Sau 3 cuộc tranh luận trên truyền hình, giới đầu tư dường như đã đặt cược vào thắng lợi cho ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, nên có những phiên tăng ấn tượng. Tuy nhiên trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức diễn ra 10 ngày, FBI bất ngờ công bố mở lại cuộc điều tra về bê bối mail của bà Clinton, tạo cơ hội cho ông Trump rút ngắn cách biệt, thậm chí có lúc vươn lên trong các cuộc tranh luận.
Với tính khí thất thường, việc ông Trump có khả năng trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, theo giới phân tích, thị trường tài chính toàn cầu sẽ xảy ra khủng hoảng giống như Brexit hồi tháng 6 năm nay (sự kiện Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu).
Ngay sau khi FBI công bố mở lại cuộc điều tra với bà Clinton đã khiến giới đầu tư lo sợ, nên đồng loạt bán tháo trên thị trường chứng khoán để chuyển sang kênh đầu tư an toàn hơn là vang. Do đó, phố Wall đã liên tiếp có những phiên giảm điểm. Đà giảm tiếp tục diễn ra trong phiên cuối tuần qua, khiến S&P 500 và Nasdaq có 9 phiên giảm liên tiếp và đây là chuỗi giảm liên tiếp dài nhất của S&P 500 trong 35 năm qua. Trong khi Dow Jones dù khá hơn nhờ sự hỗ trợ từ kết quả kinh doanh của một số tập đoàn lớn, nhưng cũng có 7 phiên giảm liên tiếp.
Kết thúc phiên 4/11, chỉ số Dow giảm 42,39 điểm (-0,24%), xuống 17.888,28 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,48 điểm (-0,17%), xuống 2.085,18 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 12,04 điểm (-0,24%), xuống 5.046,37 điểm.
Ảnh hưởng từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã khiến phố Wall có trọn tuần giảm điểm và khiến Dow Jones có tuần giảm trở lại, trong khi S&P 500 và Nasdaq tiếp tục có tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 1,50%, chỉ số S&P 500 giảm 1,94% và chỉ số Nasdaq giảm 2,77%.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoài nỗi lo chung về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, còn chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu dược sau thông tin các nhà lập pháp Mỹ mở cuộc điều tra chống độc quyền, nên đà giảm của các chỉ số chứng khoán châu Âu giảm mạnh hơn nhiều phố Wall trong phiên cuối tuần.
Cụ thể, các nhà lập pháp Mỹ kêu gọi một cuộc điều tra xem liệu Sanofi, Eli Lilly, Merck và Novo Nordisk có thông đồng với nhau để ấn định giá đối với insulin và thuốc tiểu đường khác. Sau thông tin này, cổ phiếu Sanofi giảm 1%, còn Novo Nordisk giảm 3,2%.
Trong khi đó, cổ phiếu Hikma có mức giảm mạnh nhất khi mất 6,8% sau khi HSBC cắt giảm mục tiêu giá của cổ phiếu này với lý do lo ngại về việc Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra độc lập về việc thông đồng giá trên thị trường dược phẩm.
Kết thúc phiên 4/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 97,25 điểm (-1,43%), xuống 6.693,26 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 66,75 (-0,65%), xuống 10.259,13 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 34,22 điểm (-0,78%), xuống 4.377,46 điểm.
Với phiên giảm cuối tuần, các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng có trọn 1 tuần giảm điểm, với mức giảm cả tuần rất mạnh. Cụ thể, tuần qua, chỉ số FTSE 100 giảm 4,33%, chỉ số DAX giảm 4,09% và chỉ số CAC 40 giảm 3,76%.
Cũng bị ảnh hưởng từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào thứ Ba này, cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản giảm, kéo chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh trong phiên cuối tuần qua, xuống mức thấp nhất 2 tuần rưỡi.
Cũng có mối lo tương tự, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục có phiên giảm điểm trong phiên cuối tuần, xuống mức thấp nhất 2 tháng rưỡi. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng điều chỉnh giẩm nhẹ trong phiên cuối tuần qua.
Kết thúc phiên 4/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 229,32 điểm (-1,34%), xuống 16.905,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 40,89 điểm (-0,18%), xuống 22.642,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng giảm 3,86 điểm (-0,12%), xuống 3.125,08 điểm.
Cũng như chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á cũng giảm mạnh trọng tuần qua, ngoại trừ chứng khoán Trung Quốc tiếp tục duy trì tuần tăng thứ 4 liên tiếp nhờ dữ liệu kinh tế trong nước khả quan, Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,10%, gần như trả lại hết mức tăng 3,50% của tuần trước đó, còn chỉ số Hang Seng tiếp tục giảm 1,36% sau khi giảm 1,20% trong tuần trước đó, trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng 0,64% duy trì đà tăng 1,35% của tuần trước đó.
Trong khi chứng khoán liên tiếp giảm điểm, thì giá vàng lại đang hưởng lợi từ sự hoang mang của nhà đầu tư do tác động từ những diễn biến mới của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong phiên cuối tuần, dù điều chỉnh nhẹ trong phiên châu Á,nhưng giá vàng đã đi lên trong phiên giao dịch châu Âu và phiên Mỹ cuối tuần trước, chốt tuần tăng nhẹ và là phiên tăng thứ 8 trong 9 phiên gần đây.
Kết thúc phiên 4/11, giá vàng giao ngay tăng 1,8 USD (+0,14%), lên 1.304,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 1,9 USD (+0,15%), lên 1.305,2 USD/ounce.
Với chỉ 1 phiên điều chỉnh nhẹ trong tuần, giá vàng tiếp tục có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với biên độ tăng tốt hơn tuần trước đó. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 2,3%và giá vàng giao tháng 12 cũng tăng 2,29%. Trong tuần trước đó, giá vàng đã có mức tăng 1,95%.
Với những diễn biến khó lường của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào thứ Ba này, cả giới đầu tư và phân tích đều đặt niềm tin vào giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần này. Cụ thể, trong cuộc thăm dò của Kitco, trong 17 nhà phân tích và môi giới trả lời, có tới 11 người, chiếm tới 65% cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần này, cao hơn con số 56% của tuần trước, trong khi dự báo giá vàng giảm hoặc đi ngàng cùng chỉ có 3 người, chiếm 18%.
Tương tự, trong số 507 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, có 363 người, chiếm 72% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, cao hơn nhiều so với 44% của tuần trước đó, trong khi có 102 người, chiếm 20% dự báo giảm và số người dự báo giá vàng đi ngang hoặc có quan điểm trung lập là 42 người, chiếm 8%.
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần, đánh dầu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng Giêng sau khi một thỏa thuận về giảm sản lượng của OPEC khó có khả năng đạt được khi Iran và Ả Rập Xê út căng thẳng với nhau về việc này.
Kết thúc phiên 4/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,59 USD/thùng (-1,34%), xuống 44,07 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,77 USD (-1,69%), xuống 45,58 USD/thùng.
Trái ngược với giá vàng và cùng chiều với chứng khoán, thông tin về kho dự trữ tăng kỷ lục của Mỹ và nghi ngờ về thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC khiến giá dầu có tuần giảm tồi tệ và cũng là tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 9,51% sau khi đã giảm 3,28% trong tuần trước, giá dầu thô Brent cũng giảm 8,31% sau khi đã giảm 4,31% trong tuần trước đó.