Củng cố sức bật

Củng cố sức bật

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đang củng cố sức bật trước ngưỡng 1.300 điểm trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu điều chỉnh. Kỳ vọng, các tín hiệu xác nhận chỉ số tạo đáy phía trên ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn sẽ xuất hiện trong tuần mới.

Chứng khoán Mỹ - Rung lắc mạnh

Sau khi ghi nhận hồi phục với tốc độ nhanh trong tháng 8, bước vào những ngày đầu tháng 9, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến áp lực rung lắc mạnh ở vùng đỉnh lịch sử. Kết thúc tuần giao dịch, cả 3 chỉ số chính gồm Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite thiên về công nghệ đều ghi nhận giảm điểm.

Nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn chịu áp lực điều chỉnh trong bối cảnh giá cổ phiếu trước đó có thời gian dài tăng vượt trội, phản ánh các triển vọng khởi đầu của kỷ nguyên công nghệ mới. Bên cạnh đó, báo cáo ISM Manufacturing gây ra một số lo ngại khi cho thấy động lực kinh tế Mỹ đang suy giảm. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, không nên vội kết luận đây là dấu hiệu cho thấy sự suy yếu trọng yếu của nền kinh tế xứ Cờ hoa, vì thực tế lĩnh vực sản xuất đã nằm trong tình trạng thu hẹp trong một thời gian dài vào năm 2022 và 2023 mà không dẫn đến suy thoái.

Tâm điểm của tuần này là dữ liệu mới về thị trường lao động Mỹ. Sự tăng trưởng việc làm và tỷ lệ thất nghiệp thấp đóng vai trò là những trụ cột quan trọng hỗ trợ cho sự mở rộng kinh tế, giúp giảm thiểu tác động từ lãi suất cao và lạm phát, nhưng gần đây xuất hiện các dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang yếu đi. Cụ thể, số lượng vị trí tuyển dụng trong tháng 7 giảm xuống dưới 8 triệu, đẩy tỷ lệ việc làm trên số lao động thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua. Mặc dù vậy, chúng tôi coi sự hạ nhiệt này là một quá trình bình thường hóa sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ kéo dài 2 năm. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vẫn ở mức thấp, cho thấy sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp chủ yếu do sự chậm lại trong tuyển dụng và nguồn cung lao động tăng lên, thay vì do sa thải hàng loạt. Lợi nhuận doanh nghiệp đang tăng và chi phí lao động theo giờ giảm nhờ năng suất tăng, làm giảm nhu cầu cắt giảm nhân sự của các công ty.

Dữ liệu vĩ mô khác cho thấy, lĩnh vực dịch vụ tiếp tục mở rộng với tốc độ nhanh hơn so với kỳ vọng trong tháng 8. Chỉ số ISM dịch vụ đạt 51,5%, thể hiện tỷ lệ phần trăm các doanh nghiệp báo cáo sự mở rộng. Con số này tăng 0,1% so với tháng 7 và cao hơn so với ước tính 51%.

Thị trường chứng khoán châu Á ghi nhận trạng thái rung lắc theo xu hướng chung của thế giới và chịu áp lực từ thị trường Mỹ. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm trên cả 2 chỉ số là Nikkei 225 và Topix.

Với các tài sản đầu tư quan trọng khác, trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có lợi suất giảm xuống 3,73%, thấp nhất kể từ ngày 5/8/2024, tiếp tục di chuyển ra xa vòng Elip trong vùng giảm mạnh, khi tiến gần tới ngày Fed dự báo sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên.

Giá dầu cũng giảm mạnh, xóa sạch các mức tăng từ đầu năm 2024 đến nay. Giá dầu thô Brent giảm còn 72,69 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2023. Một thỏa thuận tiềm năng nhằm khôi phục nguồn cung từ Libya khiến các nhà giao dịch lo ngại, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đối với dầu thô đang ở mức thấp.

VN-Index - Điều chỉnh lành mạnh

Sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày, thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu tháng 9 với 3 phiên giao dịch ghi nhận diễn biến rung lắc và điều chỉnh khi chịu sự ảnh hưởng trước biến động phía liên thị trường. Theo đó, tuần giao dịch “rút gọn” khép lại với việc VN-Index giảm 9,91 điểm (0,77%), xuống 1.273,96 điểm.

Trên khung đồ thị tuần, diễn biến điều chỉnh tiếp tục diễn ra trong tuần qua và đánh dấu là tuần thứ 2 điều chỉnh liên tiếp. Tuy nhiên, xét trên khung đồ thị ngày, gia tốc giảm điểm qua các phiên có dấu hiệu chậm lại và phiên gần nhất tăng điểm. Điều này cho thấy, diễn biến điều chỉnh của VN-Index không xấu đi, mà đang cố gắng tìm điểm cân bằng mới. Bên cạnh đó, ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn đang được chú ý tại vùng 1.260 điểm và rất mạnh quanh 1.230 - 1.250 điểm chưa bị vi phạm. Trong phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số chỉ chớm ở ngưỡng hỗ trợ đầu tiên tại 1.260 điểm (MA20) đã cho tín hiệu hồi phục nhờ lực cầu bắt đáy. Thanh khoản giảm có lẽ là điểm trừ duy nhất trong phiên hồi phục, nhưng điều này cũng không hoàn toàn xấu khi chỉ số đang trong quá trình tạo đáy ngắn hạn. Theo đó, nhịp điều chỉnh hiện tại của chỉ số chung là lành mạnh và cần thiết, sau khi có nhịp tăng tích cực trong các tuần trước đó.

Các tín hiệu kỹ thuật khác xác nhận cho nhịp điều chỉnh hiện tại là lành mạnh. Chỉ báo RSI sau khi lùi về mốc 50 đã tiến lên mức 55,78. Chỉ báo MACD dù thu hẹp khoảng cách so với đường Signal nhưng duy trì trạng thái phía trên đường 0. Theo đó, lợi thế hiện tại nghiêng về bên mua.

Trong tháng 9, các nhà đầu tư sẽ đón nhận nhiều sự kiện quan trọng, kỳ vọng đây sẽ là những thông tin hỗ trợ cho tâm lý giao dịch, giúp thị trường khởi sắc hơn. Phía liên thị trường đang tiến gần tới thời điểm Fed đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất. Lãi suất giảm sẽ dẫn đến lợi suất USD thấp hơn và các loại tiền tệ khác trên toàn cầu hồi phục. Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt trong thời gian gần đây, tạo dư địa cho Ngân hàng Trung ương duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Với những cơ sở vững chắc đến từ góc nhìn doanh nghiệp cho tới điều kiện vận động của nền kinh tế, kỳ vọng VN-Index sẽ sớm chinh phục ngưỡng 1.300 điểm.

Quay lại góc nhìn kỹ thuật, các chỉ báo định lượng dù có sự hạ nhiệt trên các chỉ số nhưng vẫn đang ủng hộ cho kịch bản điều chỉnh lành mạnh. Áp lực bán không lớn và giảm dần, trong khi lực cầu tiếp tục nắm quyền kiểm soát xu thế ngắn hạn. Chỉ báo đường đà lan tỏa sau khi điều chỉnh và cắt xuống phía dưới đường MA10 của chính nó đã bắt đầu có tín hiệu hồi phục. Theo đó, những biến động trên thị trường dù xuất hiện nhưng vẫn đang đảm bảo nhịp hồi phục ngắn hạn được kéo dài. Nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, thực phẩm, bán lẻ, dầu khí… có hiện tượng điều chỉnh, nhưng chưa ở mức nguy hiểm, không làm thay đổi xu thế tích cực ngắn hạn. Hầu hết nhóm cổ phiếu trụ đều đang tích lũy trở lại sau những nỗ lực kéo tăng trước đó và phản ứng tốt tại các nền giá an toàn (MA20, Fibonacci 38,2%). Lo ngại xu thế vận động giảm của VN-Index là chưa đủ căn cứ, thay vào đó là trạng thái điều chỉnh tích lũy phù hợp với những áp lực kháng cự khi thị trường tiệm cận vùng cản 1.300 điểm.

Nhìn chung, diễn biến điều chỉnh đang tiếp diễn, nhưng là phù hợp để VN-Index củng cố lại sức bật. Theo đó, chiến lược mua được duy trì trong những nhịp rung lắc và kỳ vọng sẽ sớm có tín hiệu xác nhận tạo đáy phía trên các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn trong tuần mới.

Tin bài liên quan