Cực chẳng đã, doanh nghiệp mới phải kêu cứu

0:00 / 0:00
0:00
Những khúc mắc trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lại tiếp diễn, sau khi tưởng như đã tìm được các nút thắt.
Doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ đang gặp nhiều khó khăn trong hoàn thuế VAT Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ đang gặp nhiều khó khăn trong hoàn thuế VAT Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp khổ đến bao giờ?

Bà Phạm Thị Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần 12-11 Hạ Long thốt lên khi nhận được câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về tình hình xử lý các hồ sơ hoàn thuế VAT của Công ty.

“Tôi đang đến ngân hàng xin khất nợ, nếu không thì chết mất. Cả tỷ đồng tiền thuế VAT đợi hoàn suốt từ năm 2020 đến giờ vẫn chưa được. Mà doanh nghiệp có phải chỉ nợ ngân hàng đâu, còn nợ người dân, hộ trồng rừng, còn lương công nhân…”, bà Vinh than thở.

Bà Vinh và 10 doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ có trụ sở tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) lại vừa gửi đơn kêu cứu tới cả Chủ tịch Quốc hội, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Con số 1.100 tỷ đồng là tổng số tiền các doanh nghiệp đã làm hồ sơ, nhưng chưa được hoàn. Nếu tính theo lãi suất cho vay của ngân hàng khoảng 10%/năm, thì các doanh nghiệp đang gánh tiền lãi phải trả cho số thuế VAT tồn đọng trên là 110 tỷ đồng/năm, hay 300 triệu đồng/ngày.

Trước đó, các doanh nghiệp đã cùng đề nghị làm việc với Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, đối thoại, làm rõ các vướng mắc, nhưng chưa có phương án nào giải quyết dứt điểm.

“100% dăm gỗ mà chúng tôi xuất khẩu cho các đối tác là gỗ keo rừng trồng, không phải gỗ khai thác tự nhiên, vì chỉ cần lẫn 0,1% tạp chất là gỗ khác cũng bị trả lại hàng. Các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ đều thuộc đối tượng hoàn thuế. Hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho xuất khẩu dăm gỗ đều có đầy đủ hoá đơn, chứng từ và thanh toán đúng theo các quy định hiện hành…, đủ điều kiện được hoàn thuế VAT”, bà Vinh chia sẻ thông tin.

Nhưng hồ sơ của 11 doanh nghiệp đều bị tắc do quy định phải xác minh nguồn gốc dăm gỗ xuất khẩu, theo quy định tại Công văn số 633/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế về việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế VAT.

Về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH Tỷ Long (một trong số 11 doanh nghiệp của Hạ Long) đã từng đặt vấn đề rằng, thực tế, mỗi ngày xác minh được 4 hộ gia đình trồng rừng, trong khi doanh nghiệp mua ở nhiều địa bàn từ rất nhiều hộ và cơ sở kinh doanh khác nhau, có thể từ hàng ngàn chủ rừng, nếu đi xác minh đầy đủ có thể phải mất 5 năm.

“Công ty nộp hồ sơ hoàn thuế cách đây 2 năm, tới nay vẫn chưa được hoàn thuế do hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan công an để điều tra. Hồ sơ hoàn thuế này đã kéo dài 2 năm mà chưa xác minh xong”, đại diện Tỷ Long cho biết.

Trong đơn kêu cứu, các doanh nghiệp đề nghị việc xác minh nguồn gốc dăm gỗ đến khâu doanh nghiệp trực tiếp thu mua của hộ cá nhân, gia đình trồng rừng là đủ điều kiện để giải quyết hoàn thuế, bỏ quy định xác minh các hộ cá nhân, hộ kinh doanh trồng rừng. Lý do là, sản phẩm dăm gỗ bắt đầu chịu thuế ở khâu kinh doanh thương mại, còn ở khâu người dân tự sản xuất bán ra không chịu thuế.

Lại tiếp tục kêu cứu

Những tưởng Công ty cổ phần Thương mại - Xuất nhập khẩu Toàn cầu An Phát sẽ là trường hợp “điển hình” trong giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoàn thuế VAT, khi những kiến nghị liên quan đến hoàn thuế VAT với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng từ các năm 2020 - 2021 của Công ty đã có mặt trong nhiều cuộc họp, chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong 2 tháng qua. Đặc biệt, ngày 9/8 vừa qua, Tổng cục Thuế có Công điện số 07/CĐ-TCT gửi Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT.

Song, cập nhật đến ngày 14/8/2023, các hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT của Công ty vẫn chưa được Cục Thuế Hà Nội giải quyết.

Cũng phải nói thêm, trước đó, An Phát và nhiều doanh nghiệp tinh bột sắn cùng cảnh “ăn trực nằm chờ” đợi hoàn thuế VAT mừng như “vớ được cọc” khi ngày 26/7/2023, Ban Dân nguyện có Công văn về việc thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoàn thuế VAT đối với Công ty An Phát. Nhưng sau đó, đầu tháng 8/2023, sau văn bản trên, An Phát đã được mời đến Cục Thuế Hà Nội để làm việc…

Như vậy, những hy vọng có thể giải quyết dứt điểm những kiến nghị liên quan đến hoàn thuế VAT cũng như nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm giải pháp dường như rơi vào bế tắc.

Trong Công văn kêu cứu lần 3 gửi tới Báo Đầu tư, Công ty viết lý do doanh nghiệp không được hoàn thuế là căn cứ vào phía cơ quan thuế Trung Quốc trả lời với cơ quan thuế Việt Nam, nghĩa là vẫn là các căn cứ cũ, đã được doanh nghiệp giải trình, được cơ quan của Quốc hội làm rõ bản chất. Đó là, việc một số doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc không thực hiện kê khai trung thực nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa với cơ quan thuế Trung Quốc là trách nhiệm của doanh nghiệp Trung Quốc với cơ quan thực thi pháp luật của nước bạn, không ảnh hưởng đến việc thực hiện hoàn thuế VAT của doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, hỗ trợ hoàn thuế của Công ty đã được Cơ quan Công an Hà Nội xác minh theo đề nghị của Cục Thuế Hà Nội…

“Chúng tôi cảm thấy hoang mang, lo lắng, không biết bao giờ, sự việc của Công ty mới được giải quyết dứt điểm”, Công ty viết trong đơn kêu cứu gửi Báo Đầu tư.

Việc doanh nghiệp ngành gỗ không được hoàn thuế chủ yếu do sự bất cập trong quy định tại các văn bản số 2124/TCT-TTKT ban hành ngày 22/5/2020 và số 633/TCT-TTKT ban hành ngày 7/03/2022 của Tổng cục Thuế quy định về thanh, kiểm tra trong việc hoàn thuế, trong đó có việc xác minh nguồn gốc tới người trồng rừng.

Vì vậy, nếu các công văn trên không được bãi bỏ/sửa đổi, bổ sung, thì các vướng mắc trong hoàn thuế sẽ không được giải quyết triệt để. Doanh nghiệp nộp hồ sơ hoàn thuế VAT vẫn sẽ không được hoàn.

- Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam gửi kiến nghị tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngày 14/8/2023

Tin bài liên quan