Tiếp nối những hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản năm 2023 thì năm 2024 cũng là một năm đặc biệt ý nghĩa, là năm đầu tiên Việt Nam và Nhật Bản triển khai thực hiện quan hệ "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới".
Hôm nay (12/3), tại Tokyo, Nhật bản diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính "Việt Nam Điểm đến Đầu tư” - một trong số những hoạt động nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc tin tưởng, Hội nghị sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội lớn hơn nữa cho hợp tác và phát triển giữa 2 nước. Có thể nói, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, đi vào thực chất và đang ở vào giai đoạn tốt nhất trong lịch sử.
Nhật Bản trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam cũng đã trở thành đối tác quan trọng của Nhật Bản tại Đông Nam Á.
Bộ trưởng Bộ tài chính Việt Nam, ông Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị |
Các cuộc đối thoại và tiếp xúc đa tầng, đa cấp được tiến hành sôi động thời gian qua không chỉ củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước, mà còn góp phần to lớn vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước; tăng cường hợp tác trên các diễn đàn quốc tế, khu vực và trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,05%, dự kiến năm 2024 tăng trưởng khoảng 6-6,5%. Các cân đối kinh tế vĩ mô ngày càng bền vững hơn. Cả năm 2023, lạm phát tăng 3,25%, dưới mức mục tiêu 4,5%; bội chi ngân sách nhà nước ở mức 4,42% GDP, nợ công khoảng dưới 40% GDP;
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 28 tỷ USD với đối tác và ngành hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng. Tổng vốn FDI đăng ký đến cuối tháng 12/2023 đạt hơn 36,6 tỷ USD (trong đó vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD), tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước; số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%.
Cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh là một điểm rất đáng ghi nhận trong năm qua, cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc khơi thông các cơ chế chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài; tăng trưởng cầu nội địa nhờ vào thị trường gần 100 triệu dân với khả năng chi tiêu được cải thiện; mặt bằng lãi suất đã và đang được điều chỉnh giảm dần (trong năm 2023, Việt Nam đã điều chỉnh giảm lãi suất 4 lần mức giảm từ 0,5 - 2%/năm), nợ công thấp, dư địa tài khoá dồi dào là những lợi thế căn bản để Việt Nam duy trì triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, bao gồm việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, phát triển toàn diện nguồn nhân lực và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ. Nhằm thực hiện những mục tiêu này, Việt Nam cần huy động cả nội lực và ngoại lực, từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đến phát triển các thị trường vốn, thị trường chứng khoán, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Trên tinh thần đó, Bộ Tài chính Việt Nam đánh giá cao các đối tác Nhật Bản đã phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày hôm nay nhằm tạo một kênh đối thoại thực chất giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Nhật Bản hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam, và quan trọng nhất là củng cố lòng tin của nhà đầu tư Nhật Bản đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam.
"Chúng tôi mong rằng sau Hội nghị này, các doanh nghiệp hai nước sẽ có thêm nhiều ý tưởng và dự án hợp tác mới để làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế cũng như quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản", bộ trưởng phát biểu.
Bộ Tài chính Việt Nam cam kết đồng hành và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước và mong muốn Nhật Bản tiếp tục là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài về đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.