Cùng doanh nghiệp nói lên “tiếng lòng”

Cùng doanh nghiệp nói lên “tiếng lòng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng nhận diện thách thức, cùng đưa ra giải pháp gỡ vướng... để cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn là điều cần được các cơ quan báo chí hướng đến lúc này.

Khó khăn bủa vây

“Thị trường bất động sản xuống đáy”, “thanh khoản tắc nghẽn”, “doanh nghiệp bất động sản khó chồng khó”… là những từ khóa xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng từ giữa năm 2022 đến nay.

Dù theo và viết mảng bất động sản chưa lâu, nhưng người viết cũng hiểu rõ “ma trận” thủ tục pháp lý dự án khiến các nhà phát triển bất động sản vất vả như thế nào. Thông thường, một dự án phải có vài chục con dấu mới được xem là hoàn thành, đó là chưa kể những vấn đề liên quan đến hậu kiểm, hồi tố. Đây cũng chính là vướng mắc lớn nhất khiến hàng trăm dự án bất động sản trên khắp cả nước bị chậm tiến độ hoặc dừng triển khai hiện nay.

“Chẳng vui vẻ gì mà nói ra, nhưng thực sự quá vất vả, cân não để gồng gánh doanh nghiệp thời điểm này”, lãnh đạo một công ty bất động sản có trụ sở tại TP.HCM nói và cho biết, trong gần 20 năm kinh doanh bất động sản, chưa bao giờ công ty ông rơi vào hoàn cảnh khó khăn đến vậy: Dòng tiền thiếu thốn, sản phẩm bán chậm, lãi suất tăng cao, dự án đứng hình... Cạn kiệt nguồn lực, doanh nghiệp bất đắc dĩ phải cắt giảm nhân sự, lương thưởng... để tiết giảm tối đa chi phí, duy trì hoạt động.

“Doanh nghiệp chưa kịp phục hồi sau dịch thì chính sách thắt chặt tín dụng, trái phiếu địa ốc… tiếp tục giáng thêm đòn đau. Thời điểm này, doanh nghiệp còn nhiều cái khó hơn nhưng không muốn đề cập nhiều tới điều đó”, vị này ngậm ngùi nói.

Tình trạng thất nghiệp gia tăng, người dân thắt chặt chi tiêu… khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, kể cả tiêu dùng bất động sản. Trong khi đó, việc thị trường địa ốc bế tắc kéo dài chưa thấy lối ra khiến hàng loạt doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và theo một chuyên gia kinh tế, hệ luỵ tới nền kinh tế là rất lớn nếu thị trường bất động sản tiếp tục kéo dài khó khăn.

“Viễn cảnh doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực phải tạm dừng kinh doanh, thậm chí phá sản hàng loạt đã hiển hiện trong bối cảnh lãi suất neo cao, nguồn vốn hạn chế và đơn hàng bị cắt giảm mạnh do tình hình kinh tế khó khăn cả trong và ngoài nước. Thay vì tạo môi trường thuận lợi, động lực cho doanh nghiệp hồi phục sản xuất – kinh doanh, một số chính sách lại khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn, khó chồng khó cho doanh nghiệp...”, đại diện một doanh nghiệp địa ốc cho hay.

Trên thực tế, khi ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19 còn chưa qua, khó khăn về nguồn vốn lại “bủa vây” doanh nghiệp bất động sản. Từ đầu năm 2022 đến nay, ngoại trừ một vài dự án vay được vốn từ ngân hàng còn room tín dụng, phần lớn doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đều khó tiếp cận nguồn vốn quan trọng này. Việc dự án chuẩn bị triển khai bán hàng, nhưng vì không đủ kinh phí cũng như thị trường còn khó khăn nên phải dừng lại như càng khiến doanh nghiệp lao đao, nguy cơ doanh nghiệp “chết trên đống tài sản” đã lộ rõ.

Báo chí đồng hành, gỡ khó cho doanh nghiệp

Những câu chuyện kể trên chỉ là một vài trong rất nhiều trường hợp doanh nghiệp khó khăn được báo chí đề cập tới thời gian qua. Việc đồng hành cùng doanh nghiệp nhận diện thách thức, cùng doanh nghiệp đưa ra những giải pháp gỡ vướng... để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại có lẽ là điều mà các cơ quan báo chí đều mong muốn lúc này.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản trải lòng với người viết: “Dù phản ánh rất nhiều nhưng tình hình vẫn chưa biến chuyển bao nhiêu. Thế nhưng, không nói cũng không được, bởi nếu im lặng thì người ta nghĩ mình đang sống tốt nên vẫn phải nói, cho dù biết tiếng nói ấy có thể chẳng đi đến đâu”.

Báo chí phải là nơi cung cấp kiến thức thực sự và đòi hỏi người viết phải đi sâu vào từng ngành, từng lĩnh vực để khai thác thông tin và hiểu về doanh nghiệp, có như vậy thì mới có được những ý tưởng hay, câu chuyện hay.

Trên thực tế, sau hàng loạt bài phản ánh của báo chí về kiến nghị của các doanh nghiệp, chỉ trong thời gian gian ngắn, từ cuối năm 2022 đến đầu tháng 6/2023, Chính phủ đã ban hành một loạt quyết sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, với mục đích chung là kêu gọi, đề nghị các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan cùng chung sức, đồng tâm, hợp lực để vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, nhiều dự án bất động sản bước đầu được gỡ vướng thủ tục pháp lý. Chẳng hạn, thời gian qua, TP.HCM liên tục tổ chức họp định kỳ hàng tuần, hàng tháng với các doanh nghiệp có dự án bất động sản gặp vướng mắc theo tổng hợp của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) và tính đến hiện tại, có 13 dự án trên địa bàn được gỡ vướng pháp lý và cho phép 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai được huy động vốn...

Với hàng trăm dự án đang chờ được gỡ vướng, con số này rõ ràng chưa phải là nhiều, nhưng phần nào cho thấy nỗ lực, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, doanh nghiệp của chính quyền Thành phố.

Giám đốc khối truyền thông của một doanh nghiệp bất động sản cũng chia sẻ với người viết rằng, dù vẫn còn một bộ phận có hành vi nhũng nhiễu, nhưng thực sự có nhiều người làm báo xem doanh nghiệp là tri kỷ, thay doanh nghiệp nói lên “tiếng lòng” của mình.

Báo chí là bức tranh muôn màu, thể hiện các sắc thái của cuộc sống, bao gồm cả những gam màu tươi sáng lẫn những mảng tối, những góc khuất của xã hội, những trăn trở cho tương lai phát triển của doanh nghiệp, của đất nước. Vì thế, bên cạnh phản ánh “tiếng lòng”, việc lan tỏa những câu chuyện kinh doanh hiệu quả, cập nhật xu hướng đầu tư mới, mô hình kinh doanh mới... cũng là điều báo chí hướng tới.

Dẫu vậy, vị giám đốc truyền thông trên nói rằng: “Tiếc là báo chí Việt Nam chưa có nhiều câu chuyện hay, phần lớn phản ánh tiêu cực, hay những câu chuyện buồn, than vãn”. Theo vị này, báo chí phải là nơi cung cấp kiến thức thực sự và đòi hỏi người viết phải đi sâu vào từng ngành, từng lĩnh vực để khai thác thông tin và hiểu về doanh nghiệp, có như vậy thì mới có được những ý tưởng hay, câu chuyện hay.

“Trên thực tế, kể những câu chuyện tích cực đôi khi bị hiểu lầm là PR, là quảng cáo cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc hiểu sâu sắc và đồng cảm với doanh nghiệp sẽ giúp xây dựng câu chuyện, lột tả nhân vật một cách chân thực, thuyết phục hơn”, vị giám đốc truyền thông nói.

Tin bài liên quan