Cung vượt cầu, giá dầu khó đảo chiều

Cung vượt cầu, giá dầu khó đảo chiều

(ĐTCK) Cuộc họp giữa Ả Rập Xê út và Nga với kết quả là thỏa thuận hạn chế nguồn cung dầu mỏ ra thị trường đang làm dấy lên hy vọng về những động thái mới sẽ cứu vãn giá dầu trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn vào cục diện hiện nay, rất khó để có hy vọng lạc quan.

Ả Rập Xê út, Nga, Venezuela và Qatar kỳ vọng sẽ thuyết phục Iran tạm ngưng khai thác dầu thô nhưng giới quan sát cho rằng, nhiều khả năng các bên sẽ chỉ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Sau khi lệnh cấm vận Iran được nới lỏng, quốc gia này đang khao khát thể hiện năng lực vượt trội về dầu mỏ sau nhiều năm buộc phải lặng lẽ. Ngay cả Ả rập Xê út, vốn đã đồng ý hạn chế sản lượng, cũng được nhận định rằng không thực sự thoải mái với quyết định tạm ngưng bơm dầu.

Chúng ta cần nhìn lại xuyên suốt một quá trình để thấy rằng, cuộc chiến giá dầu không hề đơn giản và các thông số đều tỏ ra chống lại những nỗ lực nâng giá. Năm 2015, động thái nổi bật và chủ đạo trên thị trường dầu thô thế giới vẫn là tình trạng cung vượt cầu. Giá cả lúc tăng, lúc giảm và tính đến nay, giá dầu thô toàn cầu đã sụt giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể kể tới các nguyên nhân khiến giá dầu thấp và có xu hướng giảm bao gồm: triển vọng tích cực từ kinh tế Mỹ và đà tăng giá trở lại của đồng USD; sự gia tăng của sản lượng dầu đá phiến; kỳ vọng tăng nguồn cung từ việc đạt được thỏa thuận hạt nhân và sự tham gia trở lại của Iran trên thị trường dầu mỏ thế giới.

Bên cạnh đó, sự kiên quyết (dù có những bất đồng nội bộ) trong việc duy trì sản lượng khai thác của OPEC cũng là nguyên nhân chủ chốt khiến nguồn cung vượt trội so với nhu cầu. Tổng sản lượng của 12 thành viên khối OPEC là 31,72 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng dầu thô khai thác của thế giới.

Năm 2015, Ả Rập Xê út với mức sản xuất khoảng 10,19 triệu thùng dầu/ngày đã vượt Nga (sản xuất 10,12 triệu thùng/ngày) trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới và vẫn tiếp tục tăng sản lượng dầu thô, cũng như áp dụng các mức giá ưu đãi cho khách hàng nhằm gia tăng thị phần của mình trên thị trường thế giới.

Trong thời gian trước mắt, như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa cảnh báo, giá dầu sẽ còn chịu áp lực giảm do khí hậu toàn cầu ấm lên, ngày một nhiều nguồn năng lượng sạch được sản xuất ra và các thiết bị tiết kiệm năng lượng được sử dụng, nền kinh tế của Trung Quốc và nhiều nước mới nổi đang chững lại, khiến nhu cầu tiêu thụ giảm xuống.

Trong khi đó, diễn biến các cuộc họp trước đây của OPEC cho thấy, ẩn sâu trong nội bộ tổ chức là những bất đồng sâu sắc. Cuộc họp tại Vienna (Áo) hồi cuối năm 2015, OPEC đã bất đồng về việc cắt giảm sản lượng dầu khi một số quốc gia thành viên kiên quyết giữ nguyên hoặc tăng sản lượng.

Trong cuộc họp không chính thức của các Bộ trưởng OPEC diễn ra tháng 12/2015 tại Áo, Iran vẫn khẳng định sẽ tăng sản lượng dầu vào năm 2016 ngay sau khi các lệnh cấm vận của phương Tây được dỡ bỏ. Trước đó, Ả Rập Xê út đã từ chối cắt giảm sản lượng với lập luận, các quốc gia xuất khẩu dầu lớn khác ngoài OPEC như Nga và Mexico cũng phải cắt giảm sản lượng.

Theo dự báo mới nhất của IEA, mức tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2016 trung bình là 96 triệu thùng/ngày. Trong khi sản lượng trên toàn cầu đã đạt 97 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2015.

Từ nay đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tăng dưới 1%, và ước chỉ tăng 5% trong 2 thập kỷ tới (nhu cầu dầu của thế giới sẽ không đạt ngưỡng 103,5 triệu thùng/ngày cho đến năm 2040, chưa kể, đến năm 2040, nhu cầu dầu của nhóm nước công nghiệp có trình độ phát triển cao như Mỹ, Nhật và nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu sẽ giảm khoảng 10 triệu thùng/ngày); tức nhu cầu thấp hơn so với mức cần thiết để đẩy giá dầu hồi phục từ mức thấp hiện nay.

Tuy nhiên, hiện có nhiều quan điểm kỳ vọng rằng, dù xu hướng cung vượt qua cầu vẫn tiếp tục trong năm 2016, nhưng sẽ dần cân bằng hơn, giá cả ổn định và tăng nhẹ. Theo đó, giá xăng dầu thấp như vừa qua khó kéo dài bởi tính phi kinh tế, khi giá bán ra dưới giá thành sản xuất trung bình thế giới, vào khoảng 30-70 USD/thùng với công nghệ truyền thống và 60-100 USD với công nghệ khai thác dầu đá phiến.

Hơn nữa, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ sớm có sự cải thiện đối với quan hệ căng thẳng và cấm vận kinh tế không bình thường hiện nay giữa các nước Mỹ, Nga, khu vực EU và Ucraina. Dù Iran sẽ nỗ lực tăng xuất khẩu dầu nhờ được nới lỏng trừng phạt, song tổng lượng cung cũng khó tăng do có thể OPEC sẽ cắt giảm sản lượng và hơn một nửa số giàn khoan dầu đá phiến trên thế giới đã bị đóng cửa do thua lỗ. Trong tương quan đó, giá dầu thế giới bình quân sẽ có xu hướng ổn định và tăng nhẹ vào cuối năm 2016.

Tin bài liên quan