Cung - cầu trên thị trường bất động sản vẫn lệch

0:00 / 0:00
0:00
Dù thị trường bất động sản đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng giữa nguồn cung và cầu vẫn chưa cân đối. Giá vẫn cao và người có nhu cầu ở thực khó tiếp cận.
Nhiều doanh nghiệp mở bán dự án dịp cuối năm, nhưng lượng khách chốt hợp đồng không nhiều. Ảnh: Lê Toàn

Nhiều doanh nghiệp mở bán dự án dịp cuối năm, nhưng lượng khách chốt hợp đồng không nhiều. Ảnh: Lê Toàn

Nguồn cung cải thiện

Thị trường đang bước vào giai đoạn nước rút, nhiều doanh nghiệp bắt đầu chào bán sản phẩm dịp cuối năm. Đơn cử, tại tỉnh Bình Dương, một địa phương giáp ranh TP.HCM, Tập đoàn Bcons đã lên kế hoạch giới thiệu tháp đầu tiên của khu phức hợp Bcons City có tên Green Topaz, mức giá khoảng 1,8 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ nhỏ.

Tương tự, cũng tại Bình Dương, dự kiến trong quý IV, Phú Đông Group sẽ đưa ra thị trường Dự án Phú Đông SkyOne, giá căn hộ rẻ nhất (có diện tích chỉ 30 m2) trên 1 tỷ đồng.

Bên cạnh dự án mới, nguồn cung trong những tháng cuối năm cũng sẽ tăng thêm từ các dự án cũ. Ví dụ tại dự án C-SkyView và C-RiverView do Công ty cổ phần Chánh Nghĩa Quốc Cường (thành viên của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai) làm chủ đầu tư, trong tháng 9 này sẽ tiếp tục bán giỏ hàng còn lại và nhận giữ chỗ cho giai đoạn II của dự án.

Hàng loạt dự án cũng được chủ đầu tư “refresh” lại để chào bán ra thị trường. Trong đó, TP. Thủ Đức vẫn là khu vực có lượng sản phẩm mở bán cao nhất thị trường. Có thể kể đến Dự án MT Eastmark City, với mức giá khoảng 39 triệu đồng/m2 (chưa có VAT). Cũng trong đợt mở bán thứ 2, sản phẩm shophouse sẽ có giá dự kiến khoảng 55 triệu đồng/m2 và office là 35 triệu đồng/m2 (đợt 1 mở bán vào ngày 16/4, bán được hơn 600 căn hộ và shophouse và office).

Hay như tại Dự án The Global City, hiện tại chủ đầu tư vẫn bán giỏ hàng Daily Sales (còn 15 căn). Cuối tuần vẫn tổ chức mini event tại nhà mẫu trên đường Vũ Tông Phan (quận 2 cũ).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) DKRA Vietnam cho hay, nguồn cung trên thị trường trong giai đoạn này có tăng, nhưng số lượng dự án đưa ra thị trường chưa nhiều, một số phân khúc mức tăng trung bình khoảng 10 - 20% so với cùng kỳ năm trước. So với giai đoạn trước dịch bệnh bùng phát thì còn khá khiêm tốn và số lượng thấp hơn rất nhiều.

Người có nhu cầu ở thực vẫn khó tiếp cận

Mặc dù nhiều chủ đầu tư dự án tung ra các chính sách kích cầu, nhưng thực tế khoảng cách giữa cung và cầu còn khá lớn, nên việc bán hàng của các dự án gần đây gặp không ít khó khăn.

Có mặt tại buổi mở bán một dự án mới ở tỉnh Bình Dương, anh Hoàng Công Anh, một khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở đã phải thốt lên rằng: “Giá quá cao, không thể mua nổi”.

Gia đình anh có nguồn vốn tích được khoảng 500 triệu đồng. Trong khi đó, công việc của anh là kỹ sư cơ khí, còn vợ làm công nhân, mỗi tháng chắt chiu lắm hai vợ chồng dư được 15 triệu đồng, sau 3 năm nữa cũng chỉ để dành được thêm 500 triệu đồng. Song với giá bán căn hộ đang ở mức 40 triệu đồng chưa bao gồm VAT, tính ra một căn hộ 60 m2 có giá hơn 2,5 tỷ đồng mới có thể mua được.

Trên thực tế, doanh nghiệp không hề muốn bán giá cao, nhưng với tình hình hiện nay, mọi chi phí đầu vào từ tiền mua đất, tiền sử dụng đất, đến các chi phí đầu tư xây dựng đều tăng quá cao, khiến sản phẩm không thể rẻ.

“Đành rằng, chủ đầu tư có đưa ra các chính sách hỗ trợ lãi suất vay 2 năm, nhưng vay rồi cũng phải trả, đến thời điểm trả nợ không đủ tiền phải tính làm sao. Vợ chồng tôi tính tới tính lui rất nhiều lần, nhưng vẫn không nghĩ được cách nào có thể mua nổi căn hộ”, anh Công Anh bộc bạch.

Trường hợp như gia đình anh Công Anh không phải là hiếm. Mức thu nhập của phần đông người lao động chỉ 10-15 triệu đồng/tháng. Với mức lương này thì trung bình đi làm 30 - 40 năm mới có thể mua được nhà ở. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường vẫn phát triển thiếu bền vững, chưa giải quyết được bài toán nhà ở cho đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, giới trẻ và người nhập cư.

Đặc biệt, tình trạng lệch pha cung - cầu thể hiện rõ nét trong 5 năm trở lại đây trên địa bàn Thành phố. Theo khảo sát của HoREA, trên thị trường, số lượng căn hộ cao cấp áp đảo, trong khi hầu như không có dự án nhà ở xã hội.

Dưới góc độ là một lãnh đạo doanh nghiệp, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Phú Đông Group phân trần, trên thực tế, doanh nghiệp không hề muốn bán giá cao, nhưng với tình hình hiện nay, mọi chi phí đầu vào từ tiền mua đất, tiền sử dụng đất đến các chi phí đầu tư xây dựng đều tăng quá cao, nên sản phẩm không thể rẻ được.

“Hiện doanh nghiệp đầu tư rất khó tìm được quỹ đất để phát triển dự án, nếu có thì giá cũng cao không tưởng. Doanh nghiệp căn cứ giá vốn đầu tư để tính giá thành đầu ra, do vậy nếu bán giá thấp thì sẽ bị lỗ”, ông Phúc nói.

Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng người có nhu cầu ở thực, các lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành đều cho rằng, phải tạo ra nguồn cung tốt hơn, dồi dào hơn. Khi cung - cầu cân bằng, giá bất động sản sẽ hợp lý, ổn định hơn.

Bên cạnh đó, nguồn vốn cho thị trường bất động sản cũng là một yếu tố quan trọng. Hiện tại, kênh tín dụng ngân hàng, trái phiếu đang bị kiểm soát chặt chẽ, nên các doanh nghiệp bất động sản khá khó khăn về vốn. Ngoài ra, người dân muốn vay vốn để mua nhà cũng trở nên khó khăn hơn.

“Tôi cho rằng, cần sớm có giải pháp khơi thông nguồn vốn cho thị trường để giúp các doanh nghiệp có nguồn lực phát triển các dự án mới, tạo ra nguồn cung mới. Nếu dòng vốn tiếp tục ách tắc, thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng lệch pha cung - cầu, giá nhà tăng sẽ còn kéo dài”, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc chia sẻ.

Tin bài liên quan