Dù thị trường đang trong giai đoạn khó khăn, song cơ hội vẫn hiện hữu nếu có chiến lược đầu tư phù hợp. Ảnh: Việt Dũng

Dù thị trường đang trong giai đoạn khó khăn, song cơ hội vẫn hiện hữu nếu có chiến lược đầu tư phù hợp. Ảnh: Việt Dũng

Cung tăng nửa cuối năm, tìm "vùng trũng" bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 2 quý còn lại của năm nên đầu tư vào phân khúc nào, khu vực nào… đang là câu hỏi được quan tâm, khi mà nguồn cung sản phẩm được dự báo tăng.

Nguồn cung dự báo cải thiện

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Nhà ở, CBRE Việt Nam, từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố vĩ mô như dịch bệnh Covid-19, lạm phát tăng, các chính sách kiểm soát dòng tiền chảy vào lĩnh vực địa ốc…, do đó nhiều dự án không thể triển khai đúng tiến độ, khiến nguồn cung sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, điều này sẽ cải thiện dần trong nửa cuối năm và dự kiến cả năm sẽ có khoảng 22.000-24.000 căn hộ mới tại thị trường phía Nam.

“Nguồn cung căn hộ năm 2022 sẽ vẫn tập trung ở một số dự án lớn, tức là số lượng dự án mới chưa có nhiều chuyển biến, mà chỉ tăng về số lượng sản phẩm”, ông Kiệt thông tin thêm.

Tại thị trường TP.HCM , bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam cho hay, nguồn cung nhà ở trong nửa cuối năm 2022 sẽ tăng lên với khoảng 10.000 căn hộ và hơn 200 sản phẩm nhà liền thổ được mở bán. Trong đó, phân khúc căn hộ vẫn tập trung ở TP. Thủ Đức và quận 7, còn dòng sản phẩm nhà liền thổ ghi nhận 2 dự án mới ở Nhà Bè và quận 9 cũ.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, một trong những thị trường quan trọng khu vực phía Nam với lợi thế nằm gần TP.HCM, nguồn cung giai đoạn 2019-2021 tăng cao so với giai đoạn trước, sản phẩm cũng khá đa dạng từ trung đến cao cấp.

Số liệu cập nhật của trang tin Batdongsan.com.vn cho thấy, trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 222 dự án bất động sản, trong đó có 37 khu đô thị mới, 26 khu nghỉ dưỡng sinh thái, 27 dự án căn hộ chung cư, 10 khu phức hợp..., còn lại là các loại hình bất động sản khác như biệt thự, condotel, nhà ở xã hội, khách sạn, trung tâm thương mại…

Ảnh tác giả

Dù đầu tư vào phân khúc nào, khu vực nào thì nhà đầu tư vẫn cần quan tâm đến một số yếu tố cốt lõi như lựa chọn dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư có uy tín, pháp lý hoàn chỉnh, có liên kết vùng tốt…

Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Bất động sản EximRS

Có thể kể đến một số dự án như Galaxy Boulevard với nguồn cung chính là nhà phố; dự án Bà Rịa Multi Park với sản phẩm chính là đất nền…, bên cạnh đó là một loạt dự án bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng như Novaworld Hồ Tràm (Tập đoàn Novaland), Tropicana Beach (Tập đoàn Kim Group), Lan Rừng Phước Hải Resort & Spa (Công ty TNHH An Kim Thiện), Thuỳ Dương Resort (Công ty cổ phần May và Xây dựng Huy Hoàng), The Long Hải resort (Công ty cổ phần Thương mại - Du lịch Tân Thành), Oceanami Villas & Beach Club (Công ty cổ phần Beegreen và Công ty cổ phần Du lịch Hoa Anh Đào)… Những dự án này đã thổi luồng gió mới vào thị trường cơ sở lưu trú của địa phương này với sự xuất hiện của các resort, khách sạn 5 sao, thay vì vai trò chủ đạo của các cơ sở lưu trú bình dân trước đó.

Trong khi đó, thị trường Bình Thuận trở nên sôi động nhờ quy hoạch hạ tầng giao thông với sự xuất hiện của sân bay Phan Thiết, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết... Thời gian qua, Bình Thuận thu hút nhiều chủ đầu tư lớn tới phát triển dự án, kéo theo nhà đầu tư ở khắp nơi đổ về tìm kiếm cơ hội. Giai đoạn 2019-2022, thị trường này ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về số lượng dự án cũng như sản phẩm, chẳng hạn tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng Novaworld Phan Thiết và NovaHills Mũi Né của Tập đoàn Novaland, Khu nghỉ dưỡng cao cấp Thanh Long Bay tại Kê Gà - Hòn Lan của Nam Group, Summerland Mũi Né của Hưng Lộc Phát...

Không chỉ lọt vào “tầm ngắm” của chủ đầu tư lớn khu vực phía Nam, Bình Thuận còn được nhiều nhà phát triển dự án tên tuổi phía Bắc tìm đến khai thác, tiêu biểu có thể kể đến dự án Trung tâm du lịch Hàm Tiến - Mũi Né quy mô 198 ha với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng do Hải Phát Invest bắt tay với Hoàng Quân đầu tư xây dựng. Apec Invest cũng đang triển khai dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng…

“Việt Nam nằm trong tốp 6 quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi. Khách nội địa đã tăng tần suất đi du lịch từ cuối năm 2021, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam cũng gia tăng sau khi mở cửa trở lại các đường bay quốc tế. Do vậy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ rất sôi động trong thời gian tới”, ông Kiệt nhận định.

Đâu là “vùng trũng”?

Theo nhận định của bà Võ Thị Khánh Trang, trong bối cảnh nguồn cung tại TP.HCM hạn chế, các khu vực lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An sẽ tiếp tục được hưởng lợi.

“Hiện nay, giá căn hộ tại TP.HCM đang neo quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân đô thị. Do đó, nhà ở tại các địa phương lân cận sẽ là điểm đến cho người dân TP.HCM hay người nhập cư đang có nhu cầu mua nhà ở”, bà Trang nói.

Cụ thể hơn, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính gợi ý, các nhà đầu tư dư dả tài chính có thể đầu tư vào phân khúc căn hộ tại TP. Thủ Đức với giá bán trung bình không quá cao, khoảng 50-60 triệu đồng/m2. Hiện tại, quận 9 được xem là trung tâm nên dòng tiền sẽ tập trung về khu vực này.

Với những nhà đầu tư có nguồn tài chính hạn hẹp hơn, đất nền là lựa chọn phù hợp. Chẳng hạn, tại Long An, giá đất khu vực Bến Lức hiện khá “mềm” từ 12-14 triệu đồng/m2. Tại Đồng Nai, khu vực Nhơn Trạch và Trảng Bom giá bán phổ biến từ 13-14 triệu đồng/m2, trong khi khu vực Long Thành và Biên Hòa cao hơn đáng kể, từ 20-30 triệu đồng/m2. Đây cũng là mức giá bán phổ biến của đất nền khu vực Châu Đức, Cẩm Mỹ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cũng theo ông Hiển, đất nền dự án tại nhiều địa phương của Đồng Nai có giá rao bán trung bình trong 5 tháng đầu năm 2022 gia tăng so với cuối năm 2021, trong đó khu vực Nhơn Trạch tăng mạnh nhất, ở mức 17%, tiếp đó là Long Thành tăng 14%, Trảng Bom tăng 7% và Biên Hòa tăng 3%.

“Từ Long An đến Bà Rịa - Vũng Tàu là trục công nghiệp dịch vụ thương mại lấy tâm là TP.HCM. Một số khu vực như một phần Long An, Bến Lức, khu vực Cần Giuộc và Châu Đức nằm gần các dự án lớn như Vành Đai 3, Vành đai 4 nên khả năng phát triển khu công nghiệp rất lớn. Do đó, trong tương lai, khu vực này sẽ tập trung đông dân cư, khoảng 30-40 triệu dân, cho nên tiềm năng tăng giá còn nhiều”, ông Hiển phân tích.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hòa đưa ra lời khuyên rằng, với nguồn tài chính khoảng 2-3 tỷ đồng, nhà đầu tư nên tìm kiếm những dự án/sản phẩm cũ khu vực nội đô để đầu tư bởi có giá trị vừa phải.

“Đầu tư bất động sản trong thời điểm hiện tại cần đặt sự an toàn lên hàng đầu, sản phẩm càng ít rủi ro thì càng tốt, tránh đầu tư ‘lướt sóng’ ngắn hạn như trước đây”, ông Quang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản EximRS khuyến nghị, dù đầu tư vào phân khúc nào, khu vực nào thì nhà đầu tư vẫn cần quan tâm đến một số yếu tố cốt lõi như lựa chọn dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư có uy tín, pháp lý hoàn chỉnh, có liên kết vùng tốt, đầy đủ tiện ích cho cuộc sống, đồng thời hạn chế đầu tư “lướt sóng” ngắn hạn và dùng đòn bẩy tài chính cao (thấp hơn 40% giá trị sản phẩm)…

Tin bài liên quan