Nghị định 74/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 của Chính phủ quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 11 quyết định dừng ngay hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển.
Cụ thể, Cục Hàng hải Việt Nam quyết định dừng ngay hoạt động của cơ sở trong trường hợp cơ sở phá dỡ tàu biển để xảy ra tai nạn, sự cố gây hậu quả nghiêm trọng đối với con người, môi trường trên cơ sở đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Căn cứ đề xuất, kiến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển.
Cục Hàng hải Việt Nam thông báo cho các cơ quan liên quan biết và công bố quyết định dừng ngay hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển trên Cổng thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Điều 12 quyết định dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển.
Cụ thể, Cục Hàng hải Việt Nam quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển trong các trường hợp sau trên cơ sở đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
+ Cơ sở phá dỡ tàu biển không đáp ứng điều kiện hoạt động.
+ Vì lý do bảo đảm quốc phòng, an ninh.
+ Khi có dịch bệnh, thiên tai, thảm họa và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ đề xuất, kiến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển; trường hợp không dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Cục Hàng hải Việt Nam thông báo cho các cơ quan liên quan biết và công bố quyết định dừng hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển trên cổng thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam.
Như vậy, thẩm quyền quyết định dừng ngay, dừng hoạt động cơ sở phá dỡ tàu biển được giao cho Cục Hàng hải Việt Nam thay vì giao cho Bộ Giao thông vận tải như quy định cũ.