23h hay 24h?
Trao đổi với phóng viên, kiến trúc sư, chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông cho biết, trong văn hóa tâm linh phương Đông, người ta thường làm lễ tiễn ngài Cựu niên Thái tuế và đón ngài Tân niên Thái tuế trong giờ phút giao thừa.
Thái tuế chính là vị quan ở trên Thiên đình cử xuống đại diện cho Thiên địa để cai quản công việc tâm linh của một năm và phút giao thừa là lúc bàn giao giữa ngài Cựu niên và ngài Tân niên.
Chính vì lẽ đó, nhiều người có mâm cúng ở ngoài trời lúc giao thừa. Với lòng thành kính tiễn đưa quan nhà trời đã cai quản năm cũ và đón quan nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Thực ra, người dân không nhất thiết phải cúng ngoài trời, những người có căn mệnh và tại gia thờ điện thì phải cúng.
Cũng có quan điểm rằng, việc cúng ngoài trời chỉ nên tiến hành ở đình, đền, chùa hay những nơi công cộng, với gia đình, chỉ nên cúng giao thừa trong nhà. Vậy, nên theo quan điểm nào?
Mâm cúng giao thừa thường được chuẩn bị chu tất để thể hiện lòng thành của gia chủ. Ảnh: Internet.
Nhiều người thấy các nhà khác cúng ở ngoài trời mà nhà mình không cúng thì không an tâm, nên lại cúng theo, sau dần thành thói quen và nhân rộng. Thậm chí, nhiều nhà đua nhau cúng giao thừa rất to và nghĩ cách làm mâm cúng giao thừa hoành tráng hơn nhà khác sẽ khiến gia đình mình được quan tâm, phù hộ đặc biệt hơn.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trà cho rằng, để hiểu một cách khách quan và theo quan điểm trần sao âm vậy, chúng ta cần biết rằng, việc cúng ở đình, đền, chùa là đương nhiên.
“Ví như ở trần gian, những cơ quan cấp cao thì đón các vị lãnh đạo cấp cao, mà lãnh đạo cấp cao thì làm sao đến từng nhà dân được? Còn ở tại gia, chúng ta tùy tâm, sao cho thấy an tâm và thoải mái, lễ lạt tùy hoàn cảnh và quan trọng là cái tâm thành, thế nên mới gọi là tâm linh và linh tại ngã -bất linh tại ngã”, ông Trà lấy ví dụ.
Nhiều năm gần đây, có gia đình chờ đúng 24h (tức 0h sáng) mới làm lễ cúng giao thừa, nhưng cũng không ít gia đình lại cúng từ lúc 23h. Hiện vẫn có sự tranh luận xung quanh thời điểm cúng giao thừa.
Theo ông Trà, nhiều người cúng lúc 24h là vì họ quan sát theo lịch phương Tây, một ngày chia làm 24 giờ và 0 giờ là bắt đầu ngày mới. Nhưng từ ngàn năm nay, chúng ta tính lịch phương Đông là một ngày có 12 canh giờ chia theo 12 địa chi. Và một ngày bắt đầu từ giờ Tý lúc 23 giờ.
Trong lịch xem Kinh dịch, Tử vi, Tứ trụ, phong thủy, động thổ xây nhà, khai trương, cưới hỏi, xem ngày đẹp… đều lấy sau 23 giờ đêm là tính cho ngày mới. Vì vậy, lễ cúng giao thừa được bắt đầu từ lúc 23 giờ là chuẩn, nếu có cúng muộn thì nên trước 24h.
Mâm cúng giao thừa
Cúng giao thừa không chỉ là lễ hai ngài Cựu niên Thái tuế và Kim niên Thái tuế, mà còn là là dịp bày biện trang hoàng ban thờ cho khang trang thịnh vượng ban thờ, chính là trang hoàng nhà của các vị thần linh bản thổ, bày mâm ngũ quả và cúng mâm cỗ mời các quan và gia tiên ăn Tết. Vi vậy, nhiều nơi có phong tục trước Tết ra thắp hương ở phần mộ và mời các cụ về ăn Tết, sau 3 ngày Tết sẽ có mâm cỗ tiễn gia tiên.
Mâm cúng giao thừa là một trong những mâm cúng quan trọng trong ngày Tết. ảnh: Internet.
Đồ lễ cúng giao thừa gồm có một lễ mặn cúng các quan, mâm cỗ mời các quan và gia tiên cùng với mâm ngũ quả. Lễ mặn và mâm cỗ tùy theo phong tục vùng miền, có nơi cúng gà, có nơi cũng thủ lợn…
Ngoài ra, theo ông Trà, quan điểm về mâm mũ quả cũng cần được nhìn nhận như sau.
Từ bao đời nay, khi nói đến lương thực, thì đều gọi là ngũ cốc, dù có bao nhiêu loại củ quả thì cũng phân theo 5 loại, nên gọi là ngũ cốc.
Ý nghĩa khi bày mâm ngũ quả cúng ngày Tết, là sau 1 năm được sự phù hộ của các quan, thì gia đình có cuộc sống ấm no, làm ăn hanh thông, vụ mùa bội thu. Chúng ta thành tâm chọn ra 5 loại ngũ cốc để dâng lên các quan và gia tiên, thể hiện lòng thành mời các ngài thụ hưởng và xin sang năm mới cho gia chủ sự nghiệp thăng tiến - làm ăn được hanh thông – buôn may bán đắt – vụ mùa bội thu.