăng trưởng tốt, bền vững, thu hút được vốn đầu tư trên TTCK.

“Cuộc bình chọn BCTN ngày càng phát triển về chiều sâu”

Cuộc bình chọn BCTN năm 2015 chính thức khởi động ảnh 2

Bà Phan Thị Tường Tâm, Tổng giám đốc HOSE,Trưởng Ban Tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng bình chọn 

Cuộc bình chọn BCTN ngày càng phát triển về chiều sâu, đòi hỏi Ban tổ chức và Hội đồng bình chọn làm việc ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Rút kinh nghiệm sau mỗi năm, tiếp thu ý kiến phản hồi từ các DN niêm yết, thành viên thị trường, chúng tôi luôn có sự đổi mới trong tổ chức để nâng cao chất lượng bình chọn, đồng thời nâng dần mức độ khó của tiêu chuẩn bình chọn để thúc đẩy DN tiến bộ hơn trong công tác làm BCTN nói riêng cũng như công bố thông tin nói chung.

“BCTN có sự phân hóa lớn về chất lượng”

Cuộc bình chọn BCTN năm 2015 chính thức khởi động ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc HNX 

Chất lượng BCTN có thể chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất: làm rất sơ sài, chủ yếu bám vào Thông tư 52 theo đề mục và không phân tích. Đọc những BCTN này tôi thấy DN vẫn chưa nhận thức BCTN là một kênh thông tin cho các NĐT.

Cũng có thể đó là những DN ở vùng xa, chưa được đào tạo nhiều về cách làm BCTN. Đây là vấn đề còn bỏ ngỏ cho Sở GDCK, các ban ngành quản lý khi đào tạo về kiến thức quản trị công ty cũng như tuân thủ các quy định, sẽ có những hướng dẫn thêm cho DN về làm BCTN để DN thực hiện nghĩa vụ có trách nhiệm hơn.

Nhóm thứ hai, nhóm giữa, tôi thấy là họ có nêu đầy đủ thông tin hơn nhưng ít khi phân tích và thường về đánh giá công việc của Ban tổng giám đốc hay HĐQT, về nguy cơ rủi ro.

Các DN cũng ít khi phân tích về định hướng, chiến lược dài hạn, chỉ có kế hoạch cho năm tới. Nhóm thứ ba, BCTN tương đối tốt, nhưng vẫn cần tiếp tục đi vào chiều sâu thông tin của từng nội dung.

“NĐT là một thành phần trong yếu tố xã hội mà DN cần thể hiện trách nhiệm”

Cuộc bình chọn BCTN năm 2015 chính thức khởi động ảnh 4

Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển Kinh doanh, Công ty Dragon Capital

Khi quyết định đầu tư vào một DN, chúng tôi nhìn vào chỉ số tài chính và các chỉ số phi tài chính - là ảnh hưởng của DN đối với xã hội, môi trường. Chúng tôi tin rằng, các DN có quản trị tốt, họ có nền tảng để thực hiện minh bạch cao, tiến bộ và có trách nhiệm cao đối với môi trường, xã hội. NĐT được hiểu là một thành phần trong yếu tố xã hội mà DN cần thể hiện trách nhiệm, như việc làm tốt BCTN.

Trong 8 năm, từ những ngày đầu chất lượng BCTN còn chưa đáp ứng được các quy định về công bố thông tin, thì hiện tại đã tăng lên đáng kể, mặc dù nhiều BCTN mới dừng ở mức độ đủ và đúng quy định. Chất lượng BCTN cần gần hơn với thông lệ quốc tế, bởi vậy cuộc bình chọn đưa vào các giải về quản trị DN và phát triển bền vững. Mong muốn của chúng tôi là dần tuyên truyền để DN có ý thức nâng cao chất lượng BCTN, coi đó là trách nhiệm gắn với quyền lợi. Thời gian tới, có thể sẽ tổ chức các buổi hội thảo, để DN tiếp cận với các tiêu chí cao hơn, những quy định cơ bản về nội dung BCTN.

“Báo cáo phát triển bền vững là một xu hướng mới trên thế giới”

Cuộc bình chọn BCTN năm 2015 chính thức khởi động ảnh 5

  Ông Tô Vỹ Hùng, thành viên ACCA

Đa số DN làm BCTN có phần phát triển bền vững, nhưng mới chỉ chung chung, chưa chi tiết về mục phát triển bền vững. Trong khi SRA là một xu hướng mới trên thế giới, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, do tính chất phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư, chiến lược, sách lược của Ban giám đốc. DN Việt Nam mới bắt đầu quan tâm đến phát triển bền vững, nên hoạt động còn mang tính đơn lẻ, thường được gộp chung vào BCTN.
Một số công ty lớn lập được SRA riêng biệt có chất lượng vượt trội, theo chuẩn mực thế giới. Trong quá trình chấm, Hội đồng bình chọn đã ghi nhận điểm yếu của SRA là ít phân tích lợi ích của các bên liên quan đến hoạt động của DN và xác định các yếu tố trọng yếu, trong rất nhiều yếu tố bên ngoài. Đó là hai yếu tố cơ bản của SRA.
Tin bài liên quan