Phân khúc bất động sản mang yếu tố thương mại không ngừng có diễn biến tăng giá.

Phân khúc bất động sản mang yếu tố thương mại không ngừng có diễn biến tăng giá.

“Cơn khát” bất động sản thương mại lớn tới mức chưa có hàng đã được đặt mua

(ĐTCK) Thị trường bất động sản mang yếu tố thương mại như shophouse, nhà mặt tiền phố thời gian qua đã trở thành tâm điểm săn tìm của giới đầu tư. Đây là phân khúc đang được định vị trên thị trường là “Gà đẻ trứng vàng” nên dù có mức giá bán khá cao so với nhà để ở nhưng luôn trong tình trạng “cháy hàng”.

“Cơn khát” của bất động sản thương mại

Bất động sản thương mại là loại hình kinh doanh thương mại lấy lợi thế về vị trí, hạ tầng, tiện ích để cung cấp dịch vụ cho cộng đồng.

Do đặc thù này nên các dự án bất động sản thương mại thường tọa lạc trên các con đường lớn, ngã tư và giữa các khu dân cư đông đúc... Các loại hình bất động sản khai thác thương mại phổ biến nhất hiện nay là khách sạn, nhà hàng, mặt bằng bán lẻ, trung tâm thương mại… 

Theo ghi nhận của Đầu tư Bất động sản, thời gian qua các phân khúc nhà ở trên thị trường có những lúc thăng trầm, riêng với phân khúc bất động sản mang yếu tố thương mại vẫn không ngừng tăng giá.

Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Techcom Real, một doanh nghiệp có mảng đầu tư nhà phố cho biết, có thể nói bất động sản thương mại như nhà phố mặt tiền phù hợp để kinh doanh hay shophouse là những sản phẩm luôn có nhu cầu lớn và vô giá hiện nay trên thị trường.

Chỉ cần có sản phẩm tung ra thị trường ngay lập tức sẽ có người mua.

“Hiện nay, nhu cầu kinh doanh của người dân ngày càng nhiều, trong khi nguồn cung khan hiếm đã khiến cho bất động sản thương mại không tăng giá, thậm chí phải nói là không định được giá.

Chỉ cần có nhu cầu bán, nhiều người chấp nhận bỏ ra số tiền cao hơn giá thị trường rất nhiều để mua, bởi đối với họ, loạt bất động sản này như “gà đẻ trứng vàng””, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, hiện nay có rất nhiều đơn đặt hàng muốn mua bất động sản thương mại, song trên thực tế rất ít người bán bất động sản loại này, hoặc nếu có bán giá cũng cao ngất ngưởng.

Các dự án nằm trong khu dân cư sầm uất hoặc khu vực phát triển kinh tế năng động, giao thông thuận lợi thường được NĐT quan tâm đầu tiên.

Theo ghi nhận của Đầu tư Bất động sản, nhiều dự án có loại hình bất động sản thương mại thời gian qua giá không ngừng tăng cao.

Tại dự án Him lam Phú Đông trên trục đường Phạm Văn Đồng, Quận Thủ Đức, dự án này có 207 căn nhà phố, trong đó được chủ đầu tư quy hoạch thành 2 khu nhà thấp tầng dùng để ở và nhà ở thương mại.

Trong khi nhà ở thấp tầng mức giá tăng trung bình chỉ khoảng 50% so với lúc mở bán thì các căn nhà ở thương mại có mức giá tăng cao hơn gấp đôi so với lúc mở bán.

Tại dự án Moonlight Residence trên đường Đặng Văn Bi thuộc quận Thủ Đức do Hưng Thịnh làm chủ đầu tư, dự án được bán ra thị trường hồi cuối năm 2016.

Trong khi giá căn hộ tại đây tăng chỉ khoảng 10 - 15% thì dãy nhà ở thương mại  đã tăng lên mức gần 100% so với lúc mở bán, nhưng hầu như không có người bán.

Chính sự đắt đỏ của thị trường bất động sản thương mại càng đẩy tâm lý săn tìm lên cao hơn. Chỉ cần có dự án tung ra thị trường ngay lập tức tạo nên cơn sốt. Cuối tuần qua, Công ty cổ phần Bất động sản Netland giới thiệu ra thị trường dự án Khu phức hợp thương mại - dịch vụ Saigon Metro Mall.

Sự kiện gây sự chú ý trên thị trường bất động sản thương mại, khi chủ đầu tư công bố 300 shophouse trong 3 tầng thương mại của dự án Saigon Metro Mall, nhưng có đến gần 1.000 khách hàng đăng ký.

Đây là dự án do Netland làm chủ đầu tư, tọa lạc ngay trung tâm hành chính Quận 8, TP. HCM,  dự án  lấy cảm hứng từ các khu mua sắm kết nối với ga metro nổi tiếng ở Nhật Bản như Shinjuku, Ginza, Harajuku & Aoyama… hiện đại, tinh tế và sang trọng.

Dự án thu hút sự quan tâm rất lớn của khách hàng, trong khi nguồn cung hạn chế nên theo thông tin từ chủ đầu, khả năng sẽ phải tổ chức hình thức bốc thăm để đảm bảo sự khách quan cho khách hàng.

Cung hiếm, giá tăng chóng mặt

Theo các chuyên gia, bất động sản thương mại có thể sinh lời qua hoạt động kinh doanh nên được nhiều nhà đầu tư săn tìm và xem như một tài sản để dành vì tính khan hiếm, giá trị tăng theo thời gian cũng như dễ dàng cho thuê lại để có nguồn thu nhập ổn định. Khi có nhu cầu bán lại, tính thanh khoản của bất động sản thương mại cũng vượt trội so với các sản phẩm khác.

Đặc biệt, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, shophouse là một phân khúc bất động sản cực kỳ sôi động.

Nhiều dự án chủ đầu tư chưa kịp tung ra thị trường thì các sản phẩm shophouse đã được nhà đầu tư đặt mua hết. Thậm chí ngay cả tại các dự án bất động sản nghỉ dưỡng thì sản phẩm shophouse cũng thường xuyên “cháy hàng”.

Chính vì thị trường không đủ sản phẩm đáp ứng, nên tỷ lệ tăng giá của shop hay shophouse thường cao hơn nhiều so với các sản phẩm khác.

Nguyên nhân được cho là do tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, thu nhập của người dân tăng cao kéo theo nhu cầu mua sắm và sử dụng dịch vụ hiện đại, lấn át các mô hình kinh doanh truyền thống.

Mặt khác, hiện nay đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, số lượng hộ kinh doanh cá thể tăng mạnh làm phát sinh nhu cầu về mặt bằng kinh doanh buôn bán với quy mô và hình thức phù hợp.

Trước nhu cầu thị trường, gần đây các nhà phát triển bất động sản bắt đầu chú ý nhiều hơn đến việc phát triển phân khúc sản phẩm shop, shophouse.

Đi đầu là các chủ đầu tư lớn như Phú Mỹ Hưng, Vingroup, Đại Quang Minh, Vạn Thịnh Phát, Sun Group, Novaland hay các chủ đầu tư nước ngoài như Keppel Land, Capita Land… với những dự án khu phức hợp quy mô lớn.

Tại đây, khách hàng không chỉ mua sắm mà còn trải nghiệm các dịch vụ vui chơi giải trí, ẩm thực, làm đẹp, thể dục thể thao… theo mô hình “all in one”.

Nhờ đó, những khách hàng đầu tư các sản phẩm shop, shophouse có thể thu lợi nhuận rất cao chỉ sau một thời gian ngắn hoặc tự kinh doanh khá hiệu quả, với một lượng khách hàng sẵn có sinh sống trong dự án và khu vực lân cận.

Những dự án có vị trí trung tâm, giao thông kết nối tốt thì mức sinh lời còn cao hơn rất nhiều, nhất là khi dự án hoàn thành, cư dân dọn về sinh sống sầm uất và được quản lý, vận hành bởi những đơn vị có nhiều kinh nghiệm.

Anh Minh Khánh, một nhà đầu tư bất động sản nhiều kinh nghiệm cho biết, anh thường quan tâm đến các dự án nằm trong các khu dân cư sầm uất hoặc các khu vực phát triển kinh tế năng động, giao thông kết nối thuận lợi.

Bởi so với những dự án chỉ để ở thì các bất động sản có vị trí chiến lược có thể khai thác kinh doanh nên tốc độ tăng giá nhanh hơn và mua đi bán lại cũng dễ dàng hơn. “Lâu nay, tôi chỉ tập trung đầu tư bất động sản thương mại với mức lợi nhuận bình quân khoảng 30-40%.

Trong bối cảnh thị trường căn hộ, đất nền đang có dấu hiệu chững lại như hiện nay, bất động sản thương mại tiếp tục là kênh đầu tư sáng giá do nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí, sử dụng dịch vụ của người dân Việt Nam vẫn đang có xu hướng tăng cao, nhất là tại các đô thị lớn”, anh Khánh nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan