Cung tăng
Thông qua việc phát hành thêm CP tăng vốn điều lệ, các DN chẳng những đạt được mục đích huy động vốn mà còn thu được vốn thặng dư, đồng thời kích thích được NĐT quan tâm đến CP của mình. Chính vì thế, động thái “nhất cử tam tứ tiện” này hầu như được tất cả các DN đang niêm yết trên sàn thực hiện triệt để. Kết quả là một lượng CP lớn đã và đang được “bơm” vào thị trường, ảnh hưởng lớn đến chiều lên xuống của VN Index như VNM, PPC, ITA, PVD, SAM, SJS, FPT… Đỉnh điểm của những lần “bơm” này là hơn 235,9 triệu CP của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (mã STB) được niêm yết bổ sung vào ngày 21-8. Ngoài ra, CP tiếp tục được bơm vào thị trường thông qua sự xuất hiện của nhiều mã CK mới chỉ trong vòng một tháng trở lại đây như như mã GTA của CTCP Chế biến gỗ Thuận An (8,4 triệu CP), mã RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia (8,6 triệu CP), mã VNE của Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam (32 triệu CP), mã TRC của CTCP Cao su Tây Ninh (30 triệu CP), mã TNC của CTCP Cao Su Thống Nhất (19,2 triệu CP)…
Trong khi đó, hàng sẽ chuẩn bị được bơm vào thị trường từ các mã ITA (20 triệu CP), VSH (12,5 triệu CP)…; từ các “đại gia” lần đầu xuất hiện tại sàn Hose với khối lượng CP khổng lồ như Tập đoàn Hòa Phát (132 triệu CP), Vincom (80 triệu CP), SSI (80 triệu CP)…; từ nhiều DN đã được Hose chấp thuận về nguyên tắc, cấp giấy phép để lên sàn trong nay mai sẽ càng khiến cho nguồn cung thị trường phình to thêm.
Cầu chặn
Quy mô thị trường đang ngày một lớn hơn thì lẽ ra thị trường phải sôi động hơn, hào hứng hơn mới phải. Thực tế thị trường đang diễn biến theo chiều ngược lại. Sức mua bán giảm dần và trở nên yếu hẳn, lượng CP được chuyển nhượng bình quân từng phiên chỉ khoảng 3 đến 4 triệu, thậm chí có phiên lượng CP giao dịch thành công chưa đến 3 triệu đơn vị. Và hiện tượng NĐT đến sàn đông nhưng phần lớn chỉ để quan sát đang là hình ảnh phổ biến tại các sàn trong thời điểm hiện nay. Có nhiều lý do để giải thích cho hiện tượng này như nhiều NĐT mất niềm tin vào CK, hoặc họ đang hy vọng vào sự phục hồi của thị trường; cũng có khi họ chờ cho giá cả ở mức hợp lý hơn thì mới “động tay động chân”; hoặc đơn giản là không còn tiền để xoay xở. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia CK thì nguyên nhân chính khiến sức mua bán trở nên suy giảm thời gian qua là do một phần lớn luồng tiền lưu thông trên thị trường bị chặn lại và buộc phải quay về hệ thống ngân hàng thương mại bởi Chỉ thị 03 của NHNN.
Trong khi nguồn cầu của NĐT trong nước bị chặn lại thì nguồn cầu của NĐT nước ngoài cũng chưa thể tăng mạnh được, bởi hiện tại những những mã “ngon ăn”, những CP là đích ngắm trên sàn hiện nay của họ đa phần đều đã hết “room”. Trong khi các mặt hàng mới, chất lượng hơn mà họ đang rất “thèm” như Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Đầu tư phát triển … lại chưa thể IPO ngay được và hiện tại chưa ai có thể biết được thời điểm chính xác cho các cuộc IPO này.
Cung đang tăng, cầu đang giảm và cán cân cung cầu đang ngày càng chênh lệch. Đó là điều mà hầu như ai cũng thể thấy được, trách nhiệm của cơ quan chức năng, của những nhà quản lý thị trường là phải làm sao để quy luật cung cầu không bị phá vỡ.