Dự kiến, trong tháng 11 - 12/2020, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ vốn tại Viglacera. Ảnh: Dũng Minh.

Dự kiến, trong tháng 11 - 12/2020, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ vốn tại Viglacera. Ảnh: Dũng Minh.

Cục diện thoái vốn mới tại Viglacera

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kịch bản thoái vốn nhà nước còn lại tại Viglacera (VGC) có thể chịu tác động từ kết quả chào mua công khai của Gelex.

Gelex quyết tâm nâng sở hữu

Thị trường đang nóng lòng chờ đợi kết quả đợt chào mua công khai cổ phiếu VGC mà Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) công bố thực hiện trong thời gian từ ngày 26/8 đến 25/9/2020.

Nhiều nhận định thiên về khả năng Gelex hoàn tất thương vụ mua gom 95 triệu cổ phiếu, tương đương 21,19% vốn điều lệ Viglacera để nâng tỷ lệ sở hữu lên 46,15% như mục tiêu đặt ra. Qua 2 đợt nâng giá chào mua có thể thấy quyết tâm của Gex.

Trên sàn chứng khoán, khối lượng giao dịch cổ phiếu VGC tăng mạnh ở cả phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trong thời gian Gelex chào mua.

Tổng khối lượng giao dịch đạt trên 133,5 triệu đơn vị tính đến ngày 17/9, tương đương gần 30% vốn điều lệ Viglacera. Với yếu tố này, có thể sơ bộ đánh giá được phần nào khả năng thành công của cả đợt chào mua.

Thương vụ chào mua thành công sẽ mở đường cho việc thực hiện mục tiêu nâng sở hữu lên mức chi phối 51%, hoàn thành hợp nhất VGC trong năm nay đã được Đại hội đồng cổ đông 2020 của Gelex đặt ra.

Doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thiết bị điện này cũng để ngỏ khả năng sẽ mua thêm dưới 5% cổ phiếu VGC mà không phải chào mua công khai theo quy định mới của Luật Chứng khoán.

Kịch bản thoái vốn nhà nước có thể thay đổi

Nếu đợt chào mua công khai của Gelex thành công, kịch bản thoái vốn nhà nước tại Viglacera có thể chịu tác động từ cục diện mới này.

Trong cơ cấu cổ đông tại Viglacera, Bộ Xây dựng hiện nắm giữ trên 38,6% vốn điều lệ. Theo kế hoạch thoái vốn đã được phê duyệt, cổ đông nhà nước sẽ phải thực hiện thoái số vốn còn lại đến hết năm 2020. Kịch bản thoái vốn nào để đảm bảo tối ưu hóa phần lợi ích thu về cho Nhà nước đang là câu hỏi lớn đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, Bộ sẽ cùng các bên rà soát thẩm định để hoàn tất việc định giá cổ phần sau khi có báo cáo tài chính bán niên 2020 của Viglacera. Dự kiến, trong tháng 11 - 12/2020, Bộ sẽ hoàn thành thoái vốn nhà nước tại Viglacera.

Với cục diện nhóm cổ đông lớn thứ hai chỉ sau cổ đông nhà nước gần như đã hoàn thành nâng tỷ lệ sở hữu qua chào mua công khai, giới đầu tư cho rằng, phương án thoái vốn nhà nước sắp tới tại Viglacera sẽ không dễ dàng.

Trong cả 2 phương án thoái vốn nhà nước còn lại tại Viglacera là thoái trọn lô và xé lẻ bán rộng rãi cho nhà đầu tư đại chúng, hầu như đều không còn lợi thế cho cổ đông nhà nước.

Trong đó, phương án xé lẻ sẽ bất lợi hơn với khả năng cao là lặp lại kịch bản bị ế lượng lớn cổ phiếu như đợt thoái vốn đầu tiên bởi giá khởi điểm theo quy định mới thường cao hơn thị giá cổ phiếu trên sàn.

Còn với phương án thoái trọn lô, xét theo cơ cấu cổ đông từ trước tới nay, Gelex vẫn là một trong những ứng viên nặng ký, có mục tiêu rõ ràng để có thể mua trọn lô nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối.

Song ở tình thế hiện tại, khi mục tiêu nắm giữ cổ phần chi phối 51% không còn xa, việc tiếp tục tham gia cuộc chơi thoái vốn của Bộ Xây dựng không còn là động cơ bắt buộc đối với Gelex.

Tất nhiên, nếu mức giá thoái vốn hấp dẫn, Gelex có thể sẽ không bỏ lỡ cơ hội mua lại toàn bộ lô cổ phần từ Nhà nước để có toàn quyền quyết định đối với Viglacera.

Một kịch bản khác là một nhóm cổ đông hoặc nhà đầu tư khác quan tâm tới Viglacera có thể mua trọn lô cổ phiếu VGC để nắm quyền phủ quyết, hoặc Bộ Xây dựng mang cổ phiếu VGC đến lại mang về.

Dù trong kịch bản nào, Bộ Xây dựng cũng không còn là người cầm trịch về giá trong cuộc chơi lần này.

Tin bài liên quan